250 ngày trên biển mỗi năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là thời gian những người đàn ông tại xóm Mỹ An (Quảng Ngãi) không được ở bên gia đình. Họ lênh đênh trên những con tàu đánh cá, vừa mưu sinh vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Xóm Mỹ An thuộc xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), còn gọi là xóm Cù Lao, là một xóm nhỏ nằm ở vùng hạ lưu sông Trà Bồng. Đây là một trong số ít xóm chài còn giữ nghề truyền thống câu mực xà. Mỗi năm họ ở trên biển khoảng 250 ngày để hành nghề. Chính vì vậy, xóm chài này cũng được rất nhiều người biết đến.

Sự ra đời của làng câu mực xà

Hơn 100 năm trước, xóm Cù Lao chỉ là một vùng ngập mặn, nằm cạnh bờ sông Trà Bồng. Lâu dần, bồi lấp của tự nhiên, vùng ngập mặn có nhiều mô đất nổi lên, người dân đến ở.

Số lượng dân cư khi ấy còn thưa thớt, hằng đêm ánh đèn dầu phát sáng từ những ngôi nhà dựng trên mô đất nằm giữa vùng ngập mặn, trông giống như những hòn cù lao, nên cái tên xóm Cù Lao cũng được ra đời từ đó.

Xóm Cù Lao bên dòng sông Trà Bồng. Ảnh: THANH QUÂN

Xóm Cù Lao bên dòng sông Trà Bồng. Ảnh: THANH QUÂN

Về sau, những người đến ở, sinh con, cùng nhiều người từ các vùng lân cận đến lập nghiệp, xóm Cù Lao trở nên sầm uất hơn. Nhưng khi đó, nghề câu mực xa bờ vẫn chưa có, hầu hết người dân chỉ đi đánh cá ven biển. Cứ tối đi, sáng lại về.

Phải đến năm 1990, nghề câu mực xà mới xuất hiện ở xứ này. "Ban đầu, chỉ có một vài hộ đi. Giá mực hồi đó cao lắm, cứ 10 kg mực là đổi được 1 chỉ vàng, nhưng thuyền nhỏ nên hầu hết mọi người chỉ đi ngắn ngày, khoảng 1 tháng là về. Đi ngắn ngày vậy nên 1 năm phải đi 6 - 7 chuyến, mỗi chuyến đi mỗi người chỉ được 30 kg mực là hết mức", anh Huỳnh Việt Khoa (39 tuổi, ngư dân ở Cù Lao), chia sẻ.

Những chiếc tàu gỗ của người dân Cù Lao hành nghề câu mực xà. Ảnh: THANH QUÂN

Những chiếc tàu gỗ của người dân Cù Lao hành nghề câu mực xà. Ảnh: THANH QUÂN

Theo anh Khoa, đến năm 1997, phần lớn các hộ dân xóm Cù Lao bỏ nghề cá để chuyển sang câu mực xà. Tuy nhiên, khi ấy tàu nhỏ nên chỉ đi ngắn ngày và ít người, nên nhiều ngư dân cùng ngồi lại với nhau để quyết định "chơi" lớn.

Để dễ hình dung hơn về việc "chơi" lớn của người dân Cù Lao, anh Khoa chỉ tay về chiếc tàu gỗ vừa cập bến được ít hôm đang neo ở gần cửa biển: "Con tàu đó mới có thể đủ chở được hơn 30 người và ra khơi gần 3 tháng mới trở về lại, đi như vậy thì mỗi năm 3 lần, tức khoảng 250 ngày mỗi năm chúng tôi ở trên biển. Nhưng để đóng được con tàu đó, những năm 1997 phải ít nhất 5 hộ dân góp vốn với nhau, nên thời điểm đó rất ít chiếc tàu lớn".

Thấy được sự hiệu quả do chiếc tàu lớn mang lại, từ năm 2000 đến năm 2005, những chiếc tàu lớn liên tục ra đời tại xóm Cù Lao. Kể từ đó, thu nhập của người dân cũng được tăng cao, những ngày đói khổ của người dân cũng dần chấm dứt.

Những chuyến đi dài

Nghề câu mực xà phải lênh đênh trên biển suốt gần 3 tháng mỗi chuyến, chỉ khi nào tàu ghé vào một đảo nào đó để trú bão hoặc lấy thêm nhiên liệu, lương thực mới có thể gọi điện về nhà. Vì vậy, khó khăn là nhiều vô kể.

Những ngày trời nắng thì còn đỡ, ngày mưa thì 30 - 40 con người cùng quây quần sinh hoạt trên con tàu, nước mưa hòa cùng nước mực đen ngòm chảy nhoe nhoét khắp tay chân, như một thứ a xít khiến da của ngư dân bị bong tróc ra từng mảng.

Sau chuyến biển dài ngày, những người đàn ông xóm Cù Lao lại sửa chữa các dụng cụ hành nghề. Ảnh: THANH QUÂN

Sau chuyến biển dài ngày, những người đàn ông xóm Cù Lao lại sửa chữa các dụng cụ hành nghề. Ảnh: THANH QUÂN

Hễ nhắc đến trải nghiệm đáng nhớ về nghề biển là anh Huỳnh Duy Khánh (37 tuổi) lại rùng mình. Ngửa tay ra để mọi người thấy rõ vết sẹo kéo dài từ lòng bàn tay đến cổ tay, anh Khánh nói: "Đây là lần tôi gặp tai nạn trên biển, lúc đầu tưởng nhẹ nhưng sau đó lại suýt mất mạng vì chủ quan".

Câu chuyện xảy ra vào buổi sáng cuối tháng 4.2015 giữa ngư trường Trường Sa. Khi đó, anh Khánh dậy sớm để phơi mực, bất ngờ sóng giật khiến con tàu chao đảo, hất anh ngã ngửa. Vừa kịp hoàn hồn, anh Khánh thấy buốt nhói ở bàn tay trái vì vô tình chống tay trúng chiếc đinh của giàn phơi mực.

Ngư dân câu mực trên biển vào chiều tối. Ảnh: NVCC

Ngư dân câu mực trên biển vào chiều tối. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, thấy vết thương nhỏ, anh chỉ sơ cứu vội rồi tiếp tục công việc của mình. Được vài hôm vì vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng, nhưng vì nghĩ đến cơm áo gạo tiền nên anh nén đau, tiếp tục ở lại tàu để câu mực cùng mọi người.

Gồng được thêm ít hôm thì tay bị nhiễm trùng nghiêm trọng, anh Khánh sốt nằm li bì, tàu buộc phải ghé vào Trường Sa để cứu chữa cho anh Khánh. "Thời điểm anh em trên tàu đưa tôi vào viện, tôi bị nhiễm trùng nặng đến mức tay sưng to như cổ chân, người sốt mê man. Tôi cứ nghĩ chắc mình không thể qua khỏi. Ấy vậy mà sau gần một tháng được các bác sĩ cứu chữa, tôi gần như đã bình phục hoàn toàn".

Anh Phạm Quốc Trường (25 tuổi), kể thêm: "Tai nạn tinh thần mỗi đêm thì nhiều lắm".

Chuyện là, mỗi đêm ở giữa muôn trùng biển khơi, một ngư dân chỉ ngồi trên một cái thúng chai bé tí để câu mực, khoảng cách giữa các thúng không dưới 5 km. Xung quanh biển cả, trên thúng thì chong cái bóng đèn bé tí nên gần như không nhìn thấy được những thứ ở xa. Vậy nên, hễ nghe tiếng con gì đập vào nước đùng đùng là tim của anh Trường lại "nhảy ra ngoài".

Như sợ người khác không hình dung ra được cảnh một mình một thúng giữa đại dương bao la, anh Trường còn mở tấm ảnh lưu lại trong điện thoại ra, vừa kể vừa phụ họa.

Những đổi thay ở làng chài

Dẫu nhiều khó khăn là vậy, nhưng mỗi chuyến biển dài ngày nếu ổn thì mỗi ngư dân sẽ thu được lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng tiền bán mực. Có những chuyến biển thua lỗ, nhưng cũng có những chuyến trúng đậm. Vì vậy, ở cái xóm bé tí mà đã có khoảng 50 tàu câu mực xà với hơn 1.300 người đi câu.

Từ những năm 2000 trở về trước, xóm Cù Lao rất nghèo, nhiều gia đình bữa đói bữa no nên phải chấp nhận cho con nghỉ sớm để đi làm. Thuở ấy, đường ở Cù Lao rất khó đi, vừa quanh co ngoằn ngoèo, vừa bụi cát vào mùa nắng, nước ngập liên tục vào mùa mưa.

Những năm gần đây kinh tế dần khá lên, cả xóm này đã làm đường bê tông và chong điện đường gần 100%. Cùng với những căn nhà 2 - 3 tầng nằm cạnh nhau, ít ai dám tin đây là một làng chài nằm xa trung tâm TP.Quảng Ngãi cả 40 km.

Với những người đàn ông xóm Cù Lao, gia đình ấm no, quê hương giàu đẹp thì mỗi năm họ xa nhà 250 ngày, nỗi cô đơn giữa biển cũng không đáng là bao. Nghề câu mực xà đã cho họ rất nhiều, vì vậy họ luôn trân quý về công việc của mình.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.