Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã từng một lần đứng trước Quốc hội ngân nga rằng: “Ví dầu cao tốc miền Tây/ Xây đi xây lại xây hoài không xong”. Hy vọng điều này không còn xảy ra.
Buổi sáng, anh bạn là một kỹ sư cầu đường từng xây dựng những công trình lớn, khuấy ly cà phê, nhấm nháy: "Cá độ chầu cà phê nhé: cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có hoàn thành đúng tiến độ không?". Cả bàn trợn tròn: Chính phủ đã quyết tâm là sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020, khai thác từ giữa 2021, còn cá độ gì nữa? Anh bạn cười cười: bởi vậy mới cá! Cả đám ngó nhau chẳng biết tay này nói thiệt hay chơi…
Mà ngẫm lại, cái dự án cao tốc truân chuyên này đã ì ạch 10 năm, đến nay tuy có hô hào quyết liệt từ phía Chính phủ, từ phía nhà đầu tư và nhất là đòi hỏi từ người dân, nhưng những gì đang diễn ra đúng là không có gì để bảo đảm nó hoàn thành đúng như mong muốn.
Cho đến bây giờ, sau 4 tháng khởi động lại (lần thứ 4), con đường đã có chút hình hài so với bụi bờ hoang dại da beo suốt 51,1km trước đó. Tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực giải phóng mặt bằng 99%, người dân cũng đồng thuận rời bỏ nhà cửa vườn tược để nhường đất cho dự án. Nhà đầu tư cũng vào cuộc quyết liệt, đã bỏ phần vốn chủ sở hữu ra 2.500 tỉ đồng, thực hiện được 25% khối lượng công việc. Tuy nhiên, phần quyết định là vốn BOT (gồm vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước 2.186 tỉ đồng và trên 7.200 tỉ đồng vốn vay ngân hàng) vẫn chưa thống nhất được. Mà không có tiền thì không việc gì chạy được, dù có quyết tâm đến đâu.
Trên thực tế, phần vốn ngân sách hỗ trợ đã được Chính phủ thông qua, đã trình Quốc hội nhưng hiện chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà nay tới cuối 2020 chỉ còn 16 tháng. 16 tháng để hoàn thành con đường cao tốc 12.668 tỉ không phải là điều đơn giản.
Vốn vay ngân hàng cũng là món khắc nghiệt. Trong cuộc làm việc mới đây với các ngân hàng tài trợ, thì Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã xin rút. Như vậy, chỉ còn 3 ngân hàng cam kết tài trợ 5.800 tỉ đồng, hụt 1.300 tỉ đồng (do VPBank rút) chưa biết tìm ở đâu…
Nhà đầu tư đã chi tiền ra để làm được 25% khối lượng. Tỉnh Tiền Giang – thay mặt nhà nước, cũng đã chi tiền ra để giải phóng 99% mặt bằng. Người dân - đồng lòng với dự án, đã chấp nhận bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả ông bà cha mẹ để nhường đất cho dự án. Doanh nghiệp dự án và cơ quan quản lý nhà nước cùng Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Bộ GTVT và cả ngân hàng… đã lập và duyệt phương án tài chính kỹ càng, khả thi. Tất cả đang trông ngóng động thái chấp thuận của Quốc hội và các ngân hàng tài trợ.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận một lần nữa đã gỡ gần như được toàn bộ các nút thắt quan trọng để tiến về đích, từ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, điều chỉnh phương án tài chính và tổng mức đầu tư. Nhưng nút thắt quyết định vẫn còn nguyên ở đó. Có gỡ được nút thắt quyết định về nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và tín dụng ngân hàng thì mới nói chuyện con đường về miền Tây thông suốt hay không. Còn cứ ngắc ngứ lửng lơ như thế này thì con đường truân chuyên này vẫn dở dang với số phận truân chuyên.
Đừng để Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu một lần nữa phải đứng trước Quốc hội ngân nga (hôm 15-8): "Ví dầu cao tốc miền Tây/ Xây đi xây lại xây hoài không xong".
Ai nghe cũng mắc cười. Cười nhưng mà thắt ruột.
ĐẶNG PHƯƠNG (NLĐO)