Ba ngày chinh phục đỉnh Pờ Ma Lung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi những cái tên như Bạch Mộc Lương Tử, Pu Ta Leng, Tả Liên… dần trở nên quen thuộc trong cộng đồng những người ưa thích leo núi ở Việt Nam thì đỉnh Pờ Ma Lung, ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu, với độ cao 2.967m so với mực nước biển, mới chỉ được biết tới nhiều trong hơn 2 năm trở lại đây.
Dù chỉ đứng thứ 8 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng cao độ mà người leo phải vượt qua là rất lớn, gần 2.200 mét (từ 800 mét so với mặt nước biển lên gần 3.000 mét). So với Fanxipan, nếu đi đường Trạm Tôn – đỉnh núi, người leo chỉ phải vượt qua hơn 1.300 mét cao độ (từ khoảng 1.820 mét lên 3.143 mét). Độ dài quãng đường phải vượt qua cũng dài gần gấp đôi leo đỉnh Fanxipan. Tuy nhiên, điều đó trở thành nơi thử sức hấp dẫn với những người thích leo núi.
Bạc mặt với dốc Hy vọng
Gần 10h sáng, sau gần 450km tính từ Hà Nội, chúng tôi có mặt tại xã Bản Lang để làm thủ tục khai báo với UBND xã trước khi bắt đầu leo núi. Khoảng 10h30, chúng tôi bước vào cuộc hành trình hơn 40km đường rừng núi để chinh phục thành công đỉnh Pờ Ma Lung và trở về xã Bản Lang.
 
Thác Rồng Tiên ở độ cao 1.200 mét.
Những bước đi đầu tiên khá dễ dàng với khoảng 2,5km đường mòn xuyên qua bản Nà Đoọng để tới cửa rừng. Từ đây, chia tay với những nóc nhà với tường đá bao quanh của đồng bào, chúng tôi men theo hệ thống dẫn nước, đi trên những ống nước bằng thép trơn nhẫy để tăng dần độ cao.
Thêm độ hơn 1km, dấu vết cuối cùng của đời sống hiện đại như xi măng và ống sắt cũng bị bỏ lại, đoàn leo núi bám dọc theo con suối lớn, vượt qua những vạt rừng thưa… và đại ngàn dần hiện ra hùng vĩ và cuốn hút trong tiếng suối reo như từ hàng triệu năm trước.
Tới cao độ 1.400m, sau khi đã leo được hơn 4h liên tục, qua gần 11 km đường rừng, suối, người cũng thấm mệt, porter (người dẫn đường) A Phú bảo chúng tôi: “Giờ là dốc 3 tiếng nhé, tức là người bản địa leo ít nhất cũng mất 3 tiếng mới qua được”.
Với con dốc này, cao độ người leo phải vượt qua là 800 mét dốc đứng liên tục, chiều dài hơn 4km. Chúng tôi gọi nó là dốc Hy vọng vì người ta cứ mải miết leo, bò trườn, thở phì phò trên nó và cố nuôi hy vọng sắp tới rồi, tới nơi rồi nhưng hết lần này tới lần khác lại thất vọng dần đều và cuối cùng là tuyệt vọng hoàn toàn trước khi đến được lán nghỉ ở độ cao 2.200 mét.
 
Đoàn đã vượt qua nhiều vất vả để tới được đỉnh Pờ Ma Lung.
Hai cô gái trong đoàn là người miền Nam, cũng có ít nhiều kinh nghiệm với núi non Tây Bắc, nói chuyện với nhau thế này khi qua được nửa dốc: “Này, em sờ xem tim chị còn đập không cái? Ơ, thế chị để em xem em còn đang thở không đã nhé”.
Hai cô này và một số anh khác trong đoàn đã leo con dốc từ lúc mặt trời còn lửng lơ tới khi trăng treo đầu non mới vượt qua được nó để tới lán nghỉ lúc 20h với bộ mặt méo xẹo, trắng như vôi, chuột rút mấy lần, đi lại dặt dẹo như “xác sống”...
Kết thúc ngày 1 trong bơ phờ, đêm ở lán nghỉ bằng gỗ nhỏ nhắn, nằm giữa khoảng đất rộng giữa rừng thảo quả xanh mướt ở độ cao 2.200 mét trôi qua rất nhanh sau bữa tối với mấy con gà HMông luộc.
Lạc lối trong rừng nguyên sinh
6 giờ ngày thứ hai, mấy anh porter đánh thức đoàn dậy ra suối vệ sinh cá nhân. Nước suối sáng sớm lạnh như nước đá làm mấy vị khách thành thị suýt… rụng răng. Ăn sáng nhanh với bát cháo gà, chúng tôi bắt đầu khởi hành lên đỉnh.
Vượt qua những nương thảo quả rậm rì, đẫm sương đêm, từ đây, toàn bộ đường đi nằm trong rừng nguyên sinh đẹp như tranh vẽ. Đây cũng là đoạn đẹp nhất của cả cung Pờ Ma Lung. Khắp rừng là những cây cổ thụ mấy người ôm, rêu, phong lan, dương xỉ bám dày đặc, xanh ngút ngàn tầm mắt.
 
Đại ngàn bao la cuốn hút những người thích xê dịch.
Trong tiếng chim rừng và tiếng suối róc rách, chúng tôi cứ thế bám theo khe suối cạn, lổn nhổn những tảng đá lớn rêu phủ xanh mướt, âm u, ma mị như trong khu rừng cổ tích trăm năm không người qua lại. Hết đoạn suối cạn, chúng tôi lạc vào rừng trúc bạt ngàn chen nhau đứng đã hàng trăm năm. Lá trúc rụng năm này qua năm khác tạo thành thảm lá dày đi lên trên êm như đệm. Trúc đan vào nhau tạo thành những mái vòm rợp kín bầu trời, nắng gắt cũng không xiên qua nổi nên cả khu rừng mát lạnh dù lặng gió.
A Phú kể rừng Pờ Ma Lung còn nhiều thú lắm, cả thú dữ. Dăm năm trước, rừng này còn có hổ xuất hiện. Đám thợ săn phát hiện dấu chân của nó và nửa con hoẵng nó ăn thừa bỏ lại dưới tán rừng. Chỉ cho tôi xem mấy dấu chân lợn rừng khá to còn nguyên trên lối mòn, A Phú bảo mấy tháng trước, người dân đi rừng cũng gặp gấu, còn những loại thường như sóc, dúi, rắn rết thì không thiếu. Một bạn gái trong đoàn cũng đụng độ 1 con rắn lục xanh nhưng may mắn nó ngoan ngoãn bò đi chứ không tấn công.
Đường leo cứ dốc lên dốc xuống khá dài nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng lên tới đỉnh núi lúc 10h40’. Nằm ở độ cao 2.967 mét, đỉnh Pờ Ma Lung khá đẹp, rộng so với nhiều đỉnh khác. Cây cối rêu phong, cổ quái rất thú vị. Chúng tôi gặp may nên đúng lúc lên đỉnh thì gặp được biển mây bồng bềnh bao phủ bốn bề.
Trèo lên ngọn cây, có thể nhìn thấy các đỉnh Tả Liên, Pu Ta Leng ở xa tít kiêu hãnh vươn lên trên biển mây đặc quánh. Dưới ánh mặt trời, khung cảnh kỳ ảo khiến chúng tôi nghĩ tới hình ảnh Thiên đình trong bộ phim "Tây Du Ký". Rất tiếc, chỉ được vài phút, những đám mù cực lớn kéo đến khuất lấp toàn bộ tầm nhìn, “Thiên đình” tuyệt đẹp biến mất trong giây lát.
"Lao đầu xuống vực" để tìm thác Rồng Tiên
Vui vẻ chia nhau mấy cái bánh cốm Hàng Than và lon bia chúc mừng, chúng tôi nghỉ ngơi ít phút trước khi ngược đường trở về lán nghỉ. Đường về toàn dốc xuống nên không tốn nhiều sức lực nên 15h đã về tới lán.
A Páo (một người dẫn đường khác) đã thịt xong con lợn bản, đang tẩm ướp gia vị, khâu bụng nó lại chuẩn bị đem quay. Anh em hỗ trợ Páo đốt lửa và tập trung nướng con lợn. Khi cái lạnh tê tái theo màn sương đêm ùn ùn tràn xuống khoảng đất trống trước lán gỗ, con lợn quay cũng vừa chín. Chúng tôi ăn tối và nhanh chóng chìm trong giấc ngủ sâu không mộng mị cũng không… bụi mịn.
 
Đường tới đỉnh Pờ Ma Lung nằm sát đường biên giới với Trung Quốc.
Ngày thứ ba, sau bữa sáng, chúng tôi thu dọn đồ đạc để xuống núi. Lúc này, con dốc Hy vọng không còn làm khó nữa. Khoảng 2.100 mét, chúng tôi gặp lại biển mây nhưng không thể đẹp bằng “Thiên đình” ở 2.967 mét. Điểm đáng kể nhất trên đường về là phải ghé qua thác Rồng Tiên, ngọn thác mà có người đã xếp vào hàng đẹp nhất Tây Bắc. Tới độ cao 1.225 mét, chúng tôi phải tụt xuống một cái vực sâu thăm thẳm gần 300 mét để tiếp cận con thác.
Phải nói là leo xuống khổ vô cùng vì gần như không có đường xuống. Cây cối rậm rịt che kín mít nên chúng tôi chỉ còn cách bám men theo các khe đá để lần xuống đáy vực. Chon von bên bờ vực chỉ có những cây chuối rừng khổng lồ cao hơn chục mét đứng yên xem mấy anh chàng leo núi mạo hiểm… lao đầu xuống vực. Tốn nửa lít mồ hôi và sau vài lần đã thụt nửa người xuống vực, chúng tôi cũng tới được chân thác.
Ngọn thác khổng lồ đổ sầm sập xuống một cái hồ nhỏ không đáy từ độ cao có lẽ tới 300 mét khiến chúng tôi không thể cầm lòng được, bắt buộc phải nhảy xuống tắm để tẩy rửa bùn đất sau 3 ngày trong rừng. Nước suối trong vắt nhìn thấu đáy nhưng lạnh hơn nước đá, chắc chỉ 7-8 độ, nhúng chân xuống vài chục giây là cả người bắt đầu run rẩy.
Phải vùng vẫy vài ba phút, chúng tôi mới quen dần. Dù vậy, chỉ bơi được độ 15 phút thì cũng hết chịu nổi, tất cả vội lên bờ ngồi quanh đống lửa để làm ấm người và ăn trưa. Cậu porter tên A Phong bảo ở đáy hồ có nhiều cá to nhưng ở đây không ai dám câu hay bắt chúng.
Rời thác, đoàn chỉ mất khoảng 25 phút đường khá bằng phẳng men theo đường dẫn nước rợp hoa dã quỳ là về tới bìa rừng rồi đi “xe ôm” về trung tâm bản, kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm chinh phục Pờ Ma Lung. Rồi đây, chúng tôi sẽ tiếp tục chinh phục những cung đường khác của Tổ quốc nhưng ấn tượng ở Pờ Ma Lung - nơi miền biên thùy xa ngái - sẽ không bao giờ phai nhạt.
Yên Khê (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.