(GLO)- Xã Lơ Ku (huyện Kbang) có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống. Trước đây, đời sống nhân dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, tình hình kinh tế-xã hội của xã có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên.
Để minh chứng cho sự đổi thay ấy, ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku dẫn tôi đi một vòng khắp các làng. Chỉ cho tôi thấy những con đường bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà mới xây còn vương mùi vữa, ông Bắc cho biết: “Để có được sự đổi thay ấy, Đảng bộ, chính quyền xã đã phát huy tinh thần đoàn kết của 12 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn. Khi ý Đảng hợp với lòng dân thì mọi chủ trương sẽ được nhân dân tham gia tích cực”.
Đường vào xã Lơ Ku đã thông thoáng hơn trước. Ảnh: V.H |
Theo ông Bắc, trước đây, thu nhập chính của người dân xã Lơ Ku chủ yếu từ cây mía, mì, bắp và lúa nước. Tuy nhiên, khi ấy ruộng đất canh tác nhỏ lẻ, manh mún; trong khi nhận thức của nhân dân chưa đồng đều, việc tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, cải tạo đồng ruộng, từng bước hình thành những cánh đồng mía lớn.
Để thực hiện được nhiệm vụ đề ra, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của xã cụ thể hóa nội dung của nghị quyết thành kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm từng thôn, làng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xã phát huy vai trò gương mẫu đi đầu và tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm tăng giá trị trên diện tích canh tác, phát triển mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Lơ Ku Hồ Xuân Dương: “Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Các chủ trương đưa ra sẽ không được nhân dân hưởng ứng nếu như nó không hợp lòng dân, vì vậy, Đảng phải biết dựa vào dân để đưa ra những giải pháp sát thực tế”. |
Với những giải pháp cụ thể ấy, đến nay, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã đạt hơn 3.700 ha, trong đó mía hơn 400 ha, bắp lai 1.800 ha, mì gần 400 ha… Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng nên đời sống nhân dân trên địa bàn xã ngày càng nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 16,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Cùng với đó, để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, hiện nay, xã Lơ Ku đang tiến hành xây dựng 2 cánh đồng mía lớn tại làng Bôn và cánh đồng Đak Dăng với tổng diện tích gần 100 ha.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ xã Lơ Ku đã chú trọng khơi dậy sức mạnh đoàn kết của 12 dân tộc anh em trên địa bàn trong việc xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, người dân trong xã đã hiến hàng ngàn m2 đất và nhiều tài sản trên đất để xã xây dựng nông thôn mới. Ông Dương Văn Phóng (dân tộc Nùng, ở thôn 2) là người hiến nhiều đất nhất để làm đường. Năm 1994, gia đình ông từ tỉnh Cao Bằng chuyển vào xã Lơ Ku. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định với gần 10 ha mía, cà phê, lúa nước và keo lai. Kinh tế gia đình phát triển, thấy bà con trong làng thiếu đất sản xuất, ông đã hiến hơn 1,2 ha đất để xã chia lại cho người dân, đồng thời hiến thêm đất để mở con đường cho người dân ra khu sản xuất.
Bên cạnh đó, Đảng bộ xã Lơ Ku cũng xác định, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh sẽ phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, Đảng bộ xã có 151 đảng viên sinh hoạt tại 17 chi bộ, trong đó có 12 chi bộ thôn, làng. Năm 2016, Đảng bộ xã được công nhận trong sạch vững mạnh.
Vĩnh Hoàng