Bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ-cho hay: Những năm qua, Đảng ủy đã xây dựng nghị quyết chuyên đề và ban hành văn bản chỉ đạo hệ thống chính trị của xã và các thôn, làng vào cuộc bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Mặt trận, các đoàn thể triển khai nhiều mô hình hay, hoạt động thiết thực như: mô hình “Phụ nữ phân loại rác thải”, tuyến đường tự quản, trồng con đường hoa, trồng và chăm sóc cây xanh, thường xuyên phối hợp dọn vệ sinh tại các tuyến đường, khu vực công cộng.
Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong hoạt động bảo vệ môi trường, thường xuyên ra quân dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần hoặc các dịp lễ, Tết. Chị Trần Thị Hoài Thương-Bí thư Đoàn xã-cho hay: Từ năm 2022 đến nay, ngoài tự ươm 300 cây đỗ mai trồng tại làng Ia Nueng, Đoàn xã còn phối hợp với Trường Tiểu học Chu Văn An trồng 1.000 cây muồng vàng tại khuôn viên sân bóng và các tuyến đường của làng Phung; tham gia ngày công cùng với Thành Đoàn Pleiku trồng 1.000 cây đỗ mai tại các khu vực công cộng của xã.
Đoàn viên, thanh niên xã Biển Hồ thường xuyên ra quân dọn vệ sinh khu vực công cộng; trồng, chăm sóc cây xanh để bảo vệ môi trường. Ảnh: Nhật Hào |
Bên cạnh đó, tại 7 thôn, làng của xã cũng đã đồng loạt phát động trồng cây xanh hai bên tuyến đường chính. Cụ thể, thôn Đồng Bằng tiến hành trồng 200 cây xanh trên các tuyến đường: Đặng Thái Thân, Trần Huy Tưởng; làng Phung và Ia Nueng gây giống cây vú sữa địa phương để tiến tới xây dựng “Con đường cây vú sữa” trên đường Ỷ Lan.
Ngoài ra, các thôn, làng của xã cũng tổ chức dọn vệ sinh môi trường định kỳ tại các khu vực công cộng; triển khai một số mô hình, hoạt động để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân như: xây dựng câu lạc bộ phân loại rác thải tại gia đình; nói không với rác thải nhựa.
Bà Phạm Thị Thái (thôn 4) chia sẻ: “Mỗi lần thôn tổ chức dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại khu vực công cộng, gia đình tôi đều tham gia rất tích cực. Là thành viên của Câu lạc bộ “Phụ nữ phân loại rác thải nhựa”, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở con cháu thực hiện phân loại rác thải để hạn chế rác thải ra môi trường, nhất là rác thải nhựa”.
Xác định tầm quan trọng của danh thắng Biển Hồ trong phát triển du lịch cũng như cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho thành phố, xã đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Hàng năm, xã tổ chức cho 34 hộ dân canh tác nông nghiệp gần khu vực hành lang lâm viên Biển Hồ ký cam kết không đổ hoặc chôn lấp các loại chất thải gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường khu vực công cộng và lâm viên; cấm các hành vi vi phạm môi trường, đánh bắt, khai thác trái phép thủy sinh trong lòng hồ; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón quanh khu vực lâm viên.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực, vấn đề vệ sinh môi trường khu vực lâm viên Biển Hồ được cải thiện đáng kể. Ảnh: Nhật Hào |
Đặc biệt, năm 2019, xã thành lập Ban Bảo vệ hồ A (thuộc Biển Hồ) gồm 4 thành viên để quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước; chủ động kiểm tra, phát hiện các vấn đề gây ảnh hưởng tới môi trường, nguồn nước, thực hiện cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra như cháy rừng, đuối nước.
Ông Đỗ Văn Thạch-Trưởng ban Bảo vệ hồ A-cho hay: “Chúng tôi đã phát hiện, cứu hộ nhiều trường hợp đuối nước; phát hiện nhắc nhở nhiều trường hợp đổ rác thải xuống khu vực hành lang lâm viên Biển Hồ. Hiện nay, tình trạng đổ rác thải giảm hẳn, người dân và du khách tới tham quan cũng có ý thức gìn giữ vệ sinh nên cảnh quan môi trường được cải thiện đáng kể”.
Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thành phố đã thông qua Đề án xây dựng làng du lịch cộng đồng Ia Nueng (đối diện với danh thắng Biển Hồ). Đây là một trong những thuận lợi để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và du khách. Bên cạnh đó, xã cũng đã đề nghị UBND thành phố và Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai bố trí các thùng rác 2 ngăn tại một số tuyến đường chính.