Ấn Độ sẽ cố gắng ngăn chặn nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) như một chính sách đối ngoại ưu tiên.
Tờ Hindustan Times đưa tin New Delhi đã luôn tìm cách giảm bớt tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại LHQ và các tổ chức thành viên nhưng giờ đây, họ cân nhắc "tất cả các lựa chọn" trong việc phản ứng.
Theo báo chí Ấn Độ, trong thập kỷ qua, Trung Quốc xem LHQ như một phương tiện để hợp thức hóa vị thế cường quốc. Hoạt động của họ cũng tăng lên sau khi Mỹ đưa ra nhiều chỉ trích với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thành viên.
Có ít nhất 4 lĩnh vực mà Ấn Độ sẽ dùng hỏa lực ngoại giao nhắm vào.
Thứ nhất là phủ nhận chức chủ tịch của Trung Quốc trong các cơ quan của LHQ. Hiện Bắc Kinh đang giữ 4 ghế và mong muốn có thêm nhiều vị trí tương tự. Ít nhất, Ấn Độ sẽ tìm cách không để Trung Quốc giành được thêm và tốt nhất là mất một số vị trí mà họ đã nắm giữ. Chức chủ tịch của Trung Quốc tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Liên minh Viễn thông Quốc tế đang ở nhiệm kỳ 2 và được xem là các vị trí dễ bị lật đổ.
Ấn Độ đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Arvind Yadav |
Thứ hai là đảm bảo không có văn phòng hay cơ quan lớn nào của LHQ được đặt tại Trung Quốc. Từ lâu Bắc Kinh đã bất mãn vì không có cơ quan LHQ nào được đặt tại nước này dù họ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã cố gắng lập văn phòng tại các khu vực khác vì chi phí hoạt động đắt đỏ ở TP New York - Mỹ. Vào năm 2019, Bắc Kinh từng vận động hành lang để mở một văn phòng ở Thượng Hải.
Ngoài đất đai và nhà ở, Trung Quốc thậm chí còn đề nghị trả một phần lương cho các nhân viên LHQ. Khi Trung Quốc cố gắng huy động 140 nước trong nhóm G77 ủng hộ ý tưởng này, Ấn Độ lại vận động các chính phủ thân thiện với mình ở châu Phi để trì hoãn. Sau đó, Mỹ cũng tham gia ở cấp độ Hội đồng Bảo an và chỉ ra các lo ngại an ninh về việc đặt văn phòng LHQ tại Trung Quốc.
Mặc dù nỗ lực này đã trật bánh nhưng Bắc Kinh sẽ tiếp tục thử lại lần nữa. "Nó vẫn nằm trong chương trình nghị sự của Trung Quốc" - một cựu quan chức ngoại giao Ấn Độ tại LHQ tiết lộ.
Trung Quốc cũng muốn nắm quyền trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Nước này đang đóng góp cho quỹ hòa bình nhiều hơn cả số tiền của Anh, Pháp và Nga cộng lại. Ấn Độ lưu ý rằng Trung Quốc đang đưa binh lính tới những nước nơi công ty của họ có lợi ích kinh tế.
Cuối cùng, Bắc Kinh luôn lo ngại về việc họ nhận được rất ít hợp đồng trị giá hàng tỉ USD về dịch vụ và thiết bị của LHQ. Trong khi đó, Ấn Độ là nhà thầu lớn thứ 2 của cơ quan này nhờ các sản phẩm dược phẩm. Các quan chức LHQ cho biết Trung Quốc "không lọt vào danh sách" nhà thầu. Dự đoán Bắc Kinh sẽ cố gắng tác động để các quy tắc trong quy trình đấu thầu của LHQ bị nới lỏng, qua đó chiếm lợi thế.
Loại vũ khí thô sơ được cho là do Trung Quốc sử dụng trong cuộc đụng độ. Ảnh: BBC |
Trong một diễn biến khác, Ấn Độ thề sẽ bảo vệ biên giới bằng lực lượng quân sự nếu cần thiết sau khi 20 binh sĩ thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tới quân đội Trung Quốc vào ngày 15-6. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định không có binh lính nước ngoài nào xâm nhập vào biên giới Ấn Độ và họ cũng không để mất phần lãnh thổ nào.
Phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông tin nào về thương vong kể từ khi đụng độ nổ ra tại khu vực biên giới tranh chấp ở dãy núi Himalaya. Hai cường quốc hạt nhân đều cáo buộc nhau vượt qua biên giới và kích động bạo lực.
Ấn Độ cho biết cả 2 phía đều tổn thất trong vụ xung đột tại thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh. Trong bài phát biểu ngày 19-6, Thủ tướng Modi nói lực lượng vũ trang Ấn Độ "được cho phép thực hiện tất cả biện pháp cần thiết" để bảo vệ lãnh thổ. "Toàn bộ đất nước đều đau lòng và giận dữ trước các hành động của Trung Quốc. Ấn Độ mong muốn hòa bình và tình hữu nghị nhưng giữ vững chủ quyền vẫn là điều quan trọng nhất" - trích lời ông Modi.
Cuộc xung đột chết người hôm 15-6 khiến ít nhất 76 binh sĩ Ấn Độ bị thương. Một bức ảnh chụp loại vũ khí thô sơ dùng trong cuộc đụng độ xuất hiện trên internet vào ngày 18-6 và được đài BBC đăng tải. Đó là một thanh sắt nạm đinh bị một quan chức quân đội cấp cao của Ấn Độ thu giữ. Người này khẳng định đây là vũ khí được Trung Quốc sử dụng.
Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên Twitter tại Ấn Độ và khiến nhiều cư dân mạng giận dữ. Tuy nhiên, quan chức 2 nước chưa đưa ra bình luận gì về điều này. Truyền thông đưa tin quân đội 2 nước đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.300 m trên địa hình dốc, khiến một số binh sĩ rơi xuống dòng sông Galwan chảy xiết trong cái lạnh âm độ.
Theo Bảo Hạnh (NLĐO, Hindustan Times, BBC)