Ba Lan và Hy Lạp kêu gọi xây dựng lá chắn phòng không cho toàn châu Âu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 23/5, Thủ tướng Ba Lan và Hy Lạp đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi thành lập hệ thống phòng không ( tương tự như vòm sắt của Israel) trên toàn châu Âu.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: VOV

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: VOV

Trong thư, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phòng không ngày càng được chú trọng hơn đối với Ba Lan, quốc gia giáp Ukraine và đã chứng kiến ​​trường hợp tên lửa xâm nhập vào không phận nước này.

Ủy ban châu Âu đã có phản ứng rất tích cực trong việc biến hệ thống phòng không chống tên lửa, trở thành nhiệm vụ chung của châu Âu, tuy nhiên đây là một số tiền rất lớn.

Ông cho rằng, các nước châu Âu nên ngừng cạnh tranh phát triển hệ thống phòng không, mà cần tăng cường hợp tác, bao gồm cả việc đầu tư chung vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Trên trang cá nhân của mình, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tán thành với đề xuất này. Hạn chế sự phân mảnh, ông cho rằng các quốc gia cần có những dự án chung như thành lập một lá chắn phòng không ở mức độ toàn châu Âu, như đề xuất của Ba Lan và Hy Lạp.

Trả lời Đài AVN, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói kế hoạch này đã có 21 nước tham gia. Dự án với tên gọi "Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu" trị giá 4,3 tỉ USD là phương tiện để các bên cùng nhau tạo ra lớp phòng không "Vòm Sắt" của khu vực.

"Cuộc tấn công gần đây vào Israel cho thấy tầm quan trọng của những hệ thống này. Không có lý nào châu Âu lại không có lá chắn phòng thủ tên lửa của riêng mình", ông Tusk nói với The Telegraph ngày 21/5.

Vòm sắt là một trong những hệ thống phòng thủ hiện đại của Israel. Hồi tháng 4, tổ hợp phòng không này đã góp phần đánh chặn hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel với thiệt hại tối thiểu.

Vào tháng 4, thủ tướng Ba Lan Tusk cho biết, các nhà lãnh đạo quân đội và an ninh nước này ủng hộ Ba Lan tham gia một số dự án phòng không. Thủ tướng Ba Lan khẳng định, chỉ có một châu Âu đoàn kết, mạnh mẽ theo đuổi chính sách phòng thủ chung… mới có thể ngăn chặn chiến tranh và đảm bảo an ninh trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm