Xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm từ nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên cơ sở phản ánh của người dân, thị xã Ayun Pa vừa thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai.

Ý kiến của người dân là có căn cứ

Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh được xây dựng tại Cụm Công nghiệp Ia Sao (thị xã Ayun Pa) trên diện tích 3,19 ha với tổng vốn đầu tư trên 37 tỷ đồng. Nhà máy hoàn thành cuối năm 2021, đầu năm 2022 bắt đầu vận hành thử nghiệm và cuối năm 2022 chính thức hoạt động với công suất 9.000 tấn/năm.

Nguồn nguyên liệu sản xuất chính của Nhà máy là bã bùn mía vận chuyển từ Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công-Chi nhánh Gia Lai (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) về phơi ủ trong khuôn viên Nhà máy trước khi đưa vào sản xuất. Quá trình phơi ủ, đảo nguyên liệu đã sinh ra mùi hôi khiến nhiều hộ dân tại 2 xã Ia Sao và Ia Rtô bức xúc.

Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh đầu tư xây dựng nhà vòm sáng chứa nguyên liệu và phủ bạt tại sân bãi giúp giảm thiểu mùi hôi trong quá trình ủ nguyên liệu. Ảnh: V.C

Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh đầu tư xây dựng nhà vòm sáng chứa nguyên liệu và phủ bạt tại sân bãi giúp giảm thiểu mùi hôi trong quá trình ủ nguyên liệu. Ảnh: V.C

Ông Nguyễn Văn Nên (thôn Quyết Thắng, xã Ia Sao) cho hay: “Trước đây, mỗi lần đi ngang qua Nhà máy, người dân phải bịt mũi nín thở vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hiện nay, tình trạng này đã giảm đi nhiều song mỗi lần Nhà máy mở bạt đảo nguyên liệu thì mùi hôi vẫn xuất hiện. Chúng tôi mong Nhà máy có biện pháp xử lý dứt điểm, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân”.

Còn ông Nay Ka-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phu Ma Nher 2 (xã Ia Rtô) thì cho biết: “Sản xuất gì thì mùi hôi cũng phải ở giới hạn cho phép, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Hiện nay, mùi hôi từ Nhà máy tuy không thường xuyên nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện”.

Đại diện lãnh đạo xã Ia Sao và Ia Rtô cũng đồng quan điểm và cho rằng việc người dân phản ánh mùi hôi phát sinh tại Nhà máy phân vi sinh là có căn cứ. Tuy có giảm so với trước nhưng mùi hôi vẫn rất khó chịu, nhất là lúc 17-18 giờ và 2-3 giờ sáng.

Nhiều giải pháp khắc phục

Bà Nguyễn Thị Hoa-Quản đốc Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh-thông tin: Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế mùi hôi phát sinh từ quá trình sản xuất như: phun chế phẩm khử mùi nguyên liệu ngay tại nơi cung cấp; đầu tư máy ép bùn chân không trị giá hơn 2 tỷ đồng để giảm độ ẩm và khối lượng bã bùn trước khi vận chuyển tập kết về Nhà máy.

Khuôn viên Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh được trồng nhiều cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vũ Chi

Khuôn viên Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh được trồng nhiều cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vũ Chi

Nhà máy cũng phủ bạt kín nguyên liệu trên sân ủ tránh phát sinh mùi hôi trong quá trình lưu trữ. Sân tập kết nguyên liệu xây dựng sàn tách nước và gờ chắn để thu gom nước, không để nước mưa tràn vào cuốn trôi nguyên liệu; xây dựng nhà vòm sáng diện tích hơn 1.500 m2 để chứa nguyên liệu, hạn chế việc tái nhiễm ẩm do mưa, từ đó hạn chế phát sinh mùi ra môi trường trong quá trình đào ủ nguyên liệu và xúc cấp vào sản xuất. Nhà máy cũng trồng hơn 500 cây neem Ấn Độ nhằm góp phần cải tạo môi trường.

“Vừa qua, một số hình ảnh do người dân chụp hiện trạng nguyên liệu tập kết tại Nhà máy không được phủ bạt. Thời điểm đó, Công ty đang mở bạt để lấy nguyên liệu phục vụ cho việc thử nghiệm quy trình xử lý mùi. Số lần mở bạt là 2-3 ngày/tháng để múc khoảng 50 tấn nguyên liệu. Tiếp thu ý kiến của người dân, thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy nhanh lộ trình xử lý mùi hiệu quả hơn, trong đó có việc nới rộng nhà vòm sáng nhằm đưa tối đa nguồn nguyên liệu vào trong, hạn chế phát sinh mùi hôi”-bà Hoa nói.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Tâm-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa-cho biết: Tháng 4-2023, UBND thị xã đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tập kết nguyên liệu bã bùn không đúng nơi quy định của Nhà máy với số tiền 30 triệu đồng; đồng thời, yêu cầu khắc phục ngay vi phạm.

Đến đầu tháng 5-2023, Nhà máy thông báo đã khắc phục sự việc. Khi người dân tiếp tục phản ánh, ngày 28-6 vừa qua, thị xã thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy. Kết quả, tại thời điểm kiểm tra, mùi hôi phát sinh nhẹ.

Đoàn ghi nhận Nhà máy đã có biện pháp giảm mùi hôi như: nguyên liệu tập kết trên sân bê tông, được phủ bạt; hoàn thành xây dựng nhà vòm sáng chứa nguyên liệu, trồng cây xanh trong khuôn viên; sân tập kết đã xây dựng sàn tách nước và gờ chắn để thu gom nước theo quy định.

Ông Đặng Xuân Toàn-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa: Việc người dân kiến nghị mùi hôi từ Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh là có cơ sở. Sau đó, nhà máy đã tìm cách khắc phục. Từ tháng 5-2023 đến nay, vấn đề phát sinh mùi hôi đã giảm. Ủy ban nhân dân thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhà máy thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, tránh ảnh hưởng đến người dân.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.