An Giang: Một ông nông dân U70 mở trang trại nuôi bò khủng, trồng chuối sạch bán cho Tây, lời nhẹ nhàng 5 tỷ/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vốn "mê đất" nên có tiền là ông Sáu Đức mua đất. Khi có diện tích đất lớn, ông mở trang trại nuôi bò, trồng chuối xuất khẩu.

Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp cùng với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, việc làm ăn của ông Sáu Đức ngày càng phát triển, mỗi năm thu lời hàng tỷ đồng.

Đến Tri Tôn (An Giang), hỏi nông dân nào nhiều đất, biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhiều người nói ngay ông Sáu Đức (ông Nguyễn Lợi Đức, 65 tuổi, ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn).

Bắt đất phèn "đẻ" ra tiền

Năm 1978, ông Đức lập gia đình và sống bằng nghề mua bán kinh doanh nhỏ, rồi mở vựa mắm tại Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) để cung cấp cho các vựa mắm lớn ở TP.Châu Đốc. Đến Năm 1981, ông lại chuyển sang nuôi cá ba sa, cá tra trong lồng bè. Khi con cá basa xuống dốc, ông lên bờ tìm đến vùng kinh tế mới (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) để khai phá ruộng đất, trồng lúa.

 

Ông Sáu Đức tại chuồng bò giống được sử dụng đệm lót sinh học rất bài bản. Ảnh: Trọng Bình
Ông Sáu Đức tại chuồng bò giống được sử dụng đệm lót sinh học rất bài bản. Ảnh: Trọng Bình

Hiện nay, doanh thu từ lúa giống, bò và trồng chuối xuất khẩu của công ty ông Sáu Đức lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, trừ hết các chi phí còn lời trên 5 tỷ đồng. Ngoài việc làm giàu cho gia đình, ông Sáu Đức còn giải quyết công ăn việc làm cho 100 lao động thường xuyên với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Lúc bấy giờ, Lương An Trà là vùng đất hoang hóa, đầy lau sậy, đất nhiễm phèn, thiếu nước ngọt nên giá đất chỉ khoảng 1 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, từ khi con kênh T5 được khai thông và UBND tỉnh An Giang chọn Lương An Trà xây dựng nhà máy chế biến khoai mì (sắn) đã mở ra tương lai phát triển mới cho vùng đất nổi tiếng khắc nghiệt này. Cũng có nhiều người đến Lương An Trà mua đất canh tác nhưng thất bại do đất nhiễm phèn quá nặng.

Thất bại của những người đi trước đã giúp ông Sáu Đức rút ra kinh nghiệm cần phải đào kênh để xả phèn và dùng phân lân bón cho lúa. Từ đó, lúa của ông Đức luôn đạt năng suất rất cao, có năm hơn 32 giạ/công (1 giạ = 20 - 22kg). Thấy ông trúng đậm, nhiều người đến học hỏi, ông sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm.

Thành công từ cây lúa gián tiếp giúp ông Sáu Đức khẳng định đồng đất Lương An Trà vẫn đầy tiềm năng. Từ đó, ông quyết định đầu tư mua thêm trên 1.000 công đất, nâng tổng diện tích lên 1.500 công. Đất được ông cải tạo dần để trồng lúa, đặc biệt là sản xuất lúa giống. Có những năm, ông cung cấp ra thị trường trên 10.000 tấn lúa giống. Tiếp đó, ông lại về xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) mua thêm hàng chục ha đất với quyết tâm làm ăn lớn. Ông Sáu Đức cũng thành lập công ty, thiết kế logo và đăng ký sở hữu trí tuệ. Trong quá trình canh tác, ông bắt đầu tính toán giảm dần việc sản xuất lúa giống, nghiên cứu chuyển hướng làm ăn.

Năm 2013, ngành chăn nuôi có nhiều biến động, việc ông Sáu Đức lập trang trại nuôi bò và sản xuất bò giống chất lượng cao làm nhiều người bất ngờ. Để thực hiện mô hình này, ông Sáu Đức phải học từ những việc nhỏ nhất, như cách làm chuồng, thức ăn, cách chăm sóc bò đến việc khó nhất là kỹ thuật gieo tinh cho bò giống. Bò nuôi được ông tuyển chọn kỹ từ những giống chất lượng cao, siêu thịt như: Brahman, Red, Angus, Italia và nhập thêm các giống bò Úc, Thái, Pháp…

Lúc đầu, ông chỉ thử nghiệm 100 con, nay đã tăng lên 600 con, trong đó có trên 300 con bò cái, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 200 con bê. Đặc biệt, ông Sáu Đức lai tạo ra giống bò ba máu (lai ba dòng) có chất lượng thịt tương đương với bò Kobe của Nhật.

Đến đầu năm 2017, ông Sáu Đức mở rộng thêm 55ha để trồng chuối già Nam Mỹ. Việc thành lập vườn chuối không chỉ bắt đất phèn "đẻ" ra tiền như mong muốn mà nó còn giúp ông hoàn thiện mô hình nuôi - trồng khép kín của mình. "Bò có thức ăn, cây chuối không còn tốn nhiều phân nữa, tính ra mình lời gấp đôi rồi"- ông Sáu Đức nói vui.

Liên kết để phát triển

Ông Sáu Đức cho rằng, ngày nay, khoa học công nghệ rất tiến bộ, nông dân không cần lo vùng đất này phèn hay xấu quá. Vấn đề là cần hiểu vùng đất này phù hợp với loại cây trồng, vật nuôi nào rồi vận dụng khoa học kỹ thuật phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn và chất lượng cao thì sẽ thành công. Ngoài ra, bà con nông dân phải thật sự gắn bó với công việc mình đang làm, không chỉ đạo từ xa; việc quản lý người làm cũng phải mềm mỏng, sắp xếp công việc phù hợp cho từng người, vì làm nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nặng chân tay.

Thành công hôm nay, ông Sáu Đức cho rằng ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhất là chính sách về vốn vay ưu đãi, cơ sở hạ tầng, chủ trương tích tụ ruộng đất… dành cho doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch, có ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, khi làm ăn lớn, rồi đi tham quan, học tập mô hình nông nghiệp ở những nước phát triển, ông Sáu Đức trăn trở nhiều vấn đề, trong đó có chuyện liên kết giữa các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã. Với ông, liên kết được xem là đường hướng duy nhất để tồn tại và phát triển bền vững trong thời buổi hội nhập như hiện nay.

"Nông dân, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp cần liên kết lại, sản xuất theo nhu cầu thị trường, áp dụng quy trình, kỹ thuật canh tác như nhau để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều" - ông Sáu Đức nói.

https://danviet.vn/an-giang-mot-ong-nong-dan-u70-mo-trang-trai-nuoi-bo-trong-chuoi-ban-cho-tay-moi-nam-loi-5-ty-dong-20210117165329825.htm

Theo Nguyên Nguyễn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.