"Ánh trăng nói hộ lòng tôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những đêm ra đứng ngoài hiên, tìm không thấy ánh trăng đâu, tôi như mất một niềm an ủi nhỏ. Cao nguyên mùa này đón trăng khó lắm. Phải trời quang mây tạnh mới mong có gió mát trăng thanh. Tôi sống ở ngoại ô, bên hông nhà san sát cỏ cây. Tối đến, nếu biết lắng mình thì sẽ nghe rõ tiếng côn trùng ri rỉ. Tôi bất giác nghĩ, hay chúng cũng đang chờ một vầng trăng soi vào khoảng không mịt tối.
Chẳng hiểu vì sao tôi lại nghĩ sự xuất hiện của ánh trăng là một niềm an ủi. Đêm không trăng, bầu trời như tẻ nhạt. Có phải trăng là đốm lửa nhóm lên sự sống của đêm, khi bóng tối phủ dày lên tất cả. Cố nhiên, tôi còn nhớ một đêm trăng sáng. Nhưng đó là trăng của ngày xưa, của những đêm rước đèn và của một tâm hồn thơ trẻ. Người ta bảo, trẻ con thích trăng nhiều hơn người lớn. Thích là thích vậy thôi chứ chưa thể hiểu điều gì. Mà ngay đến tôi bây giờ, chắc gì đã hiểu một vầng trăng.
Tôi đã tưởng đến một đêm trăng nơi xa. Có thể ở đâu đó lúc này, ánh trăng thu bồng bềnh đang dìu người qua muôn vàn lối nhỏ. Nhiều khi thấy mình khác lạ, giữa tràn trề ánh sáng nhân tạo mà còn mong ngóng một nguồn sáng của tự nhiên. Nhưng mộng tưởng về cái đẹp thì hình như chẳng có gì đáng tội. Nơi xa ấy, trong ý nghĩ của tôi, là bờ cỏ bãi sông, là cánh rừng dài theo tiếng gió. Dòng trăng chảy đến những nơi tĩnh mịch như thế chắc phải đẹp hơn, nõn hơn lúc tỏ soi chốn đông người. Những ý nghĩ cứ thế dẫn tôi đi. Người đi dưới trăng khuya như đang đi qua sông. Nghe bàn chân miên man đến lạ.
Sương đêm mỏng mà lạnh. Tôi nghe phong thanh tiếng gió. Chưa bao giờ lại “thèm vụng” một ánh trăng mảnh dẻ soi xuống vai mềm, chữa lành những vết thương sâu đến vậy. Hồi bé cứ thỏa thích trông trăng nhưng trẻ con thường vô tư bởi chưa có nhiều thương tổn. Bây giờ mới biết trăng xuất hiện trên thế gian này để tỏ vào lòng người những dịu hiền. Ngày nay, người nhìn người để sống sao cho phải. Còn người xưa nhìn trăng để tự răn mình, soi trăng để gìn giữ tâm mình sao cho trong sáng, thanh thuần. Như một nhà văn từng nói, “ánh trăng thong thả nhân hậu sâu xa làm dịu đi những gay gắt, tính toán bạc bẽo”.Thực đúng là như vậy!

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Tôi biết, có nhiều người ở phố nhớ da diết trăng quê. Vầng trăng đâu chỉ là vầng trăng, đó còn là một khoảng trời kỷ niệm và tình thương mà con người đã từng có được. Phải nhờ ánh trăng để làm sống dậy chừng ấy điều quý giá. Người mang tâm sự nhìn trăng cũng khác. Trước những thăng giáng của cuộc đời, có người im lạnh. Họ nhìn trăng mà im lạnh. Chỉ vững một niềm tin rằng cái thiện của lòng người cũng sáng như trăng rằm, sẽ có lúc được thấu tỏ, chẳng cần nhọc nhằn phân bua.
Cái đêm ra đứng ngoài hiên ấy, tôi đã nhẫn nại chờ dù biết trăng không về qua ngõ. Mong trăng, có lẽ tôi phải đợi một ngày hé nắng. Tôi lững thững vào nhà, trong lòng vẫn chưa thôi mấy ý nghĩ vẩn vơ. Với tôi, trăng là bạn. Vầng trăng tròn đầy hay ánh trăng mảnh khảnh đều đẹp. Tôi cũng muốn ngắm trăng để soi mình. Cuộc đời con người dài ngắn vô chừng, nếu có được một “tấm gương” như vậy để soi chỉnh tâm tính bản thân thì quá tuyệt chứ sao. Nhưng ngẫm ra, mỗi ngày chúng ta có biết bao điều hay để soi mình chứ đâu phải chỉ nhờ một đêm trăng sáng. Cũng có lúc bạn mang cho tôi một cuốn sách hay, bạn cũng là trăng vậy!
LỮ HỒNG
 

Có thể bạn quan tâm

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

Thơ Lenguyen: Mùa qua phố

(GLO)- Bài thơ "Mùa qua phố" của tác giả Lenguyen là một bức tranh dịu dàng, gợi cảm xúc, đưa người đọc bước vào không gian phố núi Pleiku trong thời khắc chuyển mùa. Với giọng điệu lãng mạn và sâu lắng, bài thơ khơi gợi vẻ đẹp bình dị nhưng đầy chất thơ của phố núi...

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.