Bài 1: Mốc son chói lọi của lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Vào những ngày cuối tháng 4, nhóm phóng viên Báo SGGP trở lại Điện Biên Phủ khi thành phố này bắt đầu vào cao điểm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng. Không chỉ những người cựu chiến binh năm xưa, người dân nơi đây, mà cả những du khách, trong đó có chúng tôi, đều đang muốn lắng mình lại trong một cuộc trở về của hồi ức. 
 
17g30 phút ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TL
Chỉ bằng sức người, vũ khí thô sơ và ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của đội quân viễn chinh Pháp được Mỹ giúp sức. 65 năm trôi qua, câu chuyện của các chứng nhân lịch sử, những đổi thay của mảnh đất huyền thoại ghi nhận được đã khiến chúng tôi thêm một lần nữa thấm thía giá trị của “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng và đi vào lịch sử như một bản hùng ca chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Những địa danh: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam… mãi là những mốc son cho tinh thần, ý chí đấu tranh kiên cường trên con đường đi tới tự do, độc lập của nhân dân ta. Dù 65 năm đã trôi qua nhưng ký ức về cuộc chiến với chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” và tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ như vẫn còn nguyên sức sống.
Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự
Trở lại Điện Biên những ngày này, thung lũng lòng chảo Mường Thanh ngày nào nay đã lột xác trở thành đô thị khang trang, hiện đại. Từ trên đỉnh đồi D1 nhìn xuống, những vết tích của quả bộc phá nặng gần 1 tấn vẫn hằn sâu trên đồi A1, xa hơn chút nữa là hầm trú ẩn nơi tướng De Castries vẫy cờ trắng xin hàng… vẫn còn đó. Những ký ức về ngày tháng oanh liệt “máu trộn bùn non”, “gan không núng, chí không mòn” lại cuồn cuộn chảy về.
Cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi bắt đầu triển khai Kế hoạch Navarre, phát hiện sự di chuyển của quân ta lên hướng Tây Bắc, tướng Henri Navarre đã quyết định tăng cường lực lượng và xây dựng Điện Biện Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Đây được coi như “cái bàn xoay” có thể xoay đi 4 phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc, đồng thời là “cái chìa khóa” để bảo vệ Thượng Lào, từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng gồm 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, được bố phòng chặt chẽ với tổng số hơn 16.000 quân. Trong đó có nhiều đơn vị tinh nhuệ, được trang bị phương tiện, vũ khí mới, hỏa lực mạnh. Đây được xem là một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương, một pháo đài được mệnh danh là bất khả xâm phạm.
Căn cứ vào tình hình thực tế, bộ chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng tư lệnh mặt trận đã thực hiện phương châm tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày. Kế hoạch tác chiến được phổ biến tới các đơn vị ngoài mặt trận, dự kiến ngày nổ súng là 25-1-1954. Mọi công tác được chuẩn bị kỹ lưỡng, pháo đã kéo vào trận địa trong tư thế sẵn sàng, chỉ chờ mệnh lệnh. Đa số mọi người đều nhất trí, đồng thuận theo phương án này nhằm giải quyết vấn đề tiếp tế hậu cần trong điều kiện Điện Biên Phủ quá xa hậu phương. Mặt khác, nếu thời gian chuẩn bị dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch. Song chỉ 10 tiếng trước khi mở màn chiến dịch, ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định mang tính chiến lược: chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Quyết định được cho là “hoãn binh” - đi ngược lại với ý chí của số đông khi ấy - đã khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí hoang mang. Song đây lại chính là một trong những thay đổi mang ý nghĩa quan trọng, quyết định sự toàn thắng của ta trên trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ. Nhiều năm sau, khi nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thổ lộ: “Để ra quyết định này, tôi đã trải qua 12 đêm ngủ không trọn giấc. Điều trăn trở không chỉ vì những lời Cụ Hồ dặn (chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh) mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sĩ...”.
Sau gần 3 tháng “hoãn binh”, ngày 13-3-1954, ta đã giành chiến thắng mở màn ở cụm cứ điểm Him Lam. Đây là bàn đạp quan trọng, vừa động viên tinh thần bộ đội, vừa khẳng định một bước tiến mới của quân đội Việt Nam. Ta đã thực hiện được việc không tưởng khi đào được đường hầm ngầm trên đồi A1 từ vị trí của ta đến gần hầm chỉ huy cứ điểm của Pháp, đặt khối thuốc nổ khổng lồ để tiêu diệt lô cốt quan trọng này. Tối 6-5-1954, khối bộc phá 960kg nổ trên đồi A1 báo hiệu ngày tàn của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7-5-1954, sau khi khai thông chốt chặn A1, quân ta từ các hướng tiến thẳng vào hầm chỉ huy của De Castries. Không còn sự kháng cự, De Castries cùng bộ chỉ huy quân Pháp và sau đó là toàn bộ quân đồn trú từ các hầm trú ẩn và các cứ điểm ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries. Giây phút này cũng đánh dấu việc toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, kết thúc cuộc chiến gian khổ ác liệt trong tư thế của người chiến thắng.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng, quân và dân ta đã xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất của quân đội ta, quyết định “số phận” quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Chiến thắng làm thay đổi thế giới
Đối với thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là một thất bại thảm hại và bất ngờ. Tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, trả lời trước ủy ban điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. Nhà báo Pháp Roy Jules Roy - người tham gia cuộc chiến khi viết “Khúc tưởng niệm cho cuộc bại trận ở Điện Biên Phủ” đã nhận định: “Đánh bại Tướng Navarre chính là những chiếc xe đạp thồ được 200-300kg, được đẩy đi bằng những con người dù đói cũng nhất quyết không ăn vào số gạo đưa đi tiếp tế cho quân đội, và ngủ nghỉ trên những mảnh nhựa trải dưới đất trên đường đi dài đến hàng mấy trăm cây số”. Đó là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân được phát động một cách tuyệt vời và khéo léo.
PGS-TS Christian C.Lentz (Đại học North Carolina Chapel Hill, Mỹ) khẳng định: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới! Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Genève chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Hơn thế, chiến thắng này cũng có tác động lan tỏa, khích lệ các dân tộc bị áp bức khác phải quyết tâm hơn để đấu tranh chống chế độ đế quốc”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng lịch sử quốc tế và đã mở ra một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh anh hùng của các dân tộc thuộc địa nhằm tự giải phóng khỏi ách chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Bỉ và Mỹ. Tinh thần Điện Biên Phủ là ánh đèn pha chiếu rọi cho hàng triệu người bị áp bức trên toàn thế giới. Chỉ 3 tháng sau trận Điện Biên Phủ, nhân dân Algérie, thuộc địa lớn nhất của Pháp ở châu Phi đã nổi dậy đòi độc lập, nửa năm sau lại đến các nước Maroc, Tunisia và nhiều nước khác cũng nổi dậy những năm sau đó. Đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp. Đại thắng Điện Biên Phủ của Việt Minh là một thảm họa đánh dấu cho thất bại hoàn toàn của Pháp trong việc tái xây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung sau thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược quy mô lớn, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của đội quân viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức. Thắng lợi rực rỡ của trận quyết chiến chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với toàn cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, đến thành công của hội nghị Genève, đưa cuộc kháng chiến lâu dài anh dũng của quân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi vĩ đại”.
Thu Hà-Phan Thảo-Bảo Vân-Bích Quyên (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.