An Khê quan tâm bảo tồn di tích lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong 5 năm (2018-2023), thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư 1,3 tỷ đồng lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 10 di tích lịch sử trên địa bàn. Hiện đã có 8 di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Chú trọng lập hồ sơ khoa học

Ngày 28-12-2023, UBND thị xã An Khê đã tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử đình Tân Tạo (xã Thành An) và miếu An Xuyên (phường Tây Sơn) với sự tham gia của các cơ quan liên quan, đơn vị tư vấn và thành viên các ban nghi lễ đình, miếu.

Ông Trần Thái Dũng-Trưởng ban nghi lễ miếu An Xuyên-cho biết: Miếu An Xuyên hay còn gọi là miếu Bà tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo (thuộc tổ 4, phường Tây Sơn). Miếu thờ Thủy long thần nữ nương nương, Hà Bá, Lang Lại đại tướng quân, Bản cảnh Thành hoàng, Bản xứ thổ địa, Kim niên hành khiển hành binh, Sơn thủy thạch thần, Thổ công, Táo quân, Sơn lâm chúa xứ, Ngũ kỳ thần tượng, Tiêu diện đại lực sĩ, Hỏa hồng thần nữ, tiền hiền, hậu hiền.

Hàng năm, tại miếu diễn ra lễ cúng Khai sơn (ngày 10-1 âm lịch), Quý Xuân (ngày 17-2 âm lịch) theo nghi thức truyền thống, có mời chính quyền địa phương, người dân đến tham dự. Ngoài ra, các thành viên Ban nghi lễ cúng Tết Đoan ngọ, rằm tháng 7, cúng chay vào ngày 15-10 và 1-1 âm lịch.

“Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn giữ lệ cũ là trong đêm Giao thừa, người đứng đầu Ban nghi lễ đình sau khi cúng cáo trời đất tại miếu sẽ đánh 3 hồi trống báo hiệu năm mới. Sáng mùng 1 Tết, dân làng tập trung tại miếu dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền hiền, tổ tiên, mong cầu năm mới bình an, gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc”-ông Dũng chia sẻ.

Miếu An Xuyên (phường Tây Sơn) đang được thị xã An Khê lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh

Miếu An Xuyên (phường Tây Sơn) đang được thị xã An Khê lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh

Trong quá trình thu thập thông tin, các nhà khoa học còn tìm thấy nhiều tư liệu chứng minh tại khu vực này từng xuất hiện một làng chài và cư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Các nhà khoa học đối chiếu tư liệu điền dã thu thập di sản Hán Nôm trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy, miếu An Xuyên là nơi duy nhất tại Gia Lai thờ thủy thần, bao gồm vị thần chính là bà Thủy Long cùng Hà Bá, Lang Lại đại tướng quân.

“Kết quả điều tra cũng cho thấy, miếu An Xuyên là nơi giữ được bài văn cúng có niên đại cổ xưa nhất, từ khi lập làng xây miếu (năm 1894). Đây là những giá trị lịch sử, văn hóa nổi trội của miếu so với các di tích khác ở Gia Lai; đồng thời là căn cứ khoa học vững chắc, có độ tin cậy cao về mặt tư liệu thông tin để đi đến những nhận định khác về lịch sử, văn hóa của di tích”-Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh) cho biết.

Còn di tích đình Tân Tạo (thôn 5, xã Thành An) là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân làng Tân Tạo xưa. Hàng năm, tại đình diễn ra lễ cúng Khai sơn (ngày 10-1 âm lịch), Quý Xuân (ngày 15-16 tháng 2 âm lịch) và một số lễ cúng vào ngày rằm tháng 1, 2, 4, 6,10. Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, thay đổi địa điểm, nhưng đình Tân Tạo vẫn giữ được 2 đạo sắc thần nguyên vẹn từ năm 1911 và một số câu đối lưu lại trên ván gỗ năm 1914 và 1943.

“Đình Tân Tạo cũng là một cơ sở lưu trữ, kiến tạo di sản văn tự với các tài liệu có giá trị đặc biệt trong việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương. Nguồn tư liệu gốc quý giá này nếu được khai thác tốt sẽ bổ sung đáng kể vào sử sách An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung”-Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Thành An: “Tân Tạo là ngôi đình còn lại duy nhất trên địa bàn xã. Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân rất mừng vì được thị xã quan tâm thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ khoa học. Xã đang hoàn thiện quy hoạch, hồ sơ cấp đất cho đình; tiếp tục tạo điều kiện cho các thành viên Ban nghi lễ đình tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng theo quy định, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Thực hiện Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 16-7-2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 19-1-2023 của UBND tỉnh về việc bổ sung danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh, UBND thị xã An Khê đã xây dựng và triển khai kế hoạch lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 10 di tích lịch sử. Đến nay, có 8 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn thị xã là 17 di tích.

Từ năm 2017 đến nay, xã Tú An xuất ngân sách 30 triệu đồng/năm để trùng tu, tôn tạo và thuê người bảo vệ, quét dọn Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy. Ảnh: N.M

Từ năm 2017 đến nay, xã Tú An xuất ngân sách 30 triệu đồng/năm để trùng tu, tôn tạo và thuê người bảo vệ, quét dọn Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy. Ảnh: N.M

Năm 2021, Khu tưởng niệm liệt sĩ Tú Thủy (xã Tú An) được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2022, tỉnh hỗ trợ xã 12 triệu đồng, năm 2023 tiếp tục hỗ trợ 24 triệu đồng để Tú An bổ sung kinh phí mua hương hoa cúng dâng liệt sĩ. Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã Tú An-cho hay: “Từ năm 2017 đến nay, xã xuất ngân sách 30 triệu đồng/năm để trùng tu, tôn tạo cảnh quan và thuê người bảo vệ, quét dọn khu tưởng niệm. Mỗi năm, vào dịp lễ, Tết, người dân đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ”.

Còn ông Lê Văn Hương-Trưởng ban Quản lý kiêm Trưởng ban nghi lễ đình Tân Lai (phường An Bình) thì phấn khởi cho hay: “Năm 2020, cụm đình miếu Tân Lai, Tân Chánh (gồm đình Tân Lai, miếu Tân Lai, miếu Tân Chánh) được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Cuối năm 2021, tỉnh đầu tư 2,6 tỷ đồng để đại trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình: nhà ngõ, tường rào, chánh điện, nhà tiền nhân miếu Tân Lai, miếu Tân Chánh. Chúng tôi cũng mong tỉnh sớm đầu tư sửa chữa đình Tân Lai để người dân, Ban nghi lễ tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động cúng lễ thần linh, bảo tồn bản sắc văn hóa”.

Liên quan đến công tác lập hồ sơ di tích, bà Lê Thị Hồng Minh-Phó Chủ tịch UBND thị xã-cho biết: “Thời gian tới, UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban liên quan rà soát lập danh sách di tích đề nghị tỉnh xếp hạng di tích giai đoạn 2024-2029. Năm 2024, thị xã lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với đình An Dân (phường An Bình); nơi ở và phần mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Hảo (xã Song An, theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 19-1-2023 của UBND tỉnh), góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của thị xã”.

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.