Không hẹn trước song thật may mắn, chúng tôi đã gặp được cả 2 già làng tại khu trưng bày “Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai” trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Nói về việc Ia Nueng có 2 già làng, ông R'Cơm Hmyơk cười lớn và tự nhận: “Mình chỉ là phó già làng thôi, là người phụ việc cho già Hmrik”. Nói rồi, ông Hmyơk giải thích thêm: “Từ năm 2019 trở về trước, ông Hmrik là già làng Brel, có “thâm niên” hơn 20 năm; còn mình là già làng Sơr, cũng trên dưới 10 năm. Sau đó, 2 làng được sáp nhập thành làng Ia Nueng như hiện nay. Khi sáp nhập (năm 2019), ông Hmrik tiếp tục làm già làng, còn mình là chi hội trưởng cựu chiến binh. Mỗi khi ông Hmrik bận việc hoặc đau ốm thì mình làm thay. Được bà con tin tưởng nên mình phải làm hết trách nhiệm, làm những gì tốt nhất cho dân làng”.
Ông Hmrik (bên phải) và ông Hmyơk tại khu trưng bày “Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai”. Ảnh: P.D |
Làng Ia Nueng tự hào gắn liền với truyền thuyết về thắng cảnh Biển Hồ. Làng có 216 hộ với trên 1.000 khẩu, đều là người Jrai. Cuối năm 2019, làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, làng chỉ còn 1 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Ông Hmrik cho biết: “Đối với gia đình bà Bim-hộ nghèo trong làng, tháng 9-2023, Tỉnh Đoàn-Hội đồng Đội tỉnh phối hợp cùng BIDV Gia Lai hỗ trợ xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ”. Làng cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gia đình chăm sóc lúa, cà phê từng bước vươn lên trong cuộc sống. Từ nay đến cuối năm 2023, làng phấn đấu giúp gia đình bà Bim thoát nghèo”.
Theo ông Hmrik, hầu hết việc chung trong làng, ông và ông Hmyơk đều trao đổi, bàn bạc và hỗ trợ lẫn nhau. Do thường xuyên tham gia các cuộc họp và được cập nhật, quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên nên ông Hmrik đảm nhận vai trò tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo, kích động; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy các hoạt động: tạc tượng, dệt, đan lát, cồng chiêng, múa xoang...
Trong khi đó, với khả năng đánh cồng chiêng, đan lát và tạc tượng giỏi, ông Hmyơk đảm nhận vai trò hướng dẫn, truyền dạy thế hệ trẻ trong làng gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp. Ông Hmyơk chia sẻ: “Trong Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” vừa diễn ra, mình được mời tham gia biểu diễn tạc tượng. Đây là chương trình ý nghĩa, tôn vinh các giá trị di sản, giúp thế hệ con cháu thấy được vốn quý từ đó nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Rồi ông Hmyơk cho biết thêm, làng hiện có 2 nghệ nhân tạc tượng, 2 đội cồng chiêng, múa xoang. Theo ông Hmyơk, hầu hết đàn ông khoảng 40 tuổi trở lên thì cần biết đan lát, phụ nữ thì biết dệt vải. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ thì ít chú trọng, đam mê. Vì vậy, ông muốn truyền dạy để các giá trị truyền thống không bị mai một, sau này con cháu có thể tự hào giới thiệu với bạn bè, du khách, nhất là khi Ia Nueng được UBND TP. Pleiku chọn để thực hiện Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Già Hmrik và già Hmyơk thường xuyên trao đổi, thống nhất và hỗ trợ nhau trong các công việc của làng. Ảnh: P.D |
Bà R'Cơm H'Myữ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Biển Hồ:Ông Hmrik và ông Hmyơk đều được bà con tin tưởng, quý mến. Hai ông là những người biết lo nghĩ cho dân làng, thực sự là cầu nối vững chắc giữa bà con với cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở địa phương.
Với các vụ việc xích mích, mất đoàn kết nội bộ, 2 ông phối hợp cùng nhau giải quyết. “Dân mình ở đâu thì trách nhiệm già làng phải theo đến đó. Dân làng đi “bắt vợ”, “bắt chồng” hay làm ăn, sinh sống ở nơi khác nếu chẳng may xảy ra mâu thuẫn, người nhà đến nhờ mình phải đi theo để bảo vệ, giáo dục, hòa giải. Bà con đã tin tưởng thì mình phải làm cho tốt, ngoài hương ước của làng còn phải nghiên cứu nắm bắt quy định của pháp luật đối với từng vụ việc để vận dụng xử lý phù hợp. Ngày nay, nhận thức của người dân được nâng cao nên các vụ mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng đã giảm nhiều”-ông Hmyơk chia sẻ.
Nói thêm về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng, ông Hmrik cho hay: “Trong làng còn gần 10 cây đa cổ thụ và nhiều giọt nước vẫn đang được người dân sử dụng. Quanh làng có nhiều cây xanh, cây ăn quả, là điểm cộng níu chân du khách khi ghé thăm làng. Một điều đáng mừng nữa là dân làng luôn nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, chôn lấp, xử lý rác theo quy định. Các khu vực như: giọt nước, gốc đa, nhà sinh hoạt... bà con cộng đồng trách nhiệm chăm lo, sửa sang chu đáo”.
Song, để tiếp tục triển khai thực hiện đề án, cả 2 già làng đều cho rằng, bản thân mỗi người phải nỗ lực hơn nữa cùng với Ban Nhân dân thôn và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng, giữ gìn cảnh quan môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vui vẻ, thân thiện với du khách... Tự hào khi nói về 2 già làng, bà Amyi bộc bạch: “Hai già làng đều nhiệt tình, uy tín, là chỗ dựa của bà con. Ai cũng nói hay, làm đúng, cũng đều muốn điều tốt cho dân làng nên bà con mình đều nghe, đều tin và cố gắng thực hiện”.