Australia thông tin về 30 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Pfizer ở Na Uy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 18-1, các chuyên gia y tế ở Na Uy và Australia đã trấn an những lo ngại của người dân về an toàn đối với vaccine Covid-19 của Pfizer - BioNTech sau khi khoảng 30 trường hợp tử vong trong các viện dưỡng lão ở Na Uy có liên quan đến việc tiêm loại vaccine này.

Những lọ vaccine Covid-19 của Pfizer trong tay một bác sĩ tại Trung tâm tiêm chủng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images.
Những lọ vaccine Covid-19 của Pfizer trong tay một bác sĩ tại Trung tâm tiêm chủng ở Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images.
Những người tử vong đều đã già yếu
Có khoảng 30 trường hợp tử vong được báo cáo trong số những người già yếu ở các viện dưỡng lão Na Uy được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer - BioNTech. Các nhà chức trách Na Uy đánh giá, trong số này, 13 trường hợp tử vong được báo cáo là có khả năng liên quan đến việc tiêm chủng Covid-19.
Ngày 15-1, các nhà chức trách Na Uy cho biết: “Ở Na Uy, chúng tôi đang tiêm phòng Covid-19 cho người già và những người trong viện dưỡng lão mắc các bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng, do đó, dự kiến ​​có thể xảy ra trường hợp tử vong gần với thời điểm tiêm phòng”.
Trung bình mỗi tuần, Na Uy có khoảng 400 người chết trong các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn.
“Chúng tôi không thể loại trừ rằng các phản ứng bất lợi với vaccine xảy ra trong những ngày đầu tiên sau khi tiêm chủng (chẳng hạn như sốt và buồn nôn) có thể góp phần vào diễn biến nghiêm trọng hơn và kết quả tử vong ở những bệnh nhân mắc bệnh tiềm ẩn nặng”, nhà chức trách Na Uy thông báo.
Ngày 18-1, ông Steinar Madsen, Giám đốc y tế của Cơ quan Dược phẩm Na Uy (NOMA) cho biết, việc triển khai tiêm vaccine Pfizer vẫn đang tiếp tục.
"Nhưng chúng tôi đã thực hiện một số điều chỉnh để các bác sĩ xem xét. Tất cả những bệnh nhân này đều là bệnh nhân ở viện dưỡng lão, thời gian sống dự kiến ​​rất ngắn. Nếu họ bị bệnh nan y, bác sĩ nên cân nhắc không tiêm phòng cho họ", ông nói.
Trong một tuyên bố, Pfizer cho biết công ty đã biết về các trường hợp tử vong được báo cáo và đang làm việc với NOMA để thu thập tất cả các thông tin liên quan.
Theo bác sĩ trưởng Sigurd Hortemo, thuộc Cơ quan Dược phẩm Na Uy, các báo cáo gợi ý "rằng các phản ứng bất lợi thường gặp đối với vaccine thông tin mRNA như sốt và buồn nôn có thể góp phần dẫn đến tử vong ở một số bệnh nhân yếu".
Nhưng các nhà chức trách cũng cho biết, các nghiên cứu lớn về vaccine Pfizer - BioNTec không bao gồm bệnh nhân mắc bệnh cấp tính hoặc không ổn định, mà chỉ bao gồm một số người trên 85 tuổi.
Bộ trưởng Y tế Australia: Người dân không nên lo lắng

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt. Ảnh: Guardian.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt. Ảnh: Guardian.
Sau khi có thông tin về những trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer, ngày 17-1, các nhà chức trách Australia cho biết sẽ kiểm tra các báo cáo về phản ứng có hại sau khi tiêm vaccine Pfizer ở Na Uy, nhưng Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết vẫn chưa rõ liệu một số trường hợp tử vong được báo cáo liên quan đến tuổi già hay là do tiêm chủng.
Ông Greg Hunt cho biết, Australia không thay đổi kế hoạch triển khai vaccine của chính phủ và “an toàn là ưu tiên số một của Australia”. Ông hứa sẽ cập nhật tới người dân về bất kỳ thông tin chi tiết nào từ Na Uy.
Theo Bộ trưởng Hunt, người dân Australia nên tin tưởng rằng “chúng tôi đang hoàn toàn kỹ lưỡng” và có “một cơ quan quản lý y tế thận trọng nhưng tập trung cao độ, xem xét tất cả các bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới”.
Mặc dù Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) vẫn chưa phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer, nhưng chính phủ nước này gần đây cho biết, quy trình này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 1, mở đường cho việc tiêm chủng bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 2.
Bộ trưởng Hunt cho biết ngày 17-1 ông đã nói chuyện với TGA và yêu cầu tổ chức này tìm kiếm thêm thông tin từ Pfizer và các cơ quan quản lý Na Uy.
“Chúng tôi vẫn chưa biết liệu những cái chết có phải do nguyên nhân đơn giản của tuổi tác và những người lớn tuổi phải đối mặt với sự mất mát tự nhiên của cuộc sống hay liệu có bất kỳ nguyên nhân nào, điều đó vẫn chưa được khẳng định”, ông Hunt nói.
Bộ trưởng Y tế Australia khẳng định: “Chúng tôi đang tiến hành rất thận trọng. Vì vậy, không có gì thay đổi trong khung thời gian của chúng tôi tại thời điểm này. Nhưng cơ quan quản lý y tế hoàn toàn được trao quyền để đưa ra các quyết định độc lập”.
Ông Hunt cũng đưa ra một tin tốt từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khi nước này đã tiêm khoảng 1,8 triệu liều vaccine của Pfizer "với kết quả rất tích cực về cả tính an toàn và hiệu quả".
Báo cáo của CDC cho biết, Mỹ chỉ phát hiện 21 trường hợp phản vệ sau khi 1.893.360 liều đầu tiên của vaccine Pfizer-BioNTech được sử dụng, trong đó, 71% hiện tượng sốc phản vệ xảy ra trong vòng 15 phút.
Báo cáo cho biết, không có trường hợp tử vong nào do sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine Pfizer-BioNTech.
HOÀNG DƯƠNG (Theo Guardian, ABC News/NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?