Đôi đũa bếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái thời bữa cơm nấu bằng than, củi, rơm rạ… thì đôi đũa bếp không thể vắng mặt nơi gian bếp, trong mâm cơm gia đình.
Đôi đũa bếp dài hơn đũa ăn; kích cỡ cũng lớn hơn, phần đầu bè ra, mỏng dẹt, cân đối như mái chèo; phần gốc tròn đều, dài gấp đôi phần đầu đũa. Đũa bếp thường làm từ thân gốc tre già, nhờ bàn tay khéo léo của người nông dân qua nhiều công đoạn cưa cắt, tạo hình, vót nhẵn mà nên. Ở những nơi trồng nhiều dừa, người ta chế tác nhiều vật dụng gia đình thông dụng từ lõi thân cây đã hết chức năng cho quả, và đũa ăn, đũa bếp nằm trong số đó.
Định danh “đũa bếp” vì nó gắn liền với gian bếp truyền thống, rất được việc: Dùng đầu đũa đảo cơm khi vừa sôi, lúc cạn nước cho cơm chín đều, tơi xốp. Gốc đũa cời bớt than hồng, vùi nướng củ khoai, con cá. Dùng đôi đũa bếp bưng/nhấc nồi cơm, nồi cá từ bếp để lên chiếc rế. Vì vậy, đũa bếp phần đầu vàng óng màu tre già, đầu kia đen đúa, lặng lẽ hao mòn.
Tận dụng ánh sáng trời, bữa cơm gia đình ở nông thôn ngày trước thường được bày trên nền nhà, vuông sân trước. Thức ăn được đặt trong đĩa, trong tô nhưng cơm lại bê lên cả nồi, mặc định vị trí đầu mâm cơm. Ngồi đầu mâm, hai bên nồi cơm là cha, mẹ; mẹ thường dùng đôi đũa bếp xới cơm vào chén cho các con.
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Người phía Bắc không dùng đũa bếp mà có đũa cái/đũa cả. “Cái” hay “cả”, định danh dựa vào chức năng sử dụng, hình dáng, ngôi thứ trong bó đũa. Đôi đũa cả không khác đôi đũa ăn về hình dáng lẫn chất liệu làm ra, có điều nó to và dài gấp đôi. Đôi đũa cả chỉ có một trong bó đũa, như thể đứng vị trí đứng đầu, giữ vai trò cầm trịch.
Bây giờ, hầu như mọi gia đình từ thành thị đến nông thôn đều dùng nồi cơm điện. Gạo cho vào nồi, vo sạch, nước vừa đủ, cắm điện thì tự khắc có cơm, chẳng phải “cơm sôi bớt lửa” hay lo chuyện “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét” nữa… Bây giờ, bếp gas, bếp từ trở nên phổ biến, chủ động nhiệt lượng, người nấu ăn không phải cời than, ủ nóng, giữ lửa thì cần gì đến đũa bếp, đũa cả vào những việc này. Cũng từ đó, củ khoai vùi, trái bắp nướng, con cá hun chẳng thể làm ra, kể cũng kém phần hấp dẫn so với tính năng gian bếp củi truyền thống! Thì đã có lò nướng. Kỳ thực, sản phẩm nhờ vào lò nướng trông bắt mắt nhưng khó sánh chất lượng, hương vị, bối cảnh không gian nơi gian bếp nghèo ám đầy mụi khói; quãng thời gian sự đói nghèo, túng khó đọng lại kỷ niệm khó quên.
Bây giờ, vào quán cơm niêu, cùng với niêu cơm đất nung phần cho mỗi người luôn có đôi đũa bếp nhỏ nhắn, xinh xinh với chức năng truyền đời. Chén cơm trắng ngần, thơm lừng hương gạo lúa mới được bới/đơm ra từ đôi đũa bếp; những dìa cơm cháy sém vàng hươm được cạy/lấy ra từ hông nồi, đáy nồi nhờ vào đôi đũa bếp giòn rộm, thơm nồng khi nhai, vị béo ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi mới cảm thấu hết giá trị hạt ngọc của trời!
Bây giờ, có ai còn giữ đôi đũa bếp, đũa cả phần đầu vàng óng màu tre già, đầu kia đen đúa, lặng lẽ hao mòn hay không?
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ 
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.