Anh vừa thử nghiệm vừa sản xuất 1 triệu liều vắcxin COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giới chức y tế Anh cho biết vắcxin phòng bệnh COVID-19 do Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển đã bắt đầu được thử nghiệm trên người từ ngày 23-4.
 
GS Adrian Hill, giám đốc Viện Jenner, trong lần thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng Ebola vào năm 2014 - Ảnh: AFP
Theo báo Huffington Post, đây là một dự án tham vọng và được giới lãnh đạo y tế đánh giá là "hứa hẹn" trong bối cảnh người dân Anh chật vật đối phó virus corona chủng mới.
Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã ca ngợi các nhà nghiên cứu vì đã có những "bước tiến nhanh chóng", đồng thời khẳng định nước Anh sẽ đầu tư mọi nguồn lực cần thiết để phát triển loại vắcxin này.
Ông Hancock cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ đầu tư vào năng lực sản xuất để một khi thử nghiệm thành công sẽ nhanh chóng có đủ vắcxin cho người dân Anh.
Chính phủ Anh thông báo tài trợ 24 triệu USD cho nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford và 27 triệu USD cho nhóm chuyên gia tại Đại học Imperial - cơ sở cũng có các nhà khoa học đang nghiên cứu, chế tạo vắcxin phòng bệnh COVID-19.
Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Oxford tuyên bố mục tiêu của họ là bào chế khoảng 1 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 vào tháng 9 tới.
Từ cuối tháng 3, Dự án của Đại học Oxford - liên danh giữa Viện Jenner và Nhóm Vaccine Oxford, đã tiến hành tuyển chọn các đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng, là những người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55.
Hai đơn vị này đã bắt tay vào nghiên cứu vắcxin phòng chống COVID-19 từ tháng 2.
 
Hình mẫu vắcxin phòng COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Trong giai đoạn đầu, thử nghiệm sẽ do Viện Jenner tiến hành trên 1.112 người tình nguyện, nhằm đánh giá độ an toàn và hiệu quả của vắcxin. Theo đó, 551 người sẽ được tiêm vắcxin thử nghiệm và nửa còn lại được tiêm vắcxin đối chứng. Ngoài ra có 10 người sẽ được tiêm cả 2 loại vắcxin, cách nhau trong khoảng 4 tuần lễ.
Do tự tin đánh giá độ thành công đến 80% nên nhóm nghiên cứu do nữ GS Sarah Gilbert dẫn đầu dự kiến họ tiến hành bào chế vắcxin song song với thử nghiệm.
Dự kiến sẽ có 1 triệu liều từ nay đến tháng 9 tới, để từ đó có thể đạt được lượng lớn hơn khi thử nghiệm thành công.
Báo Huffington Post dẫn nguồn của trường Y nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết trong số khoảng 100 nghiên cứu về vắcxin phòng chống COVID-19 trên thế giới hiện nay, chỉ 7 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
Có những thử nghiệm đã tiến hành tại Mỹ, Trung Quốc và một sẽ bắt đầu tại Đức vào cuối tháng này sau khi được chính quyền liên bang bật đèn xanh.
Vắcxin của nhóm nhà khoa học tại Đại học Oxford được đánh giá là một trong số ít nhất 70 loại vắcxin tiềm năng đang được các nhà nghiên cứu và công ty công nghệ sinh học trên khắp thế giới phát triển. Ít nhất 5 trong số các loại vắcxin này đang trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu trên người.
Các nhà chức trách Đức đã cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người một loại vắcxin do công ty công nghệ BioNTech của nước này phát triển phối hợp với "đại gia" dược phẩm Pfizer của Mỹ.
Trong một thông báo, Cơ quan Quản lý vắcxin Đức cho biết trong giai đoạn 1, thử nghiệm vắcxin BNT162 sẽ được tiến hành ở 200 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-55 tuổi. Trong giai đoạn 2, quy mô thử nghiệm sẽ mở rộng sang những nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ý Nguyên (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.