“Liệu pháp rừng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau buổi lội rừng 1 ngày 1 đêm, toàn thân “biểu tình” vì nhức mỏi song tâm trí lại thư thái lạ kỳ nhờ có sự kết nối với thiên nhiên. Ai trong đoàn cũng đồng tình rằng đó là một buổi “tắm rừng” chất lượng.

Mất hơn 50 cây số để chúng tôi từ TP. Pleiku về với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang). Đây là 1 trong 10 Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam với nhiều loài động-thực vật đặc hữu, quý hiếm, khiến những người yêu thiên nhiên ai cũng mong muốn được một lần chạm chân đến.

Từ khu trung tâm của Vườn, đoàn chúng tôi lúc thồ xe máy, khi lại lội bộ trên con đường mòn tiến sâu vào rừng. Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp 1 chiếc lán đã được dựng sẵn và 3 bộ bàn ghế gỗ giữa một khoảnh rừng khá bằng phẳng, bên bờ suối HNgoi. Đây là một trong những nơi đón các đoàn khách, đoàn học sinh dừng chân nghỉ ngơi sau khi khám phá cảnh quan Vườn di sản.

Chúng tôi cắm trại qua đêm tại lán. Trong khi người lớn chuẩn bị bữa ăn thì lũ trẻ chạy nhảy chơi đùa bên suối.

Vẻ đẹp của rừng già Kon Ka Kinh luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: P.D

Vẻ đẹp của rừng già Kon Ka Kinh luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: P.D

Thư thái chiêm ngắm cảnh sắc núi rừng, nhìn các thành viên trong đoàn tíu tít nói cười, tôi chợt nghĩ, việc rời xa ồn ào phố thị, các phương tiện liên lạc, công nghệ cũng là điều hết sức thú vị. Ở đây, các mạng điện thoại hoàn toàn mất sóng. Nhờ vậy mà sự giao tiếp giữa các thành viên trở nên chất lượng, không hề bị gián đoạn bởi… chiếc điện thoại như cảnh thường thấy ở không ít các cuộc tụ tập.

Sau khi thưởng thức bữa tối ngon lành với thịt nướng, khoai nướng trong hơi lạnh đêm rừng già, lũ trẻ bày trò chơi trong lều với những thứ đã tự chuẩn bị trước đó như cờ vua, cờ ăn ý, bánh kẹo… Tôi thoáng nghe lời phát biểu của một bé, lẫn trong tiếng cười: “Không có điện thoại vẫn vui!”. Càng về khuya, rừng càng tĩnh lặng. Chỉ còn tiếng cành khô rơi, tiếng suối rì rầm trôi vào giấc ngủ.

Sáng sớm hôm sau, cả đoàn cùng nhau đón một bình minh đặc biệt giữa rừng. Những tia nắng sớm ươm vàng xua đi cái lạnh thấu xương, có lẽ xuống đến dưới 13 độ C. Rừng hào phóng ban tặng khách phương xa không khí trong lành nhất có thể qua những cái hít thở thật sâu. Nước suối như được ướp lạnh nhưng trong veo . Khói bếp dã chiến chờn vờn trong vòm lá. Một vài cơn gió nhẹ cũng khiến đám lá khô vàng chao liệng. Đúng là “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Đêm Côn Sơn-Trần Đăng Khoa).

Tiếp tục hành trình, đoàn chúng tôi theo chân cán bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chinh phục đỉnh Đá trắng với độ cao 1.330 m. Độ dài đoạn đường chỉ hơn 3 km nhưng chủ yếu là dốc đứng, ít đoạn bằng phẳng nên rất dễ mất sức. Lũ trẻ thì dường như không biết mệt; chúng luôn hăm hở dẫn đầu, không lời kêu ca.

Dốc lên thăm thẳm, đôi lúc tôi không khỏi có chút hoang mang. Nhưng bù lại, khi đi dưới tán rừng, tôi được an ủi bằng cảm giác mát rượi. Thảm lá khô dày như nâng đỡ phần nào những bước chân. Nhiều thân cây mục cồng kềnh đổ gục ngang đường thành nơi dừng chân nghỉ tạm. Nhìn chúng, tôi chợt liên tưởng đến hành trình trở về với đất của vạn vật để rồi tái sinh.

Được biết, cuối tháng 11-2023, Công đoàn cơ sở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tổ chức cuộc thi leo núi “Chinh phục đỉnh Đá trắng” mở rộng lần thứ I, thu hút 107 vận động viên tham gia. Cả 2 vận động viên đạt giải nhất (1 nam, 1 nữ) đều về đích với khoảng thời gian chưa đến nửa tiếng đồng hồ. Còn chúng tôi, sau khi vất vả lên đến nơi thì mất gần 1,5 giờ! Nhưng như thế cũng đã vượt qua chính mình rồi.

Từ đỉnh cao này, phóng tầm nhìn toàn cảnh rừng nguyên sinh, sự mênh mông đất trời, cảnh vật chiếm lĩnh mọi cảm xúc. Tưởng như những mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, trở trăn trong công việc và cuộc sống ngày thường đã được dỡ bỏ khỏi tâm trí.

Rừng quả thật có khả năng chữa lành. Có lẽ vì thế mà trong văn hóa Nhật Bản xuất hiện cụm từ “tắm rừng”, hay còn gọi là “Shinrin-yoku”-một liệu pháp giúp con người giải tỏa căng thẳng và lo âu.

Còn một nghiên cứu ở Anh với gần 20 ngàn người tham gia cũng đã kết luận: Ở môi trường có thiên nhiên từ 2 tiếng đồng hồ trở lên sẽ giúp mỗi người cải thiện sức khỏe và cảm thấy hạnh phúc hơn. Khoảng thời gian này không nhất thiết phải diễn ra trong một chuyến đi mà có thể là nhiều chuyến đi ngắn cộng lại. Nếu không thể vào rừng thì hãy đến với bất cứ không gian xanh nào trong đô thị.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, đối với những người phải nằm trên giường bệnh, việc ngắm thiên nhiên qua khung cửa vẫn tốt hơn là ngắm vách tường. Nhờ đó, thời gian hồi phục cũng nhanh hơn khi so sánh với các nhóm bệnh nhân khác. Những người này cũng cần ít thuốc giảm đau hơn nhờ “liệu pháp” thiên nhiên.

Liên tưởng đến tác phẩm văn học “Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry. Một chiếc lá thường xuân vẽ trên tường đã cứu sống cô gái Johnsy trong nỗi bi quan về sự ra đi. Tiểu thuyết “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London cũng kết thúc bằng hình ảnh chú chó Buck trở về rừng với bản năng của loài sói; nhiều đêm nó giải phóng mình bằng những cuộc chạy xuyên rừng và tru lên dưới ánh trăng. Rừng vỗ về Buck khỏi những tổn thương sâu sắc mà con người mang đến cho nó.

Vậy nên, khi mỏi mệt, cớ gì ta không tìm về với thiên nhiên, nhiều hơn, để được an ủi, được cân bằng tâm trí và trở về với một phiên bản tích cực hơn?

Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Quảng Ngãi: Đảo Bé Lý Sơn có gì mà được ví như 'thiên đường' giữa biển khơi?

Đảo Bé, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được ví như “thiên đường” du lịch giữa biển khơi, nơi đây sở hữu cảnh sắc hoang sơ, những vách đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm, bờ cát trắng mịn, bờ biển đẹp... Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Săn chỗ xem diễu binh dịp đại lễ

Những ngày qua, từ khóa được nhắc tới nhiều nhất tại TP.HCM có lẽ là "lễ diễu binh, diễu hành 30.4". Hình ảnh từng khối diễu binh khổ luyện và buổi hợp luyện đầu tiên lần lượt được chia sẻ khắp các nền tảng, khiến người người, nhà nhà càng thêm háo hức, cấp tập đi "săn" chỗ đón sự kiện lịch sử.

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

Núi lửa Chư Đang Ya, thác K50 góp mặt trong clip quảng bá nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh P4G

(GLO)- Nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) vừa chính thức ra mắt 3 video clip quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam. Trong đó, Gia Lai góp mặt với 2 đại diện là núi lửa Chư Đang Ya và thác K50.

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum

Phát huy lợi thế và tiềm năng về phát triển kinh tế đêm của địa phương, UBND phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum) triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Kon Tum với quy mô 51 gian hàng trên khu đất rộng hơn 5.100m2 tại khu vực đường Bạch Đằng.