Phường Ngô Mây đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Những năm gần đây, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước. Qua việc tiếp cận các mô hình hay, cách làm mới trong phát triển kinh tế, nhiều hộ đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Mưa dầm thấm lâu”

Năm 2022, phường Ngô Mây còn 26 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo. Để sớm giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, phường tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như qua hệ thống cụm loa truyền thanh ở các tổ dân phố, treo pa nô, áp phích và tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Bích Ly-công chức Văn hóa-Xã hội phường-cho hay: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND phường đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền giúp người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế. Đội ngũ cán bộ chủ động tìm hiểu, lựa chọn các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế để tuyên truyền, vận động người dân học tập, làm theo.

Cán bộ phường Ngô Mây trao đổi với ông Đặng Thành Long (thứ 2 từ trái sang) về việc hỗ trợ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.D

Cán bộ phường Ngô Mây trao đổi với ông Đặng Thành Long (thứ 2 từ trái sang) về việc hỗ trợ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ảnh: N.D

Theo bà Ly, nhiều mô hình hay được địa phương tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh hàng ngày theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã phát huy hiệu quả, khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. “Bản thân tôi phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xuống khu dân cư tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Bên cạnh đó, tôi phối hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo phường nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới để giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong những năm tới”-bà Ly thông tin.

Còn ông Phạm Văn Hiếu-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 1 thì cho hay: Đầu năm 2023, tổ còn 11 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo. Để giúp những hộ này vươn lên thoát nghèo, ông cùng hệ thống chính trị thường xuyên kết nối với công chức lao động-thương binh và xã hội phường đến từng hộ tuyên truyền, vận động. Trên cơ sở nhu cầu của từng hộ, ông đề xuất phường tạo điều kiện để họ tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Không những vậy, hệ thống chính trị tổ dân phố còn định hướng và trao đổi thường xuyên với các hộ nghèo, cận nghèo nhằm giúp họ có niềm tin vững chắc vào sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước.

“Nhờ tuyên truyền, vận động sát với thực tế, trong năm nay, tổ đã có 2 hộ vươn lên thoát nghèo và 2 hộ ra khỏi danh sách cận nghèo. Hiện tại, tổ còn 9 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Năm 2024, hệ thống chính trị của tổ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thoát nghèo bền vững bằng những mô hình, cách làm mới, sáng tạo thông qua các nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, tổ sẽ không còn hộ nghèo và cận nghèo”-ông Hiếu cho biết.

Chung tay hỗ trợ người dân thoát nghèo

Nguồn thu nhập của người dân phường Ngô Mây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, do giá cả nông sản bấp bênh nên đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn. Vì vậy, thời gian qua, UBND phường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ cùng các hội, đoàn thể chung tay hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo sớm ổn định cuộc sống.

Theo đó, các ngành, đoàn thể của phường đã triển khai nhiều hoạt động thông tin, truyền thông để người dân tiếp cận chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo. Đặc biệt, trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường đã vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn ủng hộ kinh phí tặng quà Tết cho 26 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo và 86 hộ khó khăn với tổng trị giá 108 triệu đồng. Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường tập trung rà soát những hộ nghèo khó khăn về nhà ở, không có vốn chăn nuôi đề xuất Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” phường hỗ trợ.

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, gia đình ông Lò Á Xuân được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế. Ảnh: N.D

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, gia đình ông Lò Á Xuân được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế. Ảnh: N.D

Cụ thể, Quỹ “Vì người nghèo” phường đã hỗ trợ hộ ông Lò Á Xuân, Nguyễn Hoàng Anh (tổ dân phố 2) và ông Lê Duy (tổ dân phố 3) hơn 35 triệu đồng để sửa chữa nhà. Bên cạnh đó, hỗ trợ 18 con bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn giảm nghèo với số tiền hơn 330 triệu đồng. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Công an phường tham gia hỗ trợ ngày công lao động và tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo để từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Đặng Thành Long (tổ dân phố 1) chia sẻ: Gia đình ông là hộ nghèo. Bản thân ông thường xuyên đau yếu phải nằm bệnh viện điều trị dài ngày. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình ông, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh thị xã An Khê đã hỗ trợ 80 triệu đồng để ông xây dựng căn nhà mới khang trang. “Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp và chính quyền địa phương nên gia đình tôi mới có được căn nhà khang trang, vững chãi. Gia đình tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong năm nay”-ông Long bộc bạch.

Còn bà Nguyễn Thị Hương (cùng tổ dân phố) cho hay: “Vợ chồng tôi năm nay đều đã 67 tuổi, bệnh tật thường xuyên, không có nguồn thu nhập. Vừa rồi, gia đình được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản. Tôi sẽ cố gắng trồng cỏ voi để có thức ăn cho bò. Năm nay, tôi cũng mạnh dạn đăng ký ra khỏi danh sách hộ cận nghèo. Cảm ơn Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ những hộ khó khăn như gia đình tôi”.

Theo kết quả rà soát, đến cuối năm 2023, phường Ngô Mây còn 20 hộ nghèo (giảm 6 hộ so với năm 2022) và 31 hộ cận nghèo (giảm 7 hộ). Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Tùng-Chủ tịch UBND phường-cho biết: Để đạt được chỉ tiêu giảm nghèo đề ra, ngay từ đầu năm, UBND phường xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, UBND phường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các hội, đoàn thể rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu, đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo để mọi người dân biết được chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường theo dõi giúp đỡ từng hộ nghèo, cận nghèo để có hướng hỗ trợ phù hợp. Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm nay, phường đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

“Thời gian tới, UBND phường tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, UBND phường sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các đoàn thể tuyên truyền sâu rộng cho người dân, nhất là các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo nâng cao nhận thức và có hướng hỗ trợ hiệu quả. Tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, vận động hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, phường sẽ vận động các cơ sở, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở, giúp các hộ an cư để vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn sắp tới”-Chủ tịch UBND phường Ngô Mây chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.