Phát triển du lịch xanh gắn với khai thác giá trị văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Với lợi thế có nhiều thắng cảnh đẹp, khí hậu ôn hoà và có sự đa dạng, độc đáo về bản sắc văn hóa, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều giải pháp nhằm hướng đến phát triển du lịch xanh gắn với khai thác các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku cho biết, TP. Pleiku là trung tâm kinh tế-chính trị-xã hội của tỉnh; đồng thời, nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Quảng trường Đại Đoàn kết, Biển Hồ, chùa Minh Thành, núi lửa Hàm Rồng… Bên cạnh đó, Pleiku còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Jrai, Bahnar như: Không gian văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà rông, nhà sàn, tượng nhà mồ, các nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm... Với những lợi thế này, Pleiku xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, hướng tới phát triển kinh tế xanh gắn với khai thác các giá trị bản sắc văn hoá của dân tộc.

TP. Pleiku đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: Bá Bính

TP. Pleiku đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: Bá Bính

Cũng theo ông Hà, những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Hàng năm, thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, chỉnh trang hệ thống hạ tầng đô thị ngày một khang trang và hiện đại; ưu tiên đầu tư nâng cấp và sửa chữa các đầu mối giao thông như: bến xe khách Đức Long, Cảng hàng không Pleiku, quốc lộ 14, 19; nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông kết nối Pleiku đi các huyện trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương và đi lại của người dân, kết nối các khu du lịch, các điểm du lịch với nhau. Bên cạnh đó, thành phố nâng cấp, chỉnh trang các điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí, các cơ sở vật chất phục vụ cho dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của du khách.

“Thành phố đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và của tỉnh để xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, Cảng hàng không Pleiku. Từ năm 2017 đến nay, thành phố cũng đã đầu tư và khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục phục vụ du lịch tại các di tích như thắng cảnh Biển Hồ, Nhà lao Pleiku, Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú, Làng văn hóa du lịch Plei Ơp-phường Hoa Lư và một số công trình với tổng vốn đầu tư trên 54 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho du khách có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn khi đến với Pleiku ”-ông Hà khẳng định.

Du khách ấn tượng với các hoạt động văn hoá được thành phố tổ chức. Ảnh: Bá Bính
Du khách ấn tượng với các hoạt động văn hoá được thành phố tổ chức. Ảnh: Bá Bính

Bên cạnh đầu tư về hạ tầng, kỹ thuật, TP. Pleiku cũng hướng đến xây dựng các làng du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy di sản với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch. Theo đó, thành phố đã xây dựng 1 khu vườn tượng gỗ gồm 54 tượng phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số TP. Pleiku; sửa chữa nhà rông, giọt nước làng Ơp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ); mở các lớp học nghề truyền thống như tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ dân tộc, truyền dạy cồng chiêng; thành lập các đội cồng chiêng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Trên cơ sở đó, thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch Gia Lai xây dựng những tour du lịch cộng đồng để đưa du khách trải nghiệm cuộc sống văn hóa, phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bà R'cơm H'Myữ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Biển Hồ-chia sẻ: Trên địa bàn xã có làng Ia Nueng được thành phố đầu tư xây dựng làng du lịch cộng đồng. Những năm qua, thành phố đã đầu tư kinh phí để làng tổ chức cải thiện cảnh quan môi trường; mở lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch cộng đồng đối với bà con trong làng để bà con phục vụ cho tốt cho khách du lịch; đầu tư bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống nhằm tạo ra những sản phẩm dệt như quần áo, túi xách cung cấp cho các khách du lịch khi họ có nhu cầu. Bước đầu, người dân trong làng cũng đã có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa sạch đẹp, tích cực hơn trong việc duy trì nghề dệt, tập luyện đánh cồng chiêng để biểu diễn khi du khách có nhu cầu.

Trình diễn cồng chiêng đường phố luôn là điểm nhấn trong Ngày hội Văn hóa-Du lịch hàng năm của thành phố. Ảnh: Bá Bính

Trình diễn cồng chiêng đường phố luôn là điểm nhấn trong Ngày hội Văn hóa-Du lịch hàng năm của thành phố. Ảnh: Bá Bính

Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, trong đó, tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư các khu mua sắm, ẩm thực, giải trí; xây dựng cơ sở dịch vụ phục vụ cho các hoạt động lưu trú, tham quan của du khách; tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn nhằm quảng bá hình ảnh, con người Pleiku đến với du khách trong và ngoài nước như: Tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt cồng chiêng, múa xoang định kỳ, các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; phối hợp tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh, các chuỗi hoạt động văn hóa, lễ hội nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu về Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung.

Anh Nguyễn Tấn Thương-du khách đến từ Nha Trang chia sẻ.“Mình biết đến Pleiku thông qua giới thiệu của bạn bè. Khi đến đây, ấn tượng đầu tiên của mình là khí hậu rất mát mẻ. Đặc biệt hơn khi vào tham quan tại các làng đồng bào, được tận mắt chứng kiến nhà rông, tượng gỗ, được xem cồng chiêng mình thấy rất ấn tượng. Hơn nữa, mình cũng rất thích những món ăn truyền thống nơi đây. Chắc chắn là với những trải nghiệm như thế này thì mình sẽ trở lại mảnh đất Pleiku thêm nhiều lần nữa.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Thời gian qua, lượng khách đổ về thành phố tham quan ngày càng nhiều. Để đưa ngành du lịch phát triển, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, của địa phương để xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch; thực hiện xã hội hóa để thu hút đầu tư, phát huy nội lực của Nhân dân, các thành phần kinh tế đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ-du lịch nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương tại chỗ; thu hút một số doanh nghiệp lớn từ các trung tâm kinh tế lớn và các tỉnh lân cận để đầu tư, bảo đảm vừa phát triển dịch vụ-du lịch trên địa bàn, vừa tạo điều kiện quảng bá trực tiếp hàng hóa của thành phố với các địa phương khác trong tỉnh và trong cả nước. Dựa theo điều kiện thực tế của thành phố để tạo ra các tour du lịch liên hoàn, đồng bộ có chất lượng; nâng cao chất lượng phục vụ và cơ sở vật chất các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú đảm bảo văn minh, lịch sự, an toàn.

Làng Ia Nueng nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Bá Bính

Làng Ia Nueng nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Bá Bính

“Hiện nay, TP. Pleiku đang hướng đến mục tiêu “cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Do đó, bên cạnh đầu tư về hạ tầng, cải tạo cảnh quan thì với khí hậu mát mẻ, thành phố sẽ chú trọng kêu gọi đầu tư về những điểm du lịch nghỉ dưỡng, những cơ sở chăm sóc sức khỏe cao cấp và đầu tư cho cảnh quan không gian hướng đến một đô thị thông minh xanh, sạch, đẹp. Qua đó, thu hút khách du lịch tới tham quan, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân”-Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Một lần đến thác 50

Một lần đến thác 50

(GLO)- Đã từng có dịp đến tham quan nhiều ngọn thác trong và ngoài nước nhưng chưa ngọn thác nào để lại cho tôi cảm giác vừa hồi hộp lo lắng lại vừa phấn khích như thác 50 (Hang Én) trong chuyến đi vào trung tuần tháng 4 năm nay.
Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.