Ăn mừng lúa mới - Lễ hội truyền thống độc đáo của bà con dân tộc Raglai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lễ hội ăn mừng lúa mới được coi là ngày Tết của người Raglai, thể hiện lòng biết ơn “hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở, ban lương thực nuôi sống con người và thắt chặt sự đoàn kết trong cộng đồng.
Hòa tấu chiêng mã la trong Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Hòa tấu chiêng mã la trong Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Lễ ăn mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Raglai, diễn ra vào khoảng tháng Ba, tháng Tư dương lịch hàng năm, sau khi lúa, bắp đã về đậu trong nhà (theo cách nói của người Raglai, tức là khi lúa, bắp đã được đưa về nhà) nhưng chưa được phép lấy ra ăn. Muốn lấy lúa, bắp ra ăn, phải làm Lễ cúng ăn mừng lúa mới.

Cộng đồng người Raglai sinh sống sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Trung Bộ, tại triền Đông cuối dãy Trường Sơn từ phía Bắc Khánh Hòa đến Bình Thuận; tập trung đông nhất ở khu vực miền núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Người Raglai có tín ngưỡng đa thần, tin rằng cây cối đều có hồn và được thần linh cai quản. Các vị thần đó đã cho họ cuộc sống tốt hơn. Ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia cũng luôn dõi theo và phù hộ cho con cháu làm ăn. Vì vậy, khi thu hoạch lúa, bắp, việc đầu tiên là phải tổ chức nghi lễ lớn để tạ ơn trời đất, các vị thần linh và tổ tiên đã ban cho mùa màng bội thu.

Ý nghĩa sâu xa của Lễ ăn mừng lúa mới của đồng bào Raglai là tạo lương thực từ đời này sang đời khác. Đây cũng là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn bà con trong cộng đồng Pa lây (buôn làng) đã giúp đỡ gia đình mình trong sản xuất, thu hoạch mùa màng.

Để chuẩn bị nghi lễ quan trọng này, phụ nữ Raglai chuẩn bị đồ cúng lễ, đàn ông thì làm cây nêu, sửa sang nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Không khí lễ hội rộn ràng khắp buôn làng.

Theo truyền thống, mở đầu lễ hội, người Raglai sẽ chọn rẫy lúa tốt nhất để làm lễ cúng rước thần lúa về nhà. Lễ cúng gồm lễ vật là trầu cau, cơm, trứng luộc và rượu.

Sau khi cúng xong, mọi người cùng nhau tuốt lúa, làm sạch cho vào gùi và rước thần lúa về nhà.

Tiếp theo là lễ cúng hồn lúa diễn ra dưới cây nêu trong buôn. Người Raglai tin rằng cây nêu là ngôi nhà của thần lúa, vì vậy mỗi khi tổ chức Lễ ăn mừng lúa thì cả buôn làng đều dồn hết tâm sức trang trí cây nêu thật đẹp với mong muốn thần lúa sẽ phù hộ bà con làm ăn được mùa.

Mâm cúng mừng lúa mới gồm có cơm được nấu từ lúa mới tuốt trên rẫy về, gà, heo, gạo, thóc, bắp, canh bùi, trầu cau và rượu cần.

Chuẩn bị mâm cơm cúng trong Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Chuẩn bị mâm cơm cúng trong Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Đặc biệt, canh bùi là món ăn truyền thống không thể thiếu trong nghi lễ quan trọng này. Món ăn được nấu từ gạo lúa mới nấu chung với rau rịa thái nhỏ, thêm gia vị gừng, muối và lá dao đất (còn được gọi là cây bột ngọt). Canh bùi khi chín sền sệt, có hương vị béo, thơm của gạo, ngọt của rau, mang ý nghĩa cầu cho mùa màng vụ sau được tươi tốt, bội thu.

Một điểm rất đặc biệt khác không thể không nhắc đến trong Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai, đó là lửa. Ngoài các lễ vật, trên mâm lễ cúng phải có lửa - “vật thiêng” mời ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới.

Trong lễ cúng thần lúa, thầy cúng luôn có bài hát khấn, trong đó có câu: “Ơ Giàng, năm cũ đã qua năm mới đã đến, nhờ ơn Giàng mà bà con mạnh khỏe, có cái ăn cái mặc. Xin Giàng chứng giám và hưởng lễ.”

Sau khi xong các nghi lễ cầu cúng là đến phần hội, tiếng chiêng mã la được đánh lên, những ché rượu cần được mở ra, rót đầy các bát để người Raglai chuyền tay nhau uống cạn. Rượu phải cạn thì mọi người trong gia đình mới khỏe mạnh, cuộc sống mới hạnh phúc.

Phần hội của Lễ ăn mừng lúa mới tưng bừng, đậm màu sắc văn hóa truyền thống của người Raglai với những bài dân ca xuri, ma diêng; hòa tấu mã la, kèn bầu đặc sắc. Mọi người cũng hòa mình vào không khí vui nhộn của các trò chơi dân gian như thi tài đẩy gậy, đi cà kheo...

Trong tiếng hát hòa nhịp tiếng chiêng Mã la rộn ràng, già trẻ, trai gái trong buôn làng cùng nhau ca hát, nhảy múa quanh cây nêu suốt đêm. Men say của rượu cần khiến các điệu hát, trò chơi của người Raglai càng thêm sôi nổi.

Lễ ăn mừng lúa mới diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ ba trong lễ hội, đồng bào tiếp tục lên rẫy dọn dẹp cho vụ mới.

Những già làng Raglai ở huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, cho hay Lễ ăn mừng lúa mới không chỉ thể hiện lòng biết ơn “hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở, ban lương thực nuôi sống con người mà còn là dịp để bà con trong dòng tộc nội, ngoại ở các nơi tụ hội về gặp mặt, thăm hỏi nhau sau một năm làm lụng vất vả.

Các mâu thuẫn đều được hóa giải khi mọi người cùng uống chung một ché rượu cần cúng tổ tiên, từ đó gắn kết thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Chương trình phục dựng Lễ hội ăn mừng lúa mới của huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Chương trình phục dựng Lễ hội ăn mừng lúa mới của huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức chương trình phục dựng Lễ ăn mừng đầu lúa mới của đồng bào Raglai. Chương trình nằm trong Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện.

Việc phục dựng Lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai là một hình thức nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai, hồi sinh những giá trị văn hóa dân gian, nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về nguồn cội.

Bên cạnh đó nhằm góp phần quảng bá đến với du khách gần xa về những nét giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương; tăng thêm sức hút về du lịch sinh thái trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.