Xuân ấm nơi làng chài vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm lênh đênh mưu sinh trên dòng Sê San-nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, 29 hộ dân đến từ miền Tây và bắc Trung bộ được lên bờ đón Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc trong những ngôi nhà xây kiên cố. Không khí phấn khởi, ấm áp của ngày Tết đang tràn ngập nơi làng chài này.
Không còn cảnh đón Tết trên thuyền
Những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi xuôi thuyền theo dòng Sê San để về thăm làng chài với 29 hộ dân di cư từ miền Tây và bắc Trung bộ đến mưu sinh trên dòng Sê San-ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Nhìn từ xa, làng chài hiện lên giữa lòng hồ như một bức tranh thủy mặc với những căn nhà bè lênh đênh, chao đảo theo những gợn sóng của mặt hồ. Giữa lòng hồ, những chiếc ghe máy đang hối hả gom nhặt những mẻ cá cuối cùng trong ngày.
Chỉ tay về phía làng chài, ông Trần Trung Dũng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Dòng sông Sê San này vốn đã nổi tiếng với nguồn lợi thủy sản có giá trị cao. Chính vì vậy, người dân từ khắp nơi đã đổ về dòng Sê San làm nghề chài lưới, đánh bắt các loại thủy sản. Làng chài này được hình thành cách đây hơn 10 năm. Họ sinh sống hẳn trên thuyền. Lúc trước, họ ở neo thuyền bên sông Sê San địa phận xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) sau thì chuyển sang neo ở địa phận xã Ia Tơi. Ban đầu chỉ có vài hộ nhưng sau đông hơn. Dân làng chài đến từ các tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Long An, Thừa Thiên-Huế… Ban đầu, vì di trú bất hợp pháp nên họ thường bị xua đuổi. Năm 2015, chính quyền 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã làm việc để tìm ra phương án giúp người dân làng chày ổn định cuộc sống, cũng là để đảm bảo an ninh khu vực biên giới này. Giải pháp được thống nhất là đưa 29 hộ này lên bờ sinh sống, định cư tại thôn 7, xã Ia Tơi”.
Tết đầu tiên trên bờ của dân làng chài xã Ia Tơi. Ảnh: Hoành Sơn
Tết đầu tiên trên bờ của dân làng chài xã Ia Tơi. Ảnh: Hoành Sơn
Là người đầu tiên đặt chân lên lòng hồ Sê San mưu sinh, anh Nguyễn Văn Triều-Trưởng thôn 7 (xã Ia Tơi) kể: “Năm 2009, An Giang quê tôi bị mất mùa. Dân đói khát. Nhờ có người mách nên tôi khăn gói lên vùng lòng hồ này để thử đánh bắt hải sản. Lúc đầu, tôi chỉ dựng tạm cái chòi bên mép sông để bắt con tôm, con cá làm kế sinh nhai rồi tính tiếp. Dọc sông này có nhiều cá, thả lưới xuống là bắt được những loại cá to như: cá lăng, cá sọt dưa, cá cơm… Thấy cuộc sống trên này dễ hơn, tôi đã đưa cả gia đình lên đây, dù cuộc sống khó khăn nhưng tốt hơn dưới quê. Sau này, các hộ dân kéo nhau lên thành làng chài”.
Tương tự anh Triều, anh Trần Tằm bỏ quê Thừa Thiên-Huế lên đây mưu sinh từ năm 2010. “Hồi mới lên cực lắm. Đây là vùng biên giới, mình lại tự ý di trú lên ở nên bị xua đuổi hoài. Đuổi bờ này, chạy sang bờ khác. Mãi sau đó, chúng tôi viết đơn tập thể mong được định cư ở đây và được các cấp chính quyền đồng ý. Hiện nay, 29 hộ dân làng chài ở thuộc thôn 7, xã Ia Tơi. Con cái chúng tôi cũng được đi học rồi, mừng lắm”-anh Tằm phấn khởi.
Ông Chế Hồng Quyền-Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: “Làng chài có tất cả 29 hộ với hơn 100 khẩu. Sau khi đưa các hộ lên bờ, chính quyền tỉnh đã hỗ trợ rất nhiều để giúp 29 hộ dân này ổn định cuộc sống. Mỗi hộ dân làng chài sẽ được cấp 400 m2 đất ở và hỗ trợ 50 triệu đồng để dựng nhà. Ngoài ra họ còn được hỗ trợ cá giống và hướng dẫn nuôi cá lồng. Huyện Ia Grai tạo điều kiện thuận lợi để dân được mang thuỷ hải sản sang đó buôn bán ở các chợ xã Ia O và Ia Khai”.
Tết đầu tiên trên bờ
Đến cuối năm 2018, 29 ngôi nhà xây kiên cố của các hộ dân được chính quyền tỉnh Kon Tum hỗ trợ kinh phí đã xây dựng xong. Người dân làng chài lần lượt làm lễ cúng cơm về nhà mới. 29 ngôi nhà hướng mặt ra sông Sê San. Một con đường cấp phối thẳng tắp dẫn ra dòng Sê San chạy ngang cổng của 29 ngôi nhà này. “Hiện nay, 29 hộ dân đã chuyển lên bờ ở hết rồi. Nhà cửa của họ cũng đã được đấu điện lưới. Các hộ dân làng chài cũng đã chuẩn bị đầy đủ để đón cái Tết đầu tiên trên bờ sau 10 năm lênh đênh trên sông Sê San. Những ngày cuối năm, gặp chúng tôi, các hộ dân này vui lắm, ai cũng phấn khởi. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập hợp tác xã nuôi, trồng và đánh bắt cá, sẽ vận động 29 hộ này tham gia để có cuộc sống ổn định hơn. Chúng tôi cũng xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái ở đây, dự kiến sẽ biến làng chài thành 1 điểm du lịch hút khách”-ông Chế Hồng Quyền cho biết thêm.
Mô hình nuôi cá lồng của người dân làng chài. Ảnh: Hoành Sơn
Mô hình nuôi cá lồng của người dân làng chài. Ảnh: Hoành Sơn
Niềm vui của làng chài được nhân đôi khi 14 đứa trẻ nơi đây được học chữ và được hưởng các chế độ an sinh xã hội của cư dân xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Hàng ngày, 29 gia đình cắt cử nhau chở lũ trẻ đến trường học chữ. “Xưa lo đám trẻ thất học nhưng nhờ chính quyền tạo điều kiện nên đám trẻ con biết chữ rồi. Buổi tối nghe chúng ê a đọc chữ, vui cái bụng lắm. Chúng nó còn được đến trạm xá khám bệnh khi đau ốm. Hôm bữa cả nhà nhận nhà mới xong, mấy đứa trẻ không chịu ngủ cứ chạy quanh nhà vì từ khi đẻ ra đến giờ, chúng nó mới được ở trong nhà. Nhìn chúng vui cười, chạy nhảy mà trào nước mắt. Tôi đã mua rất nhiều đồ trang trí trong nhà để đón Tết. Tôi cũng đi chợ bên Ia O mua quần áo mới cho các con. Tết đầu tiên lên bờ mà, phải tươm tất chứ ”-chị Hà Thị Bé vui mừng.
Dân làng chài thu hoạch cá đón Tết. Ảnh: Hoành Sơn
Dân làng chài thu hoạch cá đón Tết. Ảnh: Hoành Sơn
Kéo nốt mẻ lưới cuối để nghỉ đón Tết, anh Đặng Văn Biện (quê An Giang) nói: “Được lên bờ ở trước Tết nên dân làng vui lắm. Đây là cái Tết đầu tiên trên bờ mà. Mới về nhà mới nên còn bề bộn, chúng tôi đang dọn dẹp để nơi ở được sạch sẽ, khang trang. Chúng tôi cũng đã góp nhau tiền để gói bánh chưng xanh, đụng heo ăn Tết. Có mấy nhà mua sắm dàn karaoke, buổi tối tụ tập hát hò, vui lắm. Chúng tôi đã bàn với nhau rồi, tối 30 sẽ tập trung tại khoảng đất trống trước làng đốt một bếp lửa to rồi cùng đón chào khoảng khắc giao thời. Cám ơn các cấp chính quyền quan tâm giúp nhân dân chúng tôi được định cư”.
Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Gia Lai đại diện cho 5 tỉnh Tây Nguyên tham gia tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

(GLO)- Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 19 đến 22-12, tại Sân bay Gia Lâm, TP. Hà Nội. Sự kiện là dấu ấn đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Làng Bluk Blui ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: Đ.M.P

Về làng phong Bluk Blui

(GLO)- Hàng chục lần tôi trở về vùng đất Chư Păh (tỉnh Gia Lai) nhưng không vì thế mà trở nên nhàm chán. Mỗi lần về lại, chứng kiến bao thay đổi là lòng tôi thấy vui, vì sự phát triển của địa phương. Đặc biệt là với xã Ia Ka, với làng phong Bluk Blui-cái tên làng đặt theo tên một dòng suối ở đây.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ảnh: Đ.M.P

Sró một thời...

(GLO)- Từ trung tâm huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đi chừng 30 km là đến xã Sró. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần trong các chuyến công tác, tôi đã qua lại nơi đây. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là hồi chú Trần Quốc Bảo làm Bí thư Huyện ủy.

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.