Bài 3: Tiềm năng du lịch chưa được đánh thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được xác định là một nguồn lực quan trọng, là tiềm năng lợi thế, sản phẩm chủ lực, nổi bật cho phát triển du lịch của cả khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Vốn dĩ không có thế mạnh về công nghiệp, thương mại, nông nghiệp lại khó khăn, thế nên với Điện Biên, khai thác tốt di tích Điện Biên Phủ kết hợp với khai phá vẻ đẹp tiềm ẩn của mảnh đất miền Tây Bắc là con đường sớm nhất để giảm đói, nghèo. Thế nhưng, thực tế lại không như mong muốn.
 
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng
Trăn trở với di tích “vàng mười”
Di tích chiến trường Điện Biên Phủ là một trong 10 di tích cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, được xếp hạng đầu tiên trong cả nước vào năm 2009 với 22 điểm di tích thành phần. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 23 điểm di tích thành phần khác, nâng tổng số điểm di tích được công nhận lên 45. Đây là điểm đến, là thế mạnh chỉ duy nhất tỉnh Điện Biên có, nếu khai thác tốt sẽ là “vàng mười”. 
Hiểu được giá trị này, từ đầu năm 2016, Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-TU về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Gần đây nhất, tỉnh đã phối hợp với Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, không phải đến bây giờ Điện Biên mới trình quy hoạch, mà năm 2003, UBND tỉnh Lai Châu (khi đó chưa tách tỉnh Điện Biên) đã tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ với mục tiêu “ghi nhận, vĩnh cửu hóa các di tích liên quan đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã được công nhận và xếp hạng”. Nhưng sau 15 năm triển khai dự án, chỉ mới có 12/45 điểm di tích quan trọng được bảo tồn, tôn tạo, đạt 26,7% tổng các điểm di tích trong danh sách được xếp hạng.
Có mặt tại khu di tích Điện Biên Phủ tại thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trừ một vài điểm đã được đầu tư, bảo tồn, tôn tạo khá tốt như: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, đường kéo pháo bằng tay, bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng, Nghĩa trang Điện Biên Phủ... thì hàng loạt điểm còn lại đều đang được bảo tồn rất sơ sài. Hầm De Castries - một di tích đặc biệt quan trọng - cũng chỉ mới được làm mái che cách đây vài năm. Gần như chưa có một không gian bảo tồn đúng nghĩa. 
Trên cánh đồng Mường Thanh năm xưa, đây đó vài đoạn hàng rào thép gai được dựng lên một cách đơn sơ. Xác xe tăng nằm giữa cánh đồng phơi mưa nắng, không có mái che. Một số điểm di tích đã mất hoàn toàn dấu vết, như các dấu tích thể hiện diễn biến các trận đánh của quân đội ta vào trận địa phòng ngự của địch, hầm chiến đấu, giao thông hào, trận địa bao vây và tiến công của ta, một số điểm tập kết quân đội ta, một số trận địa pháo mặt đất của ta, nơi các anh hùng Tô Vĩnh Diện và Trần Can hy sinh... 
Tại điểm di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, huyện Điện Biên, anh Lò Văn Hoàng - Trưởng phòng di tích Mường Phăng, cho biết, việc tu bổ phần mái của lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… thường được thực hiện tại chỗ với sự tham gia, giúp đỡ của dân bản. “Hàng năm, đến mùa, mỗi nhà dân lại góp một ít lá gianh để lợp lại các khu lán trại tại di tích”, anh Lò Văn Hoàng cho hay.
Có thể nhận thấy, di tích được bảo tồn hiện nay chưa thể hiện được đầy đủ bối cảnh chiến trường, chưa thể hiện được quy mô, sự hiệp đồng tác chiến của các quân, binh chủng của quân đội Việt Nam. Tương tự, đối với các di tích liên quan đến trận địa phòng ngự của Pháp. Riêng hệ thống bố trí phòng ngự của địch có 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm, xung quanh có nhiều lớp hàng rào thép gai và mìn, được liên kết lại thành 3 phân khu; tuy nhiên, hiện nay ta mới chỉ ghi nhận 23 điểm. Điều này không phản ánh được quy mô các trận địa phòng ngự do Pháp xây dựng trước thời điểm tháng 5-1954.
Di tích chiến trường Điện Biên Phủ luôn đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại và xuống cấp. Các địa điểm di tích hiện nay đang nằm rải rác tách biệt nhau do bị chia cắt bởi các khu vực dân sinh của TP Điện Biên Phủ và các vùng lân cận. Nhiều điểm di tích xác định được địa điểm chính xác, song vĩnh viễn không thể khôi phục… Điều này cũng là nỗi ưu tư của nhiều cựu binh Điện Biên Phủ năm xưa. Cụ Phạm Bá Miều, một cựu binh Điện Biên Phủ, tâm sự, ông và các đồng đội thực sự thấy lo khi hàng loạt điểm di tích chưa được bảo tồn. “Chúng tôi chẳng còn sống được bao lâu, chỉ mong các điểm di tích không bị xâm hại, mai một”, ông nói.
 
Hầm De Castries mới chỉ được che mái che
Chưa khai thác hết tiềm năng
Nói đến du lịch Điện Biên, du khách thường đến đông nhất vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, vào sự kiện lễ hội hoa anh đào Nhật Bản (tổ chức ở hồ Pá Khoang), lễ hội hoa ban. Lý do là Điện Biên vẫn chưa có những sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn. Tại điểm di tích Mường Phăng, anh Lò Văn Hoàng - Tổ trưởng Tổ Quản lý di tích, cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Mường Phăng, nhưng cũng chỉ tập trung ở khu trung tâm, còn một số di tích như Sở chỉ huy tổng cục hậu cần kháng chiến thì mới cắm mốc, đài quan sát cách Sở chỉ huy Mường Phăng 8km, nằm ở độ cao hơn 1.500m, chưa có kinh phí để tôn tạo. “Nếu có kinh phí đầu tư thì hấp dẫn lắm, từ đó có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ. Phải kết nối được các điểm di tích thì mới hấp dẫn du khách, rồi phải làm các bản homestay để có chỗ cho du khách lưu trú”, anh Hoàng chia sẻ với chúng tôi.
Câu chuyện này cũng được ông Đoàn Văn Chì - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Điện Biên, thừa nhận, nhiều người thất vọng khi đến hầm De Castries, vì “chỉ tham quan 15 phút là hết, trong khi nếu bảo tồn toàn bộ sẽ có cả quần thể rất lớn, tới 8ha. Nhưng vấn đề là phải có kinh phí mới xây dựng được đường nội bộ kết nối từ hầm đến các vị trí địch thả dù, xác xe tăng, xác pháo…”, ông Đoàn Văn Chì nói.
Để thu hút khách đến với di tích Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cũng đã có nhiều sáng tạo trong làm du lịch, trong đó phải kể đến lễ hội hoa ban. Trải qua 5 kỳ tổ chức (từ năm 2014 đến năm 2018), lễ hội hoa ban đã trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Điện Biên, được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hàng năm, gắn với mốc thời gian mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây có thể coi là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Điện Biên, của vùng rừng núi Tây Bắc. Trên con đường rừng vượt qua bao đèo dốc, những tấm biển ghi “hàng cây hoa ban” xuất hiện khá nhiều. Ông Đoàn Văn Chì cho hay, tỉnh Điên Biện đã có một nghị quyết về trồng hoa ban. Dự án đang được triển khai, khoảng 3-4 năm nữa Điện Biên sẽ ngập tràn sắc hoa tinh khiết của núi rừng. Bên cạnh đó, dự án trồng 25 - 30ha hoa anh đào ở Tây Trang cũng đang được triển khai, nhằm tạo thêm một nét duyên mới cho Điện Biên.
Năm 2018, Điện Biên đón khoảng 705.000 lượt khách du lịch. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.155 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã đón khoảng 351.000 lượt khách quốc tế và hơn 1.434 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.815 tỷ đồng. Nếu so với những gì Điện Biên có, từ quần thể di tích Điện Biên Phủ, cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em, thì đó là những con số rất khiêm tốn. Những con số này khiến nhiều người tiếc nuối, bởi nếu như quần thể di tích Điện Biên Phủ được phát huy giá trị tốt hơn; giá như vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc và bản sắc văn hóa các dân tộc anh em được khai thác khéo léo hơn, du lịch Điện Biên hẳn sẽ đạt được những con số ấn tượng hơn và nhiều đồng bào Điện Biên sẽ có đời sống khấm khá hơn. Sẽ không còn chuyện “mổ 1 con lợn bán mà cả 2 bản mua không hết, vì bà con không có tiền mua thịt” như cô gái hướng dẫn viên người Thái Cà Thị Minh kể với chúng tôi.
Thu Hà-Phan Thảo- Bảo Vân-Bích Quyên (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.