25 năm đạp xe dạy học và chuyện tình đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sinh ra đã khuyết đôi bàn chân và một phần tay trái nhưng thầy giáo Đào Thanh Hương vẫn 25 năm đạp xe tới trường truyền kiến thức cho bao thế hệ học trò làng biển

Với người dân vùng biển Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), hình ảnh thầy giáo Đào Thanh Hương, giáo viên Trường THCS Đa Lộc, ngày ngày tới trường trên chiếc xe đạp suốt 25 năm qua, là tấm gương sáng, là người truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò nơi đây.

Thầy Hương trong giờ lên lớp.

Thầy Hương trong giờ lên lớp.

Được học nhờ "Quyết tâm thư"

Do bị di chứng của chất độc da cam từ người bố từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, nên ngay khi chào đời, cậu bé Đào Thanh Hương đã không có hai chân và một phần cánh tay trái.

Với thân hình khiếm khuyết đó nên mãi tới năm lên 3, Hương mới được mẹ tập cho đi, đứng. Để có thể đứng vững, bước đi như những người bình thường, cậu bé đã ngã không biết bao lần, đôi chân không có bàn đã nhiều lần bật máu, sưng tấy… cho tới khi vùng da tiếp xúc với đất chai sạn, anh mới biết đi.

Đến tuổi đi học, Hương cũng tới trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, rắc rối, khó khăn đã thực sự đến khi thân hình khiếm khuyết đó hay bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Được sự động viên của gia đình, thầy cô, cùng với quyết tâm của bản thân, Hương đã từng bước vượt qua nghịch cảnh, luôn là học sinh giỏi của trường, từ tiểu học tới THCS.

Bước vào cấp THPT, trở ngại lại nghiệt ngã hơn khi đường từ nhà tới trường huyện xa hơn chục cây số. Nếu muốn tiếp tục đi học, cậu phải biết đi xe đạp.

Vợ chồng thầy Hương trò chuyện dưới sân trường trong giờ giải lao.

Vợ chồng thầy Hương trò chuyện dưới sân trường trong giờ giải lao.

"Đây có lẽ là khó khăn, trở ngại lớn nhất mà tôi gặp phải trong những năm tháng tuổi thơ. Bố vắng nhà, mẹ bận dạy học và chăm em nhỏ, nên tôi phải tập xe một mình. Không biết bao lần tôi ngã tóe máu, đôi bàn chân sưng tấy. Có lúc tôi nản chí, muốn bỏ cuộc nhưng sau đó được bố về phép hỗ trợ, động viên, cuối cùng tôi đã tập được và tự mình đạp xe đi học" - thầy Hương nhớ lại.

Ngày đầu tiên đạp xe từ nhà tới trường, Hương dậy từ 4 giờ sáng. Quãng đường tới trường xa nên anh đã ngã rất nhiều lần. Khi tới được trường, anh gục xuống ngay cửa lớp vì quá mệt. Theo anh Hương, 3 năm học THPT, anh đã khóc không biết bao nhiêu lần vì ngã xe, có khi khóc vì bị bạn bè trêu chọc. Bù lại, anh đã nỗ lực vươn lên trong học tập, nhiều lần đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi môn văn các cấp. Đặc biệt, năm lớp 12 anh đoạt giải C toàn quốc "Cuộc thi thơ văn tuổi học trò".

"Mình sinh ra trong gia đình nghèo. Bố mẹ lại đông anh em. Đa Lộc quê mình là xã vùng biển, thời đó còn nghèo lắm. Nhiều gia đình chưa chú trọng cho con em đến trường. Mình mong muốn con em quê nhà được học hành, vươn lên thoát nghèo, tìm được công việc ổn định. Xuất phát từ tâm niệm đó, mình ước mơ sau này sẽ trở thành giáo viên" - thầy Hương kể.

Từ ước mơ đó, Đào Thanh Hương quyết định thi sư phạm văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (bây giờ là Trường ĐH Hồng Đức). Đậu với số điểm rất cao nhưng anh bị nhà trường từ chối, do quy chế của trường không tuyển sinh viên khuyết tật. Nhưng với khao khát trở thành thầy giáo, anh đã viết bức "Quyết tâm thư" gửi đến ban giám hiệu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, trình bày mong muốn được đi học và cam kết chỉ học 2 năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ tự sắp xếp việc học của mình.

Có lẽ vì sự nỗ lực của bản thân và từng có thành tích học tập tốt, anh đã được nhà trường đồng ý cho theo học. Sau 2 năm học tập, Hương đạt kết quả cao nên được nhà trường tiếp tục cho học tiếp.

Nhận được sự yêu mến

Tháng 9-1998, Đào Thanh Hương ra trường với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc. Anh được phân công về dạy học tại Trường THCS Đa Lộc - nơi gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ. Tính đến nay, anh đã gắn bó với ngôi trường này gần 25 năm. Là người có tâm huyết với nghề, chuyên môn giỏi, hòa đồng nên thầy Hương nhận được sự yêu mến của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp.

Thầy giáo Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc, cho biết thầy Đào Thanh Hương là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ học sinh. Thầy cũng chính là câu chuyện truyền cảm hứng cho học sinh trong trường vươn lên học tập.

Với 25 năm công tác, tận tụy với nghề, thầy giáo Đào Thanh Hương đã truyền lửa, giúp nhiều thế hệ học sinh trong trường đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Thầy cũng vinh dự nhận được nhiều thành tích như: Một trong 21 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa; năm 2007, anh được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa lựa chọn là một trong 16 gương mặt "Đoàn viên ưu tú học tập và làm theo lời Bác"; được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Vợ chồng thầy Hương tới trường trên chiếc xe đạp.

Vợ chồng thầy Hương tới trường trên chiếc xe đạp.

Gia đình hạnh phúc

Không chỉ nỗ lực vượt lên số phận, đạt được ước mơ trở thành người dạy học, câu chuyện tình yêu của thầy giáo khuyết tật cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Trong một lần đi dạy học về, do tránh xe ngược chiều, thầy bị ngã vào vũng nước. Lúc này, có một cô gái trẻ tới giúp dựng xe, đỡ thầy dậy. Chưa kịp cảm ơn thì cô ấy đã đi luôn, thầy Hương cũng chỉ kịp nhìn thoáng qua.

Tới năm 2004, Trường THCS Đa Lộc tiếp nhận nữ giáo viên Trần Thị Hương (quê xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc) về dạy môn địa lý. Thầy Hương đã nhận ra người giúp mình năm đó chính là cô giáo Hương.

Do làm cùng trường lại cùng tổ chuyên môn, nên trong dạy học, lao động và làm công tác giáo dục khác, 2 người đã nảy sinh tình cảm. Thời điểm này, cô Hương cũng có rất nhiều người theo đuổi. Thế nhưng, cảm phục trước nghị lực của thầy Hương, thấy được ở thầy sự ấm áp, chân tình nên cô Hương đã từ chối tất cả để tiến tới hôn nhân với anh.

Khi đôi bạn trẻ về xin phép hai bên gia đình thì bố mẹ cô Hương nhất quyết phản đối. Dù vậy, cô Hương vẫn quyết tâm và kiên định với sự lựa chọn của mình.

"Lúc đó, mình nghĩ người làm cha, làm mẹ ai chẳng muốn con cái mình có một cuộc sống tốt đẹp, nên việc bố mẹ cô ấy phản đối cũng rất bình thường. Sau khi kết hôn, bọn mình đã cùng nhau nỗ lực. Tôi cố gắng để có thể lo cho vợ có được một cuộc sống hạnh phúc. Từ đó, chúng tôi đã thuyết phục được bố mẹ" - thầy Hương kể.

Năm 2005, được sự hỗ trợ của nhà trường, đám cưới của cặp vợ chồng song Hương diễn ra ngay tại ngôi trường 2 người đang công tác.

Cuối năm đó, cặp vợ chồng trẻ chào đón bé trai đầu lòng. Mấy năm sau, họ tiếp tục đón thêm thành viên mới. Hiện con trai lớn đã vào đại học, con thứ hai học lớp 6. Các cháu đều khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi.

Nói về người chồng, cô giáo Trần Thị Hương cho biết đã đúng khi chọn anh, vì ở bên anh, chị thấy hạnh phúc, an yên. Để bù đắp cho những khiếm khuyết của chồng, cô Hương luôn ân cần, chăm sóc, hỗ trợ, giúp sức để chồng tự tin ở những nơi đông người, cùng nhau chăm lo cho các con và hướng tới những mục tiêu mà vợ chồng đã đặt ra.

Lập quỹ khuyến học

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng với tình yêu nghề, mong muốn những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận đầy đủ thiết bị học tập, động viên, khích lệ các em vươn lên trong học tập, vợ chồng thầy Đào Thanh Hương đã trích một phần tiền lương để lập quỹ khuyến học Song Hương.

Thầy Đào Thanh Hương trao thưởng từ quỹ khuyến học của hai vợ chồng cho học sinh nghèo vượt khó.

Thầy Đào Thanh Hương trao thưởng từ quỹ khuyến học của hai vợ chồng cho học sinh nghèo vượt khó.

"Đến nay, quỹ do vợ chồng tôi lập ra đã 18 năm. Chúng tôi sẽ dùng số tiền ấy tặng quà, trao thưởng cho các em học sinh, hỗ trợ cho vay mua thiết bị phục vụ học tập. Số tiền tuy không lớn nhưng chúng tôi mong muốn nó giúp ích cho những học sinh thật sự khó khăn, từ đó lan tỏa, giúp các em nỗ lực vượt khó, trở thành người có ích cho xã hội" - thầy Hương bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.