12 giờ chiến đấu với bão dữ: Muốn sống phải nổ máy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sáng 31-10, khi tàu kiểm ngư KN 467 kéo chiếc tàu cá BĐ 98658 TS về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), được cấp trên đồng ý, chiến sĩ Hồ Văn Thi - đang công tác tại Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân - đã lao nhanh xuống chiếc tàu cá.
 

Ba cha con ông Hồ Lồng, Hồ Minh Thường và Hồ Văn Thi trùng phùng trên bến cảng
Ba cha con ông Hồ Lồng, Hồ Minh Thường và Hồ Văn Thi trùng phùng trên bến cảng


Cha và anh trai của Thi đang ở trên đó, nguyên vẹn trở về sau khi tưởng đã nằm lại ngoài biển cả mênh mông...

12 giờ liền mưa tối mặt mũi, tầm nhìn mờ đặc. Gió xoáy nổi lên tứ bề. Những con sóng dữ cao 6-7m như muốn nuốt chửng con tàu. Đó thực sự là cõi chết. Cha và anh trai của Thi cùng 12 ngư dân khác đã nỗ lực gấp năm, gấp bảy sức mình để giữ sự sống cho con tàu, cũng chính là sự sống của họ.

Trùng phùng trong nước mắt

Thi kể khi hay tin chiếc tàu BĐ 98658 TS của ông Lê Thanh Toàn ở quê nhà là thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) gặp nạn, mất liên lạc khi cố gắng tìm cứu tàu bạn mất tích (tàu BĐ 96388 TS của thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh), anh lo lắng suốt mấy ngày liền.

"Khi hay tin tàu kiểm ngư liên lạc được với tàu của cha, rồi thông tin là cả 14 người trên tàu đều ổn khỏe, tôi mới tin là có phép mầu. Tôi đã thức suốt đêm để mong trời sáng, sớm được gặp cha và anh" - Thi vừa nói vừa run người.

Giây phút trùng phùng của Thi cùng người cha là ông Hồ Lồng, anh là Hồ Minh Thường làm những người chứng kiến xúc động. Thi nói cha trông già hẳn đi, gầy rộc, mặt đen sạm. Ông Lồng liên tục đưa tay quệt nước mắt khi gặp lại cậu con út, nói đứt quãng: "Cha và anh tưởng đâu không về được nữa Thi ơi...".

60 tuổi, khổ nghèo, ông Lồng có 28 năm đi bạn cho các tàu đánh cá. "Nối khổ" với ông, người con trai lớn 29 tuổi là anh Thường cũng đi bạn với cha.

"Mấy chục năm đi biển, tôi cũng gặp nhiều cơn bão, nhưng chưa bao giờ thấy cơn bão mạnh, kéo dài, lâm vô thế sinh tử thế này. Giữa cơn bão dữ, khi chiếc tàu bị quăng quật, quay cuồng, tôi đã nghĩ đến cảnh hai cha con không còn cơ hội để trở về" - ông Lồng lại quệt nước mắt, nghẹn ngào.

Không chỉ cha con ông Lồng, những người còn lại đều nghĩ họ sống sót để trở về sau 12 giờ chống chọi với cuồng phong như là một phép mầu như được trở về từ cõi chết.
 

Tàu chúng tôi may mắn được sống, nhưng những anh em khác trên 2 chiếc tàu còn lại ở cùng quê thì...

Thuyền trưởng Toàn ngậm ngùi hướng về 26 bạn thuyền còn trên biển.



90% nghĩ là chết

Thuyền trưởng Lê Thanh Toàn, 27 tuổi, chưa lập gia đình, vẻ mặt còn chưa hết thảng thốt khi được hỏi về cuộc chống chọi với cuồng phong Molave, tức bão số 9. Toàn kể tàu anh rời cảng cá Tam Quan (Bình Định) hôm 19-10, ra khơi đánh bắt vài ngày thì "dính" bão số 8 phải chạy tránh.

"Nghe báo bão số 9 rất mạnh, tàu tôi và tàu anh Minh cùng chạy tránh về phía tây nam để về bờ, không ngờ rằng cơn bão này quá mạnh, quá nhanh, quá khủng khiếp như vậy" - Toàn nhớ lại.

Khoảng 13h ngày 27-10, Toàn nhận điện đàm từ thuyền trưởng Minh: "Tàu phá nước sắp chìm rồi, chạy nhanh tới cứu tụi anh!". 12 anh em đồng hương, đồng nghiệp trên con tàu sắp chìm khiến Toàn siết thêm ga con tàu mình để nhanh đến tọa độ ông Minh vừa báo. 40 phút sau, tàu Toàn đến nhưng chỉ thấy mênh mông biển cả, sóng gió bắt đầu dữ dội. Con tàu mấy trăm mã lực mà Toàn cầm lái không vượt qua được những con sóng lớn, nghiêng ngả.

Dù vậy, anh vẫn lèo lái, cố gắng nương theo sóng chạy vòng quanh vị trí tàu ông Minh báo trước đó trong hơn 1 giờ đồng hồ với hi vọng sẽ cứu được bạn mình. 15h ngày 27-10, khi Toàn quyết định cho tàu chạy tránh bão thì những con sóng cao 5-6m liên hồi ập đến, gió lốc xoáy tứ bề, mưa mịt mù, trời tối om. Mở hết máy mà con tàu không thể chạy được.
 

Tàu kiểm ngư KN 467 kéo tàu cá của thuyền trưởng Lê Thanh Toàn về cảng Cam Ranh - Ảnh: D.THANH
Tàu kiểm ngư KN 467 kéo tàu cá của thuyền trưởng Lê Thanh Toàn về cảng Cam Ranh - Ảnh: D.THANH


"Nước biển tràn vào boong, ngập khoang khiến máy chết lên chết xuống. Chúng tôi buộc phải thả neo dù (một loại neo làm bằng vải, khá lớn, kết thêm nhiều vật nặng khác để giảm bớt tốc độ trôi của tàu khi không thể thả neo thông thường do nước quá sâu - PV).

Nhưng gió bão vẫn quăng quật con tàu không thể biết được phương hướng nào nữa. Không lâu sau thì neo dù đứt. Phía mũi tàu bị sóng đánh vỡ, nước tràn vào. Lúc ấy, ai cũng nghĩ 90% là chết" - thuyền trưởng Toàn hãi hùng kể lại.

Toàn kể, vào thời khắc sinh tử ấy, anh chỉ kịp thét lên với anh em là phải cố giữ cho con tàu sống, tức là tàu phải nổ máy và phải nổi, bởi tàu sống thì người mới sống. 14 người chia nhau, người bơm tát nước, người cưa chặt cây để đóng chần giữ vững sườn tàu, người tìm vật dụng trám lỗ thủng ở mũi tàu...

"Ai cũng cố gắng bằng năm, bằng bảy sức mình để hi vọng được sống. Bị quăng quật suốt 12 giờ liền, đến khoảng 3h sáng 28-10 thì sóng gió giảm bớt, anh em ôm nhau vừa khóc, vừa mừng vì biết là đã qua lúc hiểm nguy nhất" - thuyền viên Nguyễn Duy Khoa bần thần.

12 giờ đó cũng là lúc tất cả các cuộc liên lạc đến tàu đều không được trả lời kịp thời do cả 14 con người nhỏ bé trên boong phải chiến đấu một mất một còn với cuồng phong. Điều đó khiến những người trên bờ nghĩ rằng chiếc tàu của anh Toàn cũng chung số phận như tàu ông Minh, ông Đô.

Bão qua nhưng sóng lớn vẫn còn, nguy hiểm vẫn ở phía trước vì chiếc tàu cá bị thủng mũi và máy gặp sự cố lúc nổ, lúc không, chỉ chạy được trên dưới 1 hải lý mỗi giờ. Họ từng giờ từng phút mong đợi tàu kiểm ngư KN 467 được báo là đang vượt bão ra khơi ứng cứu...
 

Khi tìm gặp được tàu cá anh Toàn, chúng tôi vô cùng vui mừng vì đã ứng cứu thành công dân mình, hơn cả thế, như người thân của mình.

Ông Nguyễn Văn Cường (đội trưởng chỉ huy tốp tìm kiếm cứu nạn biên đội tàu kiểm ngư KN 467 và KN 473)



Nghĩa tình trong bão táp

Thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN 467 Đặng Thành Sự cho biết đã cứu hộ cứu nạn nhiều tàu ngư dân hư hỏng, chết máy giữa biển, nhưng đây là lần đầu tiên đi vào vùng bão để cứu tàu cá.

Vị thuyền trưởng trẻ 30 tuổi tròn, kể lúc 0h20 ngày 28-10, thời điểm bão số 9 hoành hành dữ dội ở Biển Đông thì biên đội tàu KN 467 và KN 473 được lệnh ra biển cứu nạn các tàu cá mất tích. Suốt hải trình từ bờ chạy ra ứng cứu, các cán bộ, nhân viên trên tàu KN 467 luôn giữ liên lạc với tàu anh Toàn qua điện thoại vệ tinh, hướng dẫn họ cách chạy tránh sóng để khỏi bị lật tàu, cách sinh tồn trên biển nếu chẳng may tàu cá bị chìm...

Thời tiết quá xấu khiến hành trình ứng cứu của tàu KN 467 kéo dài, thay vì dự kiến đi khoảng 140 hải lý, họ phải vòng tránh nhiều nên đến hơn 0h ngày 29-10 mới tiếp cận được tàu cá. Trong đêm tối, giữa sóng to gió lớn, lực lượng của tàu kiểm ngư và tàu cá đã phối hợp "làm dây" (cột chằng dây giữa 2 tàu để giữ không cho tàu cá bị đánh trôi).

Đến rạng sáng 29-10, khi sóng gió giảm bớt, các thuyền viên của tàu KN 467 nhanh chóng lên chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần các ngư dân, sau đó hỗ trợ kéo tàu cá đang bị hư hỏng về bờ.

"Chúng tôi chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống cho anh em dưới tàu vì họ hầu như chẳng còn gì cả. Có mấy con gà chở theo, chúng tôi gửi luôn bên ấy. Bà con cũng gửi lại anh em tàu kiểm ngư nhiều cá, rất nghĩa tình" - thuyền trưởng Sự cho hay.
 

Mệnh lệnh của trái tim

Thuyền trưởng Đặng Thành Sự nói đây là chuyến xuất quân đặc biệt, đi vào vùng bão biển, gió cấp 7-8, sóng cao 5-6m.

"Con tàu sắt nặng 834 tấn, chịu được sức gió cấp 8 mà vẫn chao đảo, lắc lư kinh khủng, nhiều anh em trong thủy thủ đoàn cũng say sóng, nằm dài. Tôi nghĩ tàu mình mà còn như thế thì 14 con người trên con tàu gỗ nhỏ bé kia còn phải đối mặt với sự nguy hiểm lớn hơn biết chừng nào.

Đó là điều thôi thúc chúng tôi vượt qua mọi thách thức của sóng gió để cứu ngư dân. Đó không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, nhân viên kiểm ngư, mà còn là mệnh lệnh của trái tim" - thuyền trưởng tàu KN 467 nói.




 DUY THANH (TTO)
 

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.