Từ việc thí điểm
Năm 2018, chợ Phù Đổng là chợ đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm bảo đảm ATTP. Hiện chợ có khoảng 300 hộ kinh doanh, trong đó có 149 hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín.
Ông Nguyễn Văn Linh-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng-cho biết: “Nhờ việc tổ chức quản lý, sắp xếp theo từng ngành hàng nên chợ hoạt động quy củ. Khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, hàng thực phẩm khô, hàng chế biến sẵn, khu vực giết mổ được bố trí tách biệt, nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền để các hộ kinh doanh thực hiện tốt nội quy, chỉ bán những mặt hàng ghi trong giấy phép đăng ký, không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng chưa qua kiểm định, kiểm dịch. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và ATTP trong phạm vi chợ. Sau 5 năm thực hiện mô hình, chợ Phù Đổng hoạt động tương đối hiệu quả”.
Chợ Thắng Lợi được triển khai xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP từ năm 2019. Ảnh: V.T |
Bà Lê Thị Phương-Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi-cho hay: “Năm 2019, chợ Thắng Lợi được triển khai xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP. Lúc đầu, chợ hoạt động khá hiệu quả, số hộ kinh doanh thực phẩm lấp đầy các quầy sạp. Nhưng hiện nay, do chợ đã xuống cấp, một số hộ kinh doanh lại thuê khu vực nhà dân tại cổng bên hông để buôn bán, cộng thêm tình trạng người dân bán hàng rong ngoài cổng chợ dẫn đến hoạt động mua bán trong chợ khá ế ẩm”.
Theo bà Trần Thị Ngọc Lan-hộ kinh doanh thịt tại chợ Thắng Lợi: “Chúng tôi tuân thủ đúng quy định về vệ sinh ATTP bằng cách nhập hàng từ các lò mổ uy tín. Công tác vệ sinh, thu gom chất thải thường xuyên thực hiện ở mỗi quầy sạp. Trên mỗi quầy sạp có gắn biển ghi tên mặt hàng kinh doanh, hộ kinh doanh và phải trang bị dụng cụ bảo đảm an toàn”.
Chuẩn hóa mô hình chợ an toàn thực phẩm
Bà Phan Thị Thu Trang-Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 19 chợ. Với khoảng 2.438 hộ kinh doanh, tỷ lệ sử dụng lô, sạp, ki ốt tại các chợ đạt khoảng 73,45%. Hàng hóa trong chợ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Về cơ bản, hoạt động tại các chợ đã đi vào nền nếp, ổn định.
Tuy nhiên, công tác phòng-chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, ATTP trong một số chợ còn hạn chế. Ngoài các chợ được xây dựng kiên cố và được phân hạng, trên địa bàn một số xã, phường vẫn còn tình trạng chợ tạm, chợ tự phát gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và hoạt động mua bán các hộ kinh doanh trong chợ.
Các hộ kinh doanh ở chợ Phù Đổng đã lựa chọn và liên kết với các cơ sở sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP. Ảnh: Vũ Thảo |
Mặc dù thời điểm này, tình hình mua bán ở các chợ truyền thống có phần trầm lắng, song chợ vẫn là đầu mối chính cung cấp khoảng 70% lương thực, thực phẩm tươi sống trong tiêu dùng hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, xây dựng và nhân rộng chợ ATTP là vô cùng cần thiết, không chỉ thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn mà còn tạo lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các chợ.
Trao đổi với P.V, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: 2 chợ thí điểm bảo đảm ATTP đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn chung tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, những quy định về vệ sinh ATTP đối với hàng hóa bán tại chợ cơ bản được các hộ kinh doanh thực hiện tốt.
Việc triển khai chợ bảo đảm ATTP theo lộ trình kế hoạch từng năm là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ, qua đó từng bước phát triển hạ tầng thương mại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hàng hóa có truy xuất nguồn gốc, từ đó đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.