Chung tay vì Pleiku xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quá trình đô thị hóa không ngừng cùng sự gia tăng dân số ở khu vực nội thành, sự thiếu hụt về phương tiện, nhân công… đã tạo ra nhiều thách thức, ảnh hưởng đến công tác thu gom, xử lý rác thải cho TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai). Vì vậy, bên cạnh nỗ lực từ nhiều phía thì ý thức và hành động dù là nhỏ nhất của người dân thông qua các câu lạc bộ, phong trào, hoạt động của Hội, đoàn thể là yếu tố quyết định hiệu quả, thành công của công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng Pleiku là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Là lực lượng xung kích, nhiệt huyết, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn TP. Pleiku đã ra quân đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả các phong trào xây dựng “Trường học xanh-sạch-đẹp”, “Phòng-chống rác thải nhựa”, “Ngày hội giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Ngày Chủ nhật xanh”… góp phần thay đổi nhận thức trong cán bộ, đoàn viên và Nhân dân về bảo vệ môi trường. Từ năm 2020-2023, Thành Đoàn Pleiku đã tổ chức gần 12.000 lượt ra quân vệ sinh môi trường, thu gom hơn 23.000 tấn rác các loại thải; tặng 713 thùng rác phân loại rác tại nguồn và 380 giỏ đi chợ cho người dân. Hiện, Thành Đoàn tiếp tục khuyến khích các tổ chức cơ sở Đoàn xây dựng mô hình làm việc, phát triển kinh tế thân thiện với môi trường; hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt; chú trọng triển khai các hội thi, hoạt động đa dạng, linh hoạt phù hợp với thị hiếu người trẻ, tránh tình trạng rập khuôn và hình thức hóa.

Lực lượng đoàn thanh niên tham gia hưởng ứng bảo vệ môi trường. Ảnh: Khánh Phượng

Lực lượng đoàn thanh niên tham gia hưởng ứng bảo vệ môi trường. Ảnh: Khánh Phượng

Anh Trương Hữu Tín (phường Trà Bá) cho hay: “Việc ra quân thực hiện vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, gỡ bỏ quảng cáo rao vặt không đúng quy định được Đoàn phường tổ chức thường xuyên, liên tục, thu hút đoàn viên thanh niên nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Động lực quan trọng nhất để mỗi đoàn viên thanh niên chúng tôi tiếp tục phát huy sức trẻ để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường chính là các hoạt động được tổ chức đều nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của đông đảo người dân cùng tham gia”.

Không chỉ lực lượng thanh niên, phụ nữ cũng phát huy vai trò trong công tác môi trường. Nhiều hoạt động, cách làm hay từ phong trào, câu lạc bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn đã trở thành điểm sáng, lan tỏa ý thức, trách nhiệm của trước hết là cán bộ hội viên, sau đó là của mỗi thành viên trong gia đình, dần dần lan rộng ra toàn thể xã hội về bảo vệ môi trường trước những hiểm họa tiềm ẩn của biến đổi khí hậu như: mô hình “Hạn chế rác thải nhựa”, “Phụ nữ bảo vệ môi trường”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”… Điểm chung của các mô hình là đều hướng tới giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên trong sản xuất, đời sống, đặc biệt là hoạt động thu gom đồ dùng nhựa đã qua sử dụng để bán ve chai, gây quỹ hỗ trợ cho các hội viên làm kinh tế; hạn chế sử dụng túi nilon bằng việc mang theo giỏ đan lát khi đi chợ; trồng hoa, trồng cây xanh trên các tuyến đường, phát quang, thu gom, xử lý rác thải, giữ vệ sinh nơi công cộng.

Bà Nguyễn Thị Mùi-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 4 (xã Biển Hồ) thông tin: “Chi hội đã thực hiện việc nói không với túi nilon và phân loại rác thải nhựa để giữ gìn vệ sinh môi trường, Thôn 4 có hơn 500 hộ, địa bàn rất rộng nên công tác tuyên truyền còn nhiều vất vả. Dù vậy, chúng tôi đã trực tiếp đi phát tờ rơi đến từng hộ gia đình. Vào chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng, chúng tôi đều ra quân xử lý những điểm đen không đảm bảo vệ sinh để thu gom, phát quang, kết hợp vận động bà con sử dụng 3 thùng rác/hộ để phân loại. Rác tái chế thì các tổ sẽ góp vào để gây quỹ dành cho các hoạt động của Câu lạc bộ”.

TP. Pleiku nâng cấp, lắp đặt hệ thống thùng rác thông minh dọc các tuyến đường trung tâm. Ảnh: Khánh Phượng

TP. Pleiku nâng cấp, lắp đặt hệ thống thùng rác thông minh dọc các tuyến đường trung tâm. Ảnh: Khánh Phượng

Tốc độ phát triển nhanh đã đặt ra nhiều thách thức về môi trường cho TP. Pleiku. Mỗi ngày, thành phố phát sinh khoảng 150 tấn rác thải. Công tác thu gom rác đang được thực hiện tại 209 tuyến đường chính có tên, 730 tuyến đường hẻm và 43 điểm rác công cộng với tỷ lệ thu gom ở khu vực nội thị đạt 97%, ngoại thị đạt 76%. Thành phố cũng đã triển khai thí điểm lắp đặt hơn 400 thùng rác công cộng phân loại tại nguồn trên các tuyến đường trung tâm. Tuy nhiên, mọi hoạt động về bảo vệ môi trường, nhất là việc hạn chế rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn có thực sự hiệu quả hay không đều phụ thuộc vào yếu tố quan trọng nhất chính là ý thức, trách nhiệm của người dân. Theo đó, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao vai trò của người dân trong trực tiếp tham gia giám sát và thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể như: nói không với xả rác bừa bãi ra môi trường xung quanh; trồng cây xanh; sử dụng các sản phẩm thân thiện, có thể tái tạo; tận dụng nguồn nhiên liệu tự nhiên như gió, mặt trời trong sinh hoạt, sản xuất; xây dựng các mô hình tự quản về môi trường trong cộng đồng... Đồng thời, nhiều người dân đã tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường, chủ động đóng góp kinh phí để đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu dân cư; phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà, xử lý bằng hình thức chôn lấp, đốt hợp vệ sinh. Qua đó, không chỉ giúp thành phố giải quyết vấn đề về rác thải dân sinh mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan, phát triển bền vững theo hướng thân thiện với môi trường.

Công tác chỉnh trang đô thị luôn được TP. Pleiku quan tâm thực hiện thường xuyên. Ảnh: Khánh Phượng

Công tác chỉnh trang đô thị luôn được TP. Pleiku quan tâm thực hiện thường xuyên. Ảnh: Khánh Phượng

Theo Chủ tịch UBND thành phố Pleiku Đỗ Việt Hưng: “Thời gian tới, để xây dựng Pleiku là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng đến công tác quy hoạch, bảo tồn và phát triển các thảm thực vật, các rừng cây xanh đã có trên địa bàn; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lịch vực dịch vụ và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là công tác chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội cùng vào cuộc trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp để nâng cao ý thức, vai trò của chính người dân trong mọi hoạt động bảo vệ môi trường sống ở khu dân cư. Đồng thời, sẽ thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các phong trào, câu lạc bộ bảo vệ môi trường hoạt động hiệu quả”.

Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường song song với việc tuyên truyền, vận động, tận dụng từ hành động cụ thể, thiết thực trong mỗi người dân để triển khai nhiều giải pháp kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm chính là mục tiêu mà Pleiku đang hướng đến để xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp và thân thiện, một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.