An Khê: Bất cập trong thu gom, xử lý rác thải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thị xã An Khê có nhiều hẻm nhỏ, hẻm cụt, xe chuyên dụng không thể vào thu gom, vận chuyển rác. Chính quyền địa phương, đơn vị chức năng tập trung tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này để cảnh quan môi trường sạch đẹp, hướng tới xây dựng đô thị văn minh.

Rác “mắc kẹt”

Thị xã An Khê có tất cả 368 hẻm nhưng Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã chỉ thu gom rác tại 100 hẻm thuộc các phường nội thị. Những hẻm còn lại phần lớn là hẻm cụt, hẻm nhỏ, xe chuyên dụng không thể vào thu gom rác nên gây nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ông Hồ Ngọc Ánh-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 3 (phường An Tân) cho biết: “Trên địa bàn có hẻm cụt phía sau chợ An Tân với 10 hộ dân sinh sống. Các hộ dân ở đây đã liên hệ với tổ dân phố đăng ký thu gom rác. Tuy nhiên, xe chuyên dụng không vào thu gom rác được. Vì vậy, một số hộ dân đã đem bỏ rác sinh hoạt chung với rác của chợ. Khi bị phạt, họ phải mang rác ra ngoài đường lớn bỏ hoặc tự chôn lấp”.

Các hộ dân trong hẻm đem rác ra đầu đường bỏ đúng nơi quy định giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Ngọc Minh

Các hộ dân trong hẻm đem rác ra đầu đường bỏ đúng nơi quy định giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Ngọc Minh

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thơm (hẻm 44/2 đường Lý Thái Tổ, tổ 7, phường Tây Sơn) cho hay: “Trước đây, hẻm chỉ có 4 hộ, chúng tôi đăng ký thu gom rác với Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã thì được báo lại là không thu gom được vì số hộ ít. Từ đó, các hộ tự tìm cách xử lý rác của nhà mình. Riêng gia đình tôi, cách 2 ngày, tôi mang rác ra nhà chị gái ở đường lớn bỏ chung. Nay hẻm tăng lên 10 hộ, chúng tôi rất mong Ban Quản lý vào hợp đồng thu gom, tránh tình trạng rác vứt bừa bãi”.

Theo ông Võ Thành Kính-Tổ trưởng tổ 7 (phường Tây Sơn): Tổ còn 6 hẻm cụt với trên dưới 10 hộ/hẻm, xe chuyên dụng không thể vào thu gom rác. Tổ đã vận động người dân hàng tuần tập kết rác ra đầu hẻm để xe thu gom, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, việc thu gom rác thường không đúng lịch, xe hư hỏng, rác tồn ứ, bốc mùi hôi rất khó chịu. Những nhà gần điểm tập kết rác thì phản ứng dẫn đến việc thu gom rác trong hẻm gặp khó khăn.

Trao đổi cùng P.V, bà Lê Thị Minh Chung-Phó Chủ tịch UBND phường Tây Sơn-cho biết: “Phường còn 19 hẻm xe chuyên dụng chưa vào thu gom. Chính quyền phối hợp với Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã tiến hành khảo sát 3 hẻm thuộc tổ 4 để đưa vào khai thác. Còn 16 hẻm trong năm nay tiếp tục khảo sát, triển khai vận động người dân tham gia dịch vụ thu gom rác. Đối với những tuyến hẻm xe không vào được, phường vận động người dân đưa rác ra các ngã ba, ngã tư của những tuyến đường để xe chuyên dụng đến thu gom”.

Tháo gỡ khó khăn

Hàng năm, phường An Phú xây dựng kế hoạch tăng tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã cùng các tổ dân phố tiến hành vận động người dân đăng ký thu gom rác. Hiện tại, toàn phường có 2.448 hộ đăng ký tham gia thu gom rác, chiếm 76%; 100% hộ dân trên các tuyến đường xe chuyên dụng lưu thông được đăng ký thu gom rác thải. Từ đầu năm đến nay, phường phối hợp với Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã mở rộng thu gom rác tại 5 hẻm.

Ông Trần Bảo Dũng-Phó Chủ tịch UBND phường An Phú-chia sẻ: “Trên địa bàn phường hiện còn 17 hẻm thuộc các tổ: 1, 6, 7, 8, 9, 13, 14 và 15 do nhỏ hẹp nên xe chuyên dụng không thể vào thu gom rác. Phường có kế hoạch xuất ngân sách hỗ trợ các hẻm mua xe rác loại nhỏ để vận chuyển rác ra đầu đường trước khi xe chuyên dụng thu gom. Chúng tôi tiếp tục vận động người dân đóng góp kinh phí mua thùng đựng rác để ở đầu hẻm, tránh tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến sức khỏe, cảnh quan môi trường”.

Xe chuyên dụng không thể vào hẻm nhỏ, hẻm cụt nên người dân sống trong hẻm ở An Khê phải mang rác ra đầu đường bỏ. Ảnh: Ngọc Minh

Xe chuyên dụng không thể vào hẻm nhỏ, hẻm cụt nên người dân sống trong hẻm ở An Khê phải mang rác ra đầu đường bỏ. Ảnh: Ngọc Minh

Về phần mình, mỗi ngày, Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã An Khê thu gom, vận chuyển hơn 30 tấn rác ở 5 phường nội thị gồm: An Bình, Tây Sơn, An Phú, An Tân, Ngô Mây và 2 xã Thành An, Song An. Từ đầu năm đến nay, đơn vị mở rộng thu gom rác ở 10 hẻm trên địa bàn 3 phường: An Phú, An Bình và Tây Sơn.

Theo ông Phan Văn Lai-Tổ trưởng Tổ vệ sinh môi trường (Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã An Khê), năm 2014, đơn vị nhận 3 xe chuyên dụng vận chuyển rác. Trong đó, 2 xe chứa được 9 m3 và 1 xe 6 m3 rác. Đội ngũ lao động theo xe chuyên dụng gồm 3 tài xế và 11 công nhân có nhiệm vụ thu gom rác từ thứ hai đến thứ bảy, trừ chủ nhật. “Theo thời gian và đặc trưng môi trường hoạt động, cả 3 xe chuyên dụng đều đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng; chi phí sửa chữa bình quân 500 triệu đồng/năm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu gom, vận chuyển rác và chi phí tái đầu tư, hoạt động của Ban”-ông Lai nêu thực trạng.

Cũng theo ông Lai, toàn thị xã có 8.891/13.746 hộ ký hợp đồng thu gom rác, chiếm 64,7% số hộ dân; số tiền dịch vụ thu gom rác khoảng 1,7 tỷ đồng/năm. “Số hộ tăng lên, tuyến đường mở rộng, buộc chúng tôi phải tăng lịch thu gom rác. Nhiên liệu, chi phí nhân công tăng song lệ phí theo quy định của tỉnh vẫn 15 ngàn đồng/hộ/tháng nhiều năm nay không thay đổi”-ông Lai nói.

Ông Lai cho biết thêm: “Để việc thu gom rác tốt hơn, thị xã cần quan tâm đầu tư mua thêm 1 xe chuyên dụng thu gom, vận chuyển rác để dự phòng trường hợp xe hư hỏng và khối lượng rác tăng lên. Đồng thời, cấp thẩm quyền xem xét nâng lệ phí thu gom rác lên mức phù hợp”.

Mới đây, HĐND thị xã đã thành lập đoàn giám sát chuyên đề thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua giám sát, đoàn công tác nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri về thu gom rác thải tại hẻm.

Theo ông Nguyễn Đức Thành-Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch HĐND thị xã, công tác vệ sinh môi trường rất quan trọng, là vấn đề chung đòi hỏi tất cả mọi người có trách nhiệm chung tay thực hiện. Nhưng trước tiên là tổ dân phố và cụm dân cư cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chung tay bảo vệ môi trường; các địa phương cụ thể hóa thực hiện chỉ tiêu về môi trường cho đảm bảo.

“Chi phí cho người làm công tác vận chuyển rác ra đầu hẻm nên xã hội hóa hoặc Ban Quản lý Nhà máy rác và Dịch vụ đô thị thị xã hỗ trợ thêm. Ban chú trọng phối hợp chặt chẽ với các phường, tổ dân phố có giải pháp thu gom rác đúng lịch, tránh tình trạng ùn ứ trong thời gian dài ảnh hưởng môi trường, mỹ quan đô thị. Về vấn đề phương tiện và lệ phí, UBND thị xã có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết để công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải của địa phương được tốt hơn”-ông Thành thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Xu hướng thiết kế nhà ở Gia Lai: Không gian sống hiện đại, thân thiện môi trường

Xu hướng thiết kế nhà ở Gia Lai: Không gian sống hiện đại, thân thiện môi trường

(GLO)-

"Nhà là nơi để trở về" điều này không chỉ phản ánh ý nghĩa tinh thần mà còn gợi nhắc tầm quan trọng của việc thiết kế nhà ở nhằm nâng cao chất lượng sống. Nhà ở hiện đại được bố trí không gian xanh thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tại Gia Lai.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.