Xu hướng chơi tết hơn ăn tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không còn nặng nề ăn tết, nhiều gia đình Việt chọn chơi tết như là sự sum vầy, tận hưởng những phút giây vui chơi bên người thân, gia đình, bạn bè, từ đó tái sinh nguồn năng lượng cho năm mới.

Du lịch cho đỡ... rửa bát

Trong quan niệm của người Việt từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán là dịp để gia đình đoàn tụ, quây quần. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại ngày nay, sum họp mùa tết không chỉ còn là cùng nhau ở nhà nấu mâm cỗ đầy, miệt mài dọn dẹp nhà cửa, rửa bát ngày 3 bữa…; thay vào đó, nhiều gia đình lựa chọn du lịch, du xuân như một cách "giải phóng sức lao động". Nghỉ tết - đúng nghĩa nghỉ dưỡng sau một năm lao động vất vả.

Nhiều gia đình chọn du xuân vào dịp tết. Ảnh Ngọc Thắng

Nhiều gia đình chọn du xuân vào dịp tết. Ảnh Ngọc Thắng

Theo tôi, dù là ăn tết hay chơi tết, tết xưa hay tết nay, ở đâu có gia đình, ở đó có tết. Quan trọng là gia đình ở bên nhau.

Nhà nghiên cứu, PGS-TS Phan An

Năm đầu tiên sau đại dịch Covid-19, chị Ngọc Thúy (ngụ Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã quyết định đón một cái tết đặc biệt: Sang nhà hai bên nội ngoại chơi trước tết rồi đúng sáng mùng 1 sau khi cúng giao thừa, cả gia đình lái xe đi Tây Bắc du xuân. Lúc đầu, nhà chị Thúy định tổ chức một chuyến đi 3 tỉnh miền Trung: Huế, Đà Nẵng, Hội An; nhưng vé máy bay giai đoạn đó khá đắt nên chần chừ. Sau có gia đình người bạn rủ, ông xã chị hào hứng nhận lời luôn.

"Đấy là năm đầu tiên sau 13 năm về làm dâu nhà chồng, tôi không phải sấp ngửa lo nấu cỗ, dọn dẹp, rửa bát từ sáng đến tối nữa. Quần áo đẹp sắm tết cũng có cơ hội mặc, không phải chờ ra mùng mới vội vàng lên đồ đi chúc tết rồi lại về lăn vào bếp. Năm ngoái chồng tôi phải trực nên không đi đâu được, lại ở nhà trọn vẹn gần 10 ngày, nghĩ cũng thấy sợ. Chính chồng tôi đề xuất đưa vợ con đi chơi tết tiếp. Năm nay nhà tôi vào TP.HCM cho đỡ lạnh, sau đó mua tour đi mấy tỉnh miền Tây chơi. Rủ ông bà nhưng bố mẹ hai bên đều chưa muốn đi. Chắc phải "dụ" thêm 1 - 2 năm nữa mới chịu đón tết xa nhà", chị Thúy kể.

Còn chị Đan Lê đã từ TP.HCM về Hà Nội ăn tết cùng bố mẹ từ ngày 23 tháng chạp, đưa ông Công, ông Táo về trời. Năm nào cũng vậy, chị Lê sẽ về sum họp với gia đình từ rất sớm, sau đó đến mùng 2 tết, cả nhà cùng đi du lịch khoảng 3 - 4 ngày trước khi trở lại làm việc. "Được cái bố mẹ tôi còn trẻ khỏe, thoải mái, con cái rủ đi chơi là đi ngay. Trước đây tết lạnh chỉ ngồi co ro ở nhà, ăn uống dọn dẹp suốt ngày. Cả 10 ngày như vậy cũng chán. Năm vừa rồi tôi đưa bố mẹ đi Đài Loan, cũng là lần đầu bố mẹ xuất ngoại. Bên đó họ cũng trang trí tết gần như mình nên các cụ thích lắm. Năm nay nhà tôi đi Hội An, có cả bà ngoại nữa. Bà thích đi Hội An", chị Lê chia sẻ.

Du xuân "trốn rửa bát" là câu nói đùa, nhưng thực tế đã trở thành xu hướng lựa chọn của rất nhiều gia đình những năm gần đây. Bởi vậy, cuối năm 2023, nhiều công ty du lịch còn phập phồng lo nhu cầu năm nay giảm mạnh do kinh tế khó khăn. Song đến cuối tuần qua, nhiều công ty đã chính thức cán, thậm chí vượt đích kế hoạch. "Vượt kế hoạch rồi bạn. Giờ chúng tôi đang "sấp mặt" chuẩn bị công tác điều hành. Năm nay vượt tới 20% lận", bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Lữ hành Saigontourist, hào hứng thông tin về kết quả bán tour Tết Nguyên đán 2024, tính đến chiều qua (5.2). Mùa cao điểm tết năm nay, Lữ hành Saigontourist dự kiến phục vụ hơn 28.000 du khách, trong đó chiếm trên 60% là khách Việt kiều.

"Năm nay lượng kiều bào về nước đi du lịch tăng đột biến. Đối tượng khách hàng này thường đi theo nhóm gia đình, họ hàng rất đông và dài ngày. Việt kiều không mấy quan trọng ăn tết nên họ thường dành trọn vẹn kỳ nghỉ hồi hương này cho những chuyến du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa, cảm nhận sự thay đổi của quê hương", bà Trà nói thêm.

Mua hoa chưng tết là thói quen của nhiều gia đình. Ảnh Chí Nhân

Mua hoa chưng tết là thói quen của nhiều gia đình. Ảnh Chí Nhân

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông của Công ty Du lịch Việt, cho biết năm nay công ty ghi nhận số lượng khách đi du lịch tết tại Hà Nội và các tỉnh tăng nhiều so với mọi năm ở độ tuổi dưới 45. Điều này phản ánh giới trẻ giảm ăn tết và tăng nhu cầu đi chơi tết. Đến thời điểm này, Du lịch Việt đã hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh tết. Giá tour do đó tương đối ổn định và chỉ tăng đối với những tour đường bay trong nước do giá vé máy bay tăng.

"Độ dài kỳ nghỉ tết năm nay là 7 ngày, nên những tour từ 4 - 6 ngày được du khách lựa chọn nhiều. Đặc biệt, các tour xuất ngoại có phần áp đảo hơn các tour trong nước do bảo đảm được lịch trình hấp dẫn, giá cả hợp lý. Trong đó, 25% lựa chọn những điểm đến gần trong khu vực như Malaysia, Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia... Tour Thái Lan được bán tăng hơn cùng kỳ năm ngoái do giá 7,5 triệu đồng/tour không quá cao so với ngày thường (6,5 triệu đồng) và rẻ hơn so với tour nội địa đi bằng máy bay. Nằm trong phân khúc này có tour liên tuyến hai nước Singapore - Malaysia cũng bán tăng hơn nhiều. Mặc dù tình hình kinh tế chung có nhiều ảnh hưởng, nhưng nhu cầu du lịch trong dịp tết vẫn ghi nhận được những dấu hiệu khá tích cực", ông Vũ thông tin thêm.

Giảm mua đồ ăn, tăng mua hoa

Sức mua hàng thực phẩm cũng phản ánh phần nào xu hướng chơi tết thay vì ăn tết hiện nay. Sáng chủ nhật 4.2 vừa qua (nhằm 25 tháng chạp), tranh thủ ngày nghỉ, chị Hồng Châu (Q.Tân Bình, TP.HCM) dạo quanh một vòng chợ hoa và "rinh" về cành đào chưng bàn với giá 250.000 đồng. Chị cũng lên khoản chi từ 300.000 - 400.000 đồng mua một bó hoa ly hoặc bó tuyết mai; thêm khoảng 200.000 - 300.000 đồng để mua một số loại hoa tươi khác trong vài ngày tới để cắm cho vui nhà vui cửa.

Chị cho hay nhà chỉ có hai vợ chồng và một con nhỏ, nhưng năm nào chị cũng chưng chậu mai. Năm nay cũng vậy, dù thu nhập sụt giảm, tiền thưởng cũng thấp hơn nhưng chị vẫn ưu tiên để mua hoa. "Tết này có thể tiết kiệm, bớt mua sắm quần áo cho mình nhưng tiền mua hoa vẫn duy trì như mọi năm khoảng 1 triệu đồng. Nhà có hoa, thấy không khí đầu năm vui tươi, phấn khởi hơn và mong ước một năm tươi sáng", chị Châu chia sẻ.

Tương tự, gia đình chị Như Hoa (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng xác định "làm gì thì làm, phải có hoa tươi trong nhà những ngày tết". Theo chị, tiền ít thì bớt mua quần áo, rồi bớt "bày" ra các món ăn cầu kỳ, đắt tiền, giảm bia rượu…; nhưng chi cho hoa thì vẫn như năm trước. Chẳng hạn, nhiều năm trước chị thường mua sắm rất nhiều đồ ăn để tích trữ trong nhà và bữa nào cũng như mâm cỗ với hàng loạt món, từ gà đến heo, bò, chả giò, bánh chưng, dưa món. Nhưng một vài năm gần đây chị cũng giảm dần việc này.

Trong khi ở các chợ truyền thống, sức mua có gia tăng nhưng không nhiều so với dự báo, thì chợ hoa ở nhiều khu vực đã bắt đầu đông dần từ ngày 24 - 25 tết. Nhiều khách vẫn chọn mua sớm để có được các chậu hoa đẹp, đúng ý. Đối với nhiều gia đình, mua cặp cúc vàng với giá 300.000 - 400.000 đồng hay chậu đào, chậu mai tiền triệu là bình thường. Thậm chí, một số người sẵn sàng chi tiền tỉ để mua nhiều chậu mai to, hiếm về chưng trong nhà khi tết đến xuân về.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận xét, những năm trước đây nhu cầu thực phẩm của người dân còn cao. Nhiều gia đình quanh năm phải thắt lưng buộc bụng nên chỉ đến Tết âm lịch mới dám mua thêm miếng thịt, con cá để cải thiện bữa ăn cho con cháu. Nhưng sau này khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện và nhu cầu cũng cao hơn thì ăn tết không phải là thiết yếu như trước mà chuyển qua chơi tết. Xu hướng nhiều gia đình chọn du lịch trong và ngoài nước dịp tết đã ngày càng lan rộng, không chỉ ở những thành phố lớn mà đến tận nhiều vùng quê, nhất là giới trẻ. Nhu cầu thay đổi nên việc tích trữ thực phẩm ngày tết không nhiều nữa. Đó là chưa kể hàng quán, siêu thị, chợ cũng chỉ nghỉ ít ngày và người dân dễ dàng mua sắm như ngày thường.

"Người dân giờ chủ yếu sẽ đi du lịch. Về quê cũng xem như một chuyến du lịch trong nước. Nhu cầu chơi tết nhiều hơn nên việc mua hoa, cây kiểng hay các loại sản phẩm trang trí gia đình cũng nhiều hơn. Còn như tết thì ngày càng đơn giản trong các thủ tục thờ cúng nên mua thực phẩm cũng không phải là quá nhiều. Tết Giáp Thìn 2024 này sức mua thị trường giảm một phần do kinh tế còn khó khăn, nhưng cái chính vẫn là xu hướng tiêu dùng đã thay đổi và sẽ tiếp tục phổ biến hơn", ông Long nói.

Các điểm đến trong nước luôn thu hút du khách mỗi khi tết đến xuân về. Ảnh Thế Quang

Các điểm đến trong nước luôn thu hút du khách mỗi khi tết đến xuân về. Ảnh Thế Quang

Ở đâu có gia đình, ở đó có tết

Trong thực tế, khi mức sống ngày càng nâng cao, quan niệm về tết đã thay đổi nhiều. Người trẻ và ngay cả người già ít nhiều đã "cởi mở" về văn hóa tết truyền thống, không còn quá nặng nề về một cái tết ăn gì, đi đâu, hay thăm viếng những ai nữa. Rất nhiều người chọn tết là dịp nghỉ ngơi hoàn toàn và quây quần bên người thân. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, nhiều gia đình người Việt chọn dịp tết để đi chơi và khám phá thế giới xung quanh mà ngày thường bận bịu không có điều kiện thực hiện. Xu hướng để phụ nữ suốt ngày bận rộn trong khuôn viên bếp núc, chén bát, nấu ăn, phục dịch cho khách khứa, bạn bè, người thân chén thù chén tạc suốt 3 ngày tết đã được lược đi nhiều. Đây cũng từng là "nỗi ám ảnh" của rất nhiều phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong gia đình truyền thống, nếp nhà 2 - 3 thế hệ.

Nhà nghiên cứu, PGS-TS Phan An lý giải: Xưa thời khó khăn, các cụ hay gọi là ăn tết, nay gọi ăn tết chỉ là thói quen, thực tế là chơi tết. Nhưng một số thói quen, phong tục tập quán rất cơ bản vẫn được gìn giữ đáng trân quý. Đó là bữa cơm tất niên mời ông bà về ăn tết với gia đình, chiếc bánh chưng bày lên bàn thờ cúng ông bà, mua hoa, mong ngóng được trở về gia đình sum họp, chuẩn bị phong bao mừng tuổi, thăm mộ người thân, về quê… Tuy vậy, trong hội nhập, những phong tục cũng có sự thay đổi, giao thoa ít nhiều. Chẳng hạn, nhiều người chọn lì xì qua ví Momo, tài khoản ngân hàng nếu không gặp nhau; hay đặt mua đồ cúng, thay vì nấu...

Theo ông Phan An, nhu cầu vật chất trong ngày tết hiện giờ không quá lớn bởi những món ăn trước kia chỉ ngày tết mới có thì nay có thể mua ăn bất kỳ ngày nào trong năm. Ngay quần áo mới, xưa chờ tết mới sắm thì nay có thể mua quanh năm. Thế nên, quan niệm ăn tết ngày trước đã chuyển thành chơi tết là vậy. Tương tự, xưa gói, nấu nồi bánh chưng là sự quây quần của bố mẹ, con cháu trong nhà, hay cả làng xóm đều cùng nấu. Gia đình nào ăn tết to được đong đếm bằng nồi bánh chưng to hay nhỏ. Nay tết là để trở về, quây quần bên gia đình sau một năm làm việc vất vả đã là đủ đầy. Sau nhiệm vụ thăm ông bà, nhiều gia đình trẻ chọn đi du lịch vào dịp tết, kiểu xả hơi sau một năm bận rộn, cũng là điều bình thường.

Thực tế, đến nay về miền Trung, đâu đó vẫn còn nghe những phụ nữ tuổi đời trên dưới 40 than sợ tết. Bởi họ bị áp lực và mệt mỏi khi phải lo đủ thứ từ mua sắm, chuẩn bị mâm cỗ, nấu ăn cúng kiếng mỗi ngày, rồi về ngoại, qua nội, sang nhà chú bác… Với quan niệm đó, tết của nhiều người là sự "hành xác". Ngày nay, kiến thức về ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe, tránh tối đa tăng cân sau kỳ nghỉ tết cũng được nhiều người áp dụng. Thế nên, khái niệm ăn tết đã thay đổi khá nhiều.

PGS-TS Phan An nhấn mạnh: "Theo tôi, dù là ăn tết hay chơi tết, tết xưa hay tết nay, ở đâu có gia đình, ở đó có tết. Quan trọng là gia đình ở bên nhau. Người trẻ tạm gác những lo toan cơm áo gạo tiền, về bên cha mẹ vào những ngày tết, sẽ thấy sự sung túc ngay chính trong gia đình mình. Đó là tình thân, đầm ấm, thảnh thơi. Tết không sum vầy, không đoàn viên cùng gia đình thì coi như chưa có tết. Hưởng thụ tết thế nào cho văn minh, hữu ích, an lành mới là điều quan trọng".

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS-TS Bùi Xuân Đính dẫn chứng: Nếu ngày xưa nồi bánh chưng như trung tâm của các hoạt động ngày tết thì bây giờ đầy đủ về đời sống vật chất, hàng hóa đặt mua dễ dàng, bánh chưng cũng bán quanh năm ngoài chợ… Thành ra không khí tết xưa có phần phai nhạt. Thậm chí việc đi chúc tết cũng có xu hướng ít dần. Một bộ phận gia đình chọn tết là thời điểm đi du lịch, giải trí. "Không thể phủ nhận tết nay có phần "nhạt" hơn xưa, nhưng bản chất giá trị tết Việt vẫn luôn níu con người về với truyền thống dân tộc", ông Đính nhấn mạnh.

Có thể nói, dù là cảm giác thư thái, bình yên sau một năm sống và làm việc, hay sự háo hức, mong chờ thịnh vượng, tài lộc ở phía trước, thì tất cả chúng ta, ai cũng thích và nhớ mong tết. Để sau tết, nguồn năng lượng mới sẽ được tái sinh, khởi đầu cho năm mới hanh thông hơn.

Tết này, "trend" áo dài lên ngôi mạnh mẽ ngoài dự báo nên sản phẩm đã hết hàng. Dù sức mua dịp tết đã tăng gấp đôi ngày thường nhưng tổng thể vẫn giảm khoảng 20% so với Tết âm lịch 2023, một phần do kinh tế khó khăn, người dân cũng giảm mua sắm. Nhưng chủ yếu là xu hướng tiêu dùng, mua sắm sản phẩm thời trang đã thay đổi. Thậm chí hơn chục năm trước, có khi các cửa hàng thời trang chỉ tập trung kinh doanh mùa tết là chiếm đến 80 - 90% doanh số cả năm. Khi đó, nhà nhà dồn tiền và chờ đến dịp tết mới mua quần áo mới. Lượng hàng tiêu thụ dịp tết của các cửa hàng tăng gấp 5 - 7 lần, thậm chí cả chục lần so với ngày thường. Sau này thì thói quen mua sắm thay đổi, việc mua sắm quần áo diễn ra quanh năm mà không chỉ chờ đến Tết âm lịch.

Đặc biệt việc mua hàng online khiến nhiều người tiêu dùng mua sắm nhanh chóng, dễ dàng vào bất kỳ thời gian nào, nên tết sẽ không còn là mùa cao điểm như xưa.

Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc chuỗi thời trang K&K Fashion

Tết là sự làm lại mới, ước vọng mới, là đoàn viên, là đủ đầy… Về cơ bản, những giá trị này vẫn còn. Nghi lễ trong ngày tết chưa có nhiều biến đổi, có điều được thể hiện ngày càng đa dạng với cách thức khác nhau. Bởi lẽ, khi cuộc sống xã hội có những bước chuyển mình mạnh mẽ, những nét văn hóa trong ngày tết cũng không đứng ngoài guồng quay đó.

PGS-TS Bùi Xuân Đính

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.