Bài 1: Phận nghèo ở xã nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều hộ gia đình ở xã Rạch Chèo (Phú Tân, Cà Mau) vẫn còn vật vã với miếng cơm manh áo, sa vào thảm cảnh “bần cùng sinh đạo tặc” dù nơi đây được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa quyết định công nhận xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017, trong khi nơi đây nhiều hộ gia đình vẫn còn vật vã với miếng cơm manh áo, sa vào thảm cảnh “bần cùng sinh đạo tặc”. Một số cán bộ trục lợi trên những công trình xây dựng, dân tố chính quyền lấn đất...

 

Huỳnh Thị Trang thay chồng đi Bãi Bồi kiếm tiền nuôi con khi chồng vướng vòng lao lý.
Huỳnh Thị Trang thay chồng đi Bãi Bồi kiếm tiền nuôi con khi chồng vướng vòng lao lý.

Đường về trung tâm xã Rạch Chèo gặp một cổng chào hoành tráng. Hai bên đường rực rỡ sắc màu khẩu hiệu, áp phích, cây xanh được xây chậu bằng gạch… Nhưng ở đó, còn có những người vợ trẻ, con thơ ngóng chờ ngày đêm người chồng, người cha lãnh án “tội trộm cắp” trở về và họ đang bế tắc sinh kế.

Chính quyền lấn đất, cho thuê, trục lợi

Trong khi xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân) “chạy nước rút” đón sự kiện xã Rạch Chèo đạt chuẩn NTM, bà Văn Thị Thu Hà, 52 tuổi, ở ấp Rạch Chèo, đứng chờ lãnh đạo tỉnh Cà Mau để tố chuyện bị lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích, cán bộ trục lợi khiến gia đình bà không có nơi ở ổn định trên phần đất của mình.

Vào năm 1994, bà Văn Thị Thu Hà và chồng là ông Trần Văn Họt, 56 tuổi, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 41.000 m2. Trong đó, vợ chồng bà có 300 m2 đất thổ cư, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản. Năm 2005, xã Rạch Chèo thành lập, qui hoạch khu hành chính trùm lên phần đất gia đình bà.

Năm 2008 và 2009, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân ra quyết định thu hồi 1.599,6 m2 để mở đường, 795,5 m2 xây dựng Trường mẫu giáo Bông Sen và 6.386,4 m2 để xây dựng Khu thiết chế văn hóa xã Rạch Chèo. Bà Thu Hà nói: “Vợ chồng tôi thiện chí, chấp hành thu hồi đất để xây dựng nhưng bị lợi dụng”.

Bà Thu Hà khiếu nại và cho rằng, hàng rào trụ sở UBND xã Rạch Chèo lấn chiếm 0,5 m, dài 80 m. Ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân xác nhận hàng trào trụ sở UBND xã Rạch Chèo lấn chiếm phần đất bà Hà là đúng. Và ông Giang cho biết:

 

Sum họp tại nhà cha mẹ vợ sau khi Lê Hoàng Hải mãn hạn tù trộm cắp... sò huyết.
Sum họp tại nhà cha mẹ vợ sau khi Lê Hoàng Hải mãn hạn tù trộm cắp... sò huyết.

“Hiện nay, hàng rào trụ sở UBND xã đã xây dựng xong. UBND huyện xét thấy việc xây dựng này không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của gia đình bà Hà sau này, nếu bố trí được kinh phí sẽ tiếp tục lập thủ tục thu hồi, bồi thường phần đất theo qui định”.

Dẫn tôi đi trên con đường trước nhà, bà Thu Hà phân trần: “Gia đình tôi đã hiến đất xây dựng lộ giao thông nông thôn rộng 2m, đi qua phần đất 50 m nhưng khi thi công họ lấn ra 3 m, thậm chí đập phá sân nhà tôi mà không sửa lại, rồi trừ vào tiền phải nộp để làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân đã có quyết định thu hồi phần đất của vợ chồng bà Thu Hà để xây dựng Khu thiết chế văn hóa xã Rạch Chèo. Hiện nay, Nhà văn hóa - thể thao xã Rạch Chèo đã xây dựng xong. Phần đất còn lại, UBND xã Rạch Chèo cho ông Quách Văn Tèo nuôi tôm công nghiệp. Oái oăm thay, ông Tèo nuôi tôm thất bại, đất đành bỏ hoang.

Không chỉ vậy, ngay trong khuôn viên Trung tâm văn hoá- thể thao xã Rạch Chèo, ông Lý Văn Gặp - Chủ tịch UBND xã mở hàng rào để làm lối đi vô nhà ở riêng, mở quán, lập 2 sân bóng mi-ni để thu tiền theo giờ. Bà Thu Hà bức xúc: “Đầu tư xã hội hoá cho Chủ tịch xã, người dân đến vui chơi phải mất tiền thì có phải cán bộ chủ chốt trục lợi?”.

Bà Thu Hà nói trong nước mắt: “Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 300 m2 thổ cư nhưng chính quyền không định vị ở đâu và chỉ cho phép cất nhà tạm, tồn tại 3 năm. Trong khi đó, tôi chấp hành thu hồi đất để xây dựng khu vui chơi văn hoá, thể thao có phải để Chủ tịch xã cất nhà ở, kinh doanh, mua bán, thu tiền riêng?”.

Dân nghèo vướng vòng lao lý

Không biết từ bao giờ, Khu dân cư Kinh Năm xã Rạch Chèo, bám víu bờ sông Bảy Háp chảy ra Bãi Bồi Mũi Cà Mau chết danh “ngư tặc” Bãi Bồi. Dân cư ven sông Bảy Háp gồm các xã Đất Mới, Lâm Hải (Năm Căn) và xã Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái (Phú Tân) vốn mưu sinh “hái lượm” Bãi Bồi Mũi Cà Mau từ đời này sang đời khác.

Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, căn nhà đơn sơ, tạm bợ của vợ chồng ông Huỳnh Văn Ba - Phù Thị Chàng rộn tiếng cười lẫn nước mắt. Chàng rể cùng mang tiếng “trộm cắp” sò, ngao như ông là Lê Hoàng Hải, 27 tuổi, mãn hạn tù trong vụ trộm cắp sò huyết nuôi thực nghiệm của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Bà Phù Thị Chàng nói: Ông xã tôi bị phạt hành chính, không bị khởi tố, thoát tù. Giăng lưới cá trên Bãi Bồi bây giờ khó lắm, bị phạt vạ, tịch thu xuồng máy, ngư lưới cụ liên miên nhưng để sống nhiều khi nhắm mắt làm liều”.

Những đêm đầu tháng 7/2016, 19 người dân xã Rạch Chèo móc nối với vài người dân xã Lâm Hải (Năm Căn) trộm sò huyết nuôi thực nghiệm của doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Lộc thuê 100 ha của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trong đó, có 9 người bị truy tố trước pháp luật. Những người này có hình thức xử lý khác nhau, mức án khác nhau nhưng họ có chung cảnh nghèo khó, mù chữ, không đất sản xuất và thậm chí không nhà ở.

Huỳnh Thị Trang, 26 tuổi, vợ của phạm nhân Lê Hoàng Hải, kể rằng, 6 năm lập gia đình, không đất sản xuất, mù chữ, ở đậu ở nhờ nên không có sổ hộ khẩu riêng để xin cấp sổ hộ nghèo. Chị Trang nói: “Vợ chồng tôi vay 10 triệu đồng để mua vỏ máy đi Bãi Bồi giăng lưới. Khi anh Hải bị bắt, xử phạt, phải bán vỏ máy cũ được 4 triệu đồng, khắc phục hậu quả 2,9 triệu đồng, đóng án phí 2 phiên toà 400 ngàn đồng, còn lại 700 ngàn đồng cho con ăn và thăm nuôi”.

Chị Trang cho biết, khi chồng ngồi tù, ban đêm gửi con cho ông bà ngoại, ban ngày hai đứa tự chơi với nhau, để chị đi nhờ xuồng máy hàng xóm ra Bãi Bồi mò cua, bắt cá.

“Bây giờ, anh Hải được thả về, vợ chồng chưa biết đào đâu ra tiền để sắm vỏ máy đi Bãi Bồi” - Bỏ lửng chuyện bần hàn, Huỳnh Thị Trang kéo vạt áo lau dòng nước mắt. Ngoài kia, dòng sông Bảy Háp mờ đục, hiện lên trong mắt người phụ nữ trẻ, đã 6 năm lập gia đình nhưng chưa có mái ấm ổn định, chưa có ngày bình yên.

 

Phóng viên báo Tiền Phong tiếp cận khu vực nuôi sò huyết thực nghiệm, cấm người vào.
Phóng viên báo Tiền Phong tiếp cận khu vực nuôi sò huyết thực nghiệm, cấm người vào.

Những tháng qua, căn nhà rách nát, đơn sơ của phạm nhân Phù Chí Nguyện - một trong những người trộm cắp sò huyết, trở nên trống vắng, lạnh lẽo, thiếu hơi người. Phù Chí Nguyện đang ngồi tù, không thể về thọ tang cha là ông Phù Văn Uốt, vừa qua đời ở tuổi 76.

Từ khi ông Uốt mất, vợ ông bà Huỳnh Thị Ẩn, 70 tuổi, một mình trong căn nhà tạm ở kinh xáng Lò Heo, ấp Rạch Chèo. Vợ con của Phù Chí Nguyện đến ở để an ủi bà. Bàn thờ mới, đặt giữa nhà, nhang khói nghi ngút, tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhất của ông treo trên vách lá, úa vàng theo thời gian.

Ngồi nép sau cánh cửa, chị Trần Thị Út- vợ phạm nhân Phù Chí Nguyện cho biết, vết thương gãy chân đã lành, đi đứng đỡ đau nhức. Chị Út kể: “Khi anh Nguyện bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú, không kiếm sống được nên tôi phải đi làm ăn xa bị tai nạn gãy chân nên thành gánh nặng gia đình”.

Chị Út nói: “Tôi tính từng ngày, anh Nguyện mãn hạn tù. Tui phải đi làm thuê làm mướn để nuôi hai đứa con đang đi học được ngày nào hay ngày đó. Cha mẹ không biết chữ nào, ráng cho 2 con học hành biết chữ, biết đâu sau này đỡ khổ”.

Ông Ong Văn Tỷ, Trưởng ấp Rạch Chèo nói: “Cái nghèo của ấp Rạch Chèo rất đặc thù. Cha mẹ nghèo, con cái cũng nghèo, sống bám vào tài nguyên thiên nhiên vùng Bãi Bồi. Nhưng Bãi Bồi bị bao nuôi sò huyết, việc làm ăn của bà con đã khó giờ bế tắc hơn”.

Nguyễn Tiến Hưng/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.