An Phú huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, phường An Phú (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Ấm áp những ngôi nhà "Đại đoàn kết"

Từ năm 2003 đến nay, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” được phân bổ và nguồn tài trợ của Mạnh Thường Quân, phường An Phú đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 45 căn nhà “Đại đoàn kết” với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Hoàng (tổ 15) là một trong những trường hợp được hỗ trợ xây dựng nhà. Anh Hoàng làm nghề cắt tóc, vợ buôn bán nhỏ nhưng mẹ bị ốm nằm một chỗ, các con còn nhỏ nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2021, vợ anh phát hiện bị u não phải phẫu thuật và điều trị lâu dài rất tốn kém.

Trong 20 năm qua, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, phường An Phú đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 45 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ảnh: N.M

Trong 20 năm qua, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, phường An Phú đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 45 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Ảnh: N.M

Năm 2022, phường An Phú và Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã kêu gọi BIDV Đông Gia Lai hỗ trợ 50 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình anh Hoàng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho vay 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà khang trang và chi phí cho con theo học đại học. Gia đình anh còn được vay Quỹ Hội Phụ nữ, Quỹ Hội Nông dân 15 triệu đồng để mua máy ép nước mía để kiếm thêm thu nhập. Dịp lễ, Tết, tổ dân phố kêu gọi các nhà hảo tâm tặng quà, nhu yếu phẩm giúp gia đình vơi bớt khó khăn.

“Tổ dân phố còn tạo điều kiện cho mượn mảnh đất do tổ quản lý để tôi mở tiệm cắt tóc. Phía trước tiệm, vợ tôi bán bánh mì, nước mía. Từ các hoạt động buôn bán, vợ chồng tôi thu về 250-350 ngàn đồng/ngày. Cuộc sống tạm ổn, vợ chồng bảo ban nhau chăm chỉ làm việc, buôn bán để vươn lên thoát nghèo”-anh Hoàng bộc bạch.

Không có đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình bà Hồ Thị Thảo (tổ 14) cũng thường thiếu trước hụt sau. Gia đình càng trở nên khó khăn hơn khi chồng bà bị tai nạn lao động dẫn đến liệt nửa người. Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày, bà Thảo nhận dọn nhà, rửa chén, phụ chạy bàn tại quán ăn nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Ngôi nhà vợ chồng bà cùng người con út sinh sống đã hư hỏng, dột nát nhiều năm nay mà không có tiền sửa chữa. Đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ 10 triệu đồng, Hội Liên hiệp phụ nữ phường ủng hộ 2 triệu đồng, Đoàn phường hỗ trợ ngày công giúp gia đình sửa chữa ngôi nhà.

“Vợ chồng tôi có 2 người con. Đứa đầu đã lập gia đình ra ở riêng nhưng cuộc sống còn khó khăn. Năm ngoái, các hội, đoàn thể phường giúp tôi mua được chiếc xe bán đồ ăn vặt lưu động, có nguồn thu nhập tạm ổn. Nhờ cấp ủy, chính quyền quan tâm, gia đình được hưởng chính sách dành cho người khuyết tật và được hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế. Tôi rất biết ơn sự quan tâm giúp đỡ này”-bà Thảo xúc động nói.

Theo ông Lê Quang-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 14: Hàng năm, tổ dân phố phối hợp với các ban, ngành của phường rà soát, thống kê danh sách hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở hoặc có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh để đề xuất cấp trên có giải pháp hỗ trợ. “Năm 2023, tổ có 37 lượt hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã để sản xuất kinh doanh. Tổ dân phố vận động các Mạnh Thường Quân tặng 80 suất quà (300 ngàn đồng/suất) cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trong dịp lễ, Tết. Đến nay, tổ chỉ còn 5 hộ cận nghèo”-ông Quang cho hay.

Còn ông Lâm Ngọc Ánh-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 8 thì chia sẻ: “Tổ có 335 hộ với 1.245 khẩu. Năm 2023, 1 hộ nghèo được các hội, đoàn thể hỗ trợ 35 triệu đồng để sửa chữa nhà, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; 1 hộ nghèo được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đất ở và 2 con bò. Tổ hiện còn 2 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Năm 2024, tổ phấn đấu vận động hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà giúp 1 hộ nghèo sớm ổn định chỗ ở, vươn lên trong cuộc sống”.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phường An Phú có 3.277 hộ, trong đó, 1.114 hộ sản xuất nông nghiệp; 821 hộ sử dụng đất nông nghiệp; 205 hộ xâm canh các nơi khác; 1.877 hộ làm nghề liên quan lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và các nghề khác. Những năm qua, phường xác định việc tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng để những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo được giúp đỡ, sẻ chia.

Sau khi được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, gia đình bà Hồ Thị Thảo (tổ 14, phường An Phú) ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.M

Sau khi được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, gia đình bà Hồ Thị Thảo (tổ 14, phường An Phú) ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.M

Bà Trương Thị Thanh Thúy-công chức Văn hóa-Xã hội phường-cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND phường phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã giải quyết cho 577 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 24 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, phường lập danh sách và đề nghị cơ quan chức năng cấp 48 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 254 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; chi trả hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo hơn 12,5 triệu đồng.

“Năm 2023, phường triển khai dự án hỗ trợ bò sinh sản cho 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, 2 hộ khuyết tật và 1 hộ vừa thoát nghèo. Bên cạnh đó, UBND phường phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường hỗ trợ 1 hộ nghèo 10 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Quỹ “Vì người nghèo” của thị xã, của phường để mua bò sinh sản, phát triển chăn nuôi”-bà Thúy cho biết thêm.

Chung tay giúp đỡ hội viên nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hội, đoàn thể của phường đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Chủ tịch Hội Nông dân phường Bùi Quốc Khánh cho hay: “Từ năm 2021 đến nay, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã tổ chức tập huấn chuyên đề nông nghiệp về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho 80 hội viên. Hội cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia mô hình trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, sản xuất kinh doanh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.

Hội Liên hiệp phụ nữ phường thì phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở địa phương.

Bà Đặng Thị Hồng Chi-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường-chia sẻ: “Trong công tác giảm nghèo, Hội đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 412 hội viên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình; vận động hội viên tham gia các loại hình tiết kiệm với 465 thành viên, tiết kiệm được 433 triệu đồng. Từ nguồn tiền tiết kiệm đã giúp nhiều chị em có thêm vốn để mở rộng mua bán, chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập. Từ đầu năm đến nay, các chi hội kịp thời động viên, thăm hỏi, tặng quà 3 gia đình hội viên khó khăn đột xuất, đau bệnh hơn 6,5 triệu đồng. Hội xuất quỹ 4 triệu đồng hỗ trợ 2 hội viên sửa chữa nhà, góp phần chia sẻ khó khăn với chị em”.

Trao đổi với P.V, ông Cao Thanh Cường-Phó Chủ tịch UBND phường An Phú-cho biết: Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội phường đặc biệt quan tâm, quán triệt, theo dõi, giám sát, đánh giá. Địa phương đã kịp thời triển khai các chính sách, chế độ cho hộ nghèo với phương châm dân chủ, minh bạch nên bà con rất phấn khởi, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương.

“Ban Chỉ đạo giảm nghèo phường phân công từng thành viên phụ trách, bám sát các chỉ tiêu, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng gia đình để huy động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, công tác truyền thông đã có tác dụng nâng cao nhận thức người dân tham gia giúp đỡ người nghèo, nhiều hộ nghèo ý thức phải nỗ lực vươn lên. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, phường còn 14 hộ nghèo và 80 hộ cận nghèo. So với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023 thị xã giao là 14 hộ nghèo (chiếm 0,43%) và 85 hộ cận nghèo (chiếm 2,59%) thì phường đã hoàn thành chỉ tiêu về hộ nghèo và vượt chỉ tiêu 5 hộ cận nghèo”-ông Cường thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các hạng mục để sớm bố trí tái định cư cho 33 hộ dân làng Đê Kôn (xã H'ra). Ảnh: Lê Nam

"Điểm tựa" giúp người dân ổn định cuộc sống

(GLO)- Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Mang Yang triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pyâu (Lơ Pang), Đê Bơ Tơk (Đak Jơ Ta), Đê Kôn (Hra) nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.