|
Dấu tích Hải Vân Quan còn lại ngày nay. Ảnh: H.V.M |
Tôi vẫn thích cách gọi trong thư tịch cũ về đèo Hải Vân là đèo Mây hay Ải Vân hơn, bởi trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải gợi nhớ về một miền hoang vu hiện vẫn còn dấu tích và một đỉnh đèo quanh năm mây phủ, có khi chẳng nhìn thấy mặt người.
Nó gần hơn với “thú đau thương” của những người thích xê dịch, kiểu hứng lên thì phóng xe vượt mấy chục cây số lên đỉnh đèo đôi khi chỉ ngắm người ngắm núi ngắm mây và làm ly cà phê đen nóng cho đỡ lạnh.
Hoa ngãi nở trôi ra biển...
Cuối thế kỷ XVII, hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) người Trung Quốc, đã đi qua đây (1694 – 1695) và không hiểu sao lại gọi Hải Vân là Ngãi Lãnh. Ông miêu tả trong “Hải ngoại kỷ sự” rằng: “Từ Thuận Hóa vào Hội An, đường bộ tất do Ngãi Lãnh (đèo Hải Vân). Sách Dư ký bảo rằng: khoảng tháng 2 tháng 3, hoa ngãi nở, trôi ra biển, cá ăn hoa ấy hóa rồng, tức hoa ngãi ở núi này vậy. Núi cao nắng gắt, trèo qua rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn”. Mỗi lần qua đây, tôi luôn nghe mình nôn nao với những câu hỏi hoa ngãi là hoa gì, hương vị màu sắc ra sao trong số hàng trăm loài hoa luôn nở trên tầng mây Hải Vân mỗi khi xuân về? Cá ăn hoa rồi hóa rồng là cá gì? Tuyệt không có một tài liệu nào khác ghi chú về điều này ngoài sách của Thích Đại Sán. Hình như thời gian và những ngọn núi này đang che giấu chúng ta những bí mật gì đó rất kỳ thú.
Như hôm rồi ở lưng chừng đèo một ngày mưa phùn, bất ngờ khi hầu hết những điểm ngắm cảnh lý tưởng, người dân địa phương đều dựng chòi làm quán để du khách dừng chân. Và trên đỉnh đèo, bây giờ quán xá lại khang trang mua bán tấp nập, kẻ đến người đi đông vui như hội dù lâu lắm rồi, Hải Vân không còn là một phần của đường cái quan kể từ khi thông hầm đường bộ.
“Khách du lịch lên đây tham quan, ngắm cảnh tăng đột biến trong khoảng 3 năm trở lại đây nên buôn bán cũng được lắm chú” – chị Vân, một chủ quán “bách hóa tổng hợp” trên đỉnh Hải Vân nói. Chợt nhớ rồi băn khoăn, nơi tôi đang ngồi với ly cà phê nóng, phải chăng chính là ngôi làng trên đèo “có các quán xá bán các loại chè, gạo và các món khác bày ra cho khách” theo như mô tả của John Crawfurd - đại diện sứ bộ Anh khi qua đây vào năm 1882?
Hay “một thôn với sáu chục mái nhà tranh hai bên đường... Từng tốp bé con vừa chạy vừa báo chúng tôi đến và vẩy bụi mù trước mặt. Đám thiếu nữ buông chày trong cối, ngưng hò hát, chạy núp ra sau bình phong dòm ngó chúng tôi”, theo như ghi chép của nhà địa lý học Jules-Léon Dutreuil de Rhins người Pháp khi đi đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế năm 1876?
Những ghi chép của John Crawfurd và Jules-Léon Dutreuil de Rhins là có cơ sở bởi theo “Đại Nam thực lục tiền biên” và cả “chính biên”, các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến việc chiêu tập dân cư đến sinh sống ở vùng núi Hải Vân nhằm đáp ứng yêu cầu giao thông và quân sự.
Ngược lại những người dân này đã hưởng được nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước. Trong những năm trị vì, vua Minh Mạng có hai lần đi qua núi Hải Vân và lần nào cũng “thưởng cho dân trên núi mỗi nhà một lạng bạc... dân ở trên đèo Hải Vân và dọc đường đều được ân thưởng”.
Đặc biệt năm 1837, vua Minh Mạng “dụ cho quan huyện ở kinh và quan tỉnh Quảng Nam thông sức cho dân thuộc hạt có người nào muốn làm nhà để ở hai bên đường núi thì thuế thân và đi lính đi phu đều được miễn cho, khai khẩn vườn ruộng, cây trồng thóc lúa hoa lợi chuẩn cho miễn nộp thuế, người không đủ sức dời đến làm nhà thì quan cấp vốn cho, cốt cho từ đỉnh núi đến chân núi, đoạn nào cũng có nhà ở liền nhau cho người đi đường có nơi dừng chân tạm trú, đói có chỗ ăn, khát có chỗ uống.
Còn số người dân ngoại tịch ở Quảng Nam xin làm ở đường núi vua chuẩn cấp cho mỗi người 10 quan tiền”. Chính các dân cư ở đây đã được huy động làm phu để san núi, sửa đường sá, sửa đắp các cửa quan, đồn lũy, góp phần củng cố trị an cho việc đi lại và canh phòng của nhà nước.
Ly đen nóng trên đỉnh đèo hôm ấy hình như có vị đắng hơn mọi hôm. Là khi tôi đang lãng đãng với chuyện xưa thì chị Vân chủ quan cắt ngang bằng một lời than: “Cũng là người Đà Nẵng buôn bán trên đỉnh đèo nhưng chính sách mỗi nơi mỗi khác. Những ai buôn bán trên phần đất của thành phố Đà Nẵng thì mỗi năm chỉ đóng 3 triệu thuế môn bài và không phải trả tiền thuê mặt bằng. Còn những người như tui, làm quán trên phần đất thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế thì không phải đóng thuế môn bài nhưng phải trả tiền thuê mặt bằng mỗi năm mấy chục triệu...”.
Cái bắt tay lịch sử
Đèo Hải Vân là nơi xung yếu, có vị trí rất quan trọng về mặt quân sự. Chính chúa Tiên Nguyễn Hoàng ngay trong lần đầu qua đây đã nhận ra “chỗ này là yết hầu của miền Thuận Quảng”. Để rồi sau đó chúa Tiên vượt núi, xem xét tình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay) và xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ, mở đầu cho công cuộc Nam tiến lẫy lừng đến tận mũi Cà Mau sau này.
Đầu thế kỷ XIX, Phú Xuân – Huế trở thành thủ đô của cả nước, vị trí ấy càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự. Vì thế, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân, trên cơ sở một cửa ải đã được xây dựng trước đó từ đời Trần.
|
Cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng trên đỉnh Hải Vân. Ảnh: HVM |
Cửa quan, như còn lại khá nguyên vẹn ngày nay, cửa trông về phía Thừa Thiên – Huế đề "Hải Vân Quan" bằng chữ Hán, cửa trông xuống Đà Nẵng đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7. Thiên hạ đệ nhất hùng quan - danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn, 1470 trong một lần vào Nam “phạt Chiêm”.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, hai bên phải trái cửa ải là những bức tường bằng đá trước sau tiếp nhau, được canh giữ bằng 4 đội biền binh cùng súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng...
Và theo như ghi nhận của nhà địa lý học Jules-Léon Dutreuil de Rhins vào năm 1876, trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ ở Việt Nam thì cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885 sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884) thì số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20, khi Henri Coserat của Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué) lên đèo quan sát thì cửa ải đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác.
Để rồi sau đó, Hải Vân Quan chìm trong những năm tháng hoang phế dài đằng đẵng. Hải Vân Quan không những hư hại đến 70% mà còn bị chen lấn bởi mồ mả, công trình xây dựng, hàng quán chen chúc không theo quy hoạch nào, dù trung bình mỗi năm, con đèo này đón từ 20 - 30 vạn du khách tham quan, trong đó hơn 1/3 du khách nước ngoài.
Và trong muôn vàn những tiếng kêu cứu thảm thiết về việc hãy cứu lấy một Hải Vân Quan đang hư hại và xuống cấp nghiêm trọng, tôi ấn tượng nhất bởi ý kiến của một du khách Pháp được dẫn lại trên một tạp chí du lịch rằng: “Từng ngày, từng giờ, thời gian đang hoàn tất công việc phá hoại của nó. Kỷ niệm đang phai mờ dần trong tâm tư những thế hệ tiếp nối, để rồi đây không còn lại gì nữa, nếu chúng ta không lưu tâm đến việc giữ gìn dấu vết cửa ải đó...”.
Lý do? Đơn giản nhưng rối rắm đến mức khó tin, chỉ vì Hải Vân Quan thuộc địa phận hành chính có sự tranh chấp rất quyết liệt của hai địa phương Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng từ những ngày sau khi đất nước thống nhất dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”!
Ông Phan Tiến Dũng, bây giờ là Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết từ hơn 20 năm trước, khi còn ở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, ông đã làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho Hải Vân Quan. Tuy nhiên, đại diện 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế không thống nhất được với nhau nhiều điểm, dẫn đến thời gian dài Hải Vân Quan bị "bỏ rơi".
Rồi gần chục năm trước, khoảng năm 2011, thành phố Đà Nẵng từng lập quy hoạch kiến trúc trên đỉnh Hải Vân với diện tích 6.000m2 thuộc địa phận của mình gồm các ki ốt bán hàng lưu niệm, giải khát, những khu vực vọng cảnh rộng hơn 1.700m2 bằng gỗ nhiều tầng, vườn hoa, bãi đổ xe... để đưa vào khai thác du lịch. Thậm chí lãnh đạo địa phương này còn nghĩ xa hơn về một “thị trấn” trên đỉnh đèo Hải Vân. Nhưng rồi mọi thứ lại bị xếp xó vì lý do tranh chấp và “cha chung” như đã nói.
Mãi đến ngày 14.4. 2017, Hải Vân Quan mới được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích cấp quốc gia với bộ hồ sơ có đến... 20 con dấu của chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng. Một kỷ lục bởi lâu nay, một bộ hồ sơ bình thường nhiều nhất cũng chỉ 9 con dấu.
10 ngày sau, là một cái bắt tay lịch sử của ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên – Huế và ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL thành phố Đà Nẵng. Cùng đó là cuộc làm việc chính thức của hai sở, đại diện cho hai địa phương để tìm cách cứu di tích Hải Vân Quan.
Mới đây thì Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan ở độ cao 500m trên diện tích 600m2 nhằm phát lộ các dấu vết của tường thành, đồn phòng thủ của di tích, phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án trùng tu.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì đây là bước thứ 2 sau việc hai địa phương thống nhất chọn đơn vị tư vấn là Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) lên phương án tổng thể để quy hoạch, bảo tồn di tích, cảnh quan thiên nhiên cũng như khai thác sao cho phù hợp, có hiệu quả.
“Chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng, với Hải Vân Quan, cần phải tiến hành các bước thận trọng, bài bản vì đây là một di tích có lịch sử lâu đời, chịu nhiều tác động của thời gian nên có nhiều thay đổi cũng như hiện trạng chắp vá và xuống cấp rất nghiêm trọng...”, ông Hải nói.
Một ngày đông của gần 20 năm trước, lần đầu tiên tôi dừng chân ở chốn này trong hành trình Huế - Đà Nẵng bằng xe máy. Tôi đã không tin vào mắt mình khi bên kia sườn Huế là mưa, là mây phủ không thấy mắt người đối diện, nhưng bên kia Đà Nẵng là cả một khung trời vàng ươm nắng trưa. Giây phút ấy đúng là “lòng như nắng qua đèo” – cảm giác của một người vừa được thoát ra khỏi những ngày tháng mưa dầm xứ Huế để ùa chạy đến với nắng ấm phương Nam - như trong một câu hát của Trịnh.
Nhưng lạ là sau này qua lại đường đèo nhiều không nhớ hết, nhưng tôi không còn được may mắn thấy “nắng qua đèo” thêm lần nào nữa. Hình như sự biến đổi của thiên nhiên đã khiến Nam Bắc đèo Hải Vân không còn là hai tiểu vùng khí hậu riêng biệt. Ải Vân, giờ khí hậu cũng "toàn cầu hóa" và lòng người cũng bắt đầu là "thế giới phẳng" từ cái bắt tay lịch sử. Và “nắng qua đèo”, có lẽ đến lúc nào đó cũng là bí mật lẩn khuất đâu đó như hoa ngãi trong chuyện kể của hòa thượng Thích Đại Sán...
Hoàng Văn Minh (LĐO)