Để Pleiku thêm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, chính quyền tỉnh cũng như TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) nỗ lực để xây dựng Pleiku trở thành “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” với những mục tiêu như: quy hoạch phát triển không gian TP. Pleiku và vùng phụ cận đặt trong mối quan hệ không gian vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên, Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng của hệ thống giao thông đường bộ cấp quốc gia, kết nối đồng bộ với Cảng Quy Nhơn (Bình Định), Cảng Hàng không Pleiku và kết nối Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Bờ Y (Kon Tum); kết nối không gian Khu du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ-Chư Đang Ya và TP. Pleiku. Trong đó, xác định quan trọng nhất là xây dựng TP. Pleiku với thương hiệu “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển kinh tế-xã hội, môi trường bền vững.

Để đạt được mục tiêu đó, thành phố đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Báo Gia Lai triển khai cuộc thi viết với chủ đề “Pleiku-Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ban tổ chức cuộc thi mong muốn được các cây bút chuyên và không chuyên, các chuyên gia, người dân trong và ngoài nước có những đóng góp tích cực, những góc nhìn mới, những kiến nghị hay để cùng với chính quyền xây dựng thành phố ngày càng phát triển, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền, của các nhà lãnh đạo, chuyên gia quy hoạch thì rất cần sự chung tay của cộng đồng người dân Phố núi. Bởi lẽ, muốn xây dựng một thành phố xanh trước hết thành phố phải sạch. Và muốn thành phố sạch thì trước hết phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân.

Hồ Diên Hồng được ví như "lá phổi xanh" của TP. Pleiku. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hồ Diên Hồng được ví như "lá phổi xanh" của TP. Pleiku. Ảnh: PHẠM QUÝ

Qua phản ánh của bạn đọc, Báo Gia Lai đã có rất nhiều tin bài phản ánh về việc người dân xả rác vô tội vạ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị trên một số tuyến đường nội và ngoại thành; bao bì ni lông vương vãi khắp nơi; một số tuyến đường sau thi công các công trình như điện, nước, cống rãnh… không hoàn trả mặt bằng. Cá biệt vẫn còn một số người dân không muốn có cây xanh trước nhà với lý do lá rụng, vướng mặt bằng kinh doanh… dẫn đến tìm cách làm chết cây.

Đồng chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Hùng Linh-Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Gia Lai-tâm tư: Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng thực trạng chúng ta thấy nhiều nơi trên vỉa hè đường phố vẫn đầy rác, đặc biệt là khu vực bờ kè suối Hội Phú và Trung tâm Thương mại Pleiku... Thực trạng này nói lên ý thức giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn kém. Bên cạnh đó, thành phố đã trồng bổ sung rất nhiều cây xanh trên các tuyến đường nhưng thực tế một số cây khi được trồng thì bị người dân nhổ hoặc bỏ muối, đổ axit cho cây chết. Có lẽ họ nghĩ cây lớn sẽ che một phần mặt tiền nhà làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.

Sự tích cực của chính quyền sở tại là khi nhận được phản ánh của người dân qua các kênh khác nhau đều nhanh chóng vào cuộc kiểm tra và dọn dẹp rác thải, trồng mới cây xanh… nhằm đem đến không gian sạch hơn, xanh hơn cho thành phố. Thành phố cũng đã làm hàng trăm thùng rác rất đẹp, rất khoa học đặt ở một số tuyến đường chính để người dân và du khách có chỗ bỏ rác thải sau khi sử dụng… Nhưng đâu đó, thay vì bỏ rác đúng nơi thì nhiều người lại tiện đâu vứt đó!

Theo kiến trúc sư Nguyễn Hùng Linh: Để có một đô thị đẹp thì ngoài cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như giao thông thuận lợi, cấp thoát nước đầy đủ, cây xanh vỉa hè thông thoáng... thì việc giữ gìn cảnh quan đô thị là việc hết sức quan trọng. Để làm được việc đó thì ý thức của người dân là điều tiên quyết, góp phần cho một đô thị văn minh, sạch đẹp.

Không chỉ một cá nhân hay một tập thể là có thể xây dựng Pleiku thành “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” mà cả cộng đồng người dân đang sinh sống và làm việc tại Phố núi phải cùng chung tay. Từ đó mới xây dựng được một thành phố xanh, sạch bền vững và sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.