Dự án trong mơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con người là động lực của sự phát triển. Mà vốn quý nhất của con người là sức khỏe. Vì vậy, khi một thành phố phát đi thông điệp “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” tức là đã thật sự hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đó là tín hiệu rất đáng mừng.

Nhưng trên thực tế, cũng như những vùng đất khác, Gia Lai nói chung và Pleiku nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự suy giảm về chất lượng môi trường và ô nhiễm thực phẩm. Trong khi, chuyện hít thở, ăn uống tưởng chừng đơn giản nhưng lại quyết định đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư. Làm sao để cao nguyên trở thành “môi sinh mạch sống cho đời”, đó là một bài toán mà hành trình đi tìm lời giải không của riêng ai.

“Đất vắng cây, đất ngừng hơi thở”

Nhắc đến thiên nhiên là nhắc đến “chuyện trăm năm ân tình cây và đất”. Cao nguyên muốn xanh phải dựa vào khí trời. Mà khí trời muốn trong lành thì cậy nhờ cây lá. Về tổng quan, Gia Lai có nguồn tài nguyên đất, nước, rừng phong phú. Đi kèm với đó là thảm thực vật và động vật rừng tương đối đa dạng. Nhưng giữ được “vốn liếng” ấy thì đòi hỏi phải có sự quyết tâm. Chúng ta sống giữa tự nhiên và luôn chủ quan rằng đã hiểu tự nhiên bằng trí tuệ của mình. Kỳ thực, so với hình dung của con người, thế giới ấy bí ẩn hơn nhiều. Hiện nay, một số tỉnh, thành trên cả nước vì lợi ích kinh tế đã “nhắm mắt” đốn cây rừng tự nhiên rồi trồng thay thế loại cây khác, dẫn đến việc đất rừng không những không giữ được mà còn cằn cỗi, xói mòn thêm. Sai một li là đi một dặm, hệ lụy từ việc mất rừng, người người, nhà nhà đều thấy rõ. Đô thị Pleiku nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, chắc chắn không thể tránh khỏi hệ lụy ấy, nếu có.

Rừng luôn được cho là một trong những hệ sinh thái ổn định nhất trên trái đất. Nguồn ảnh: Green Beli Farm cung cấp

Rừng luôn được cho là một trong những hệ sinh thái ổn định nhất trên trái đất. Nguồn ảnh: Green Beli Farm cung cấp

Vậy, giữ rừng là giữ đất quê hương. Đất vững thì cây rừng sẽ lên xanh. Khi ấy, con người dù sống giữa phố xá đông đúc vẫn cảm thấy dễ thở. Nhắc về “tình cây và đất”, hẳn nhiều người cho rằng đó là chuyện cũ càng. Nhưng, chúng ta quên rằng điều đã biết và điều làm được là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Có phải ngược đời quá không khi ta mải mê chạy theo tiện nghi vật chất, chủ động tách mình khỏi thiên nhiên rồi lại lúng túng đi tìm giải pháp làm sao để sống hài hòa với thiên nhiên. Kiến trúc sư người Nhật Bản Tadao Ando từng nói: “Tôi tin rằng kiến trúc không nên nói quá nhiều, nên giữ im lặng và để cho thiên nhiên trong vỏ bọc của ánh sáng mặt trời và gió lên tiếng”.

Thực phẩm là dược phẩm?

Người xưa đã cảnh báo: “bệnh tùng khẩu nhập”, tức là bệnh tật hầu hết do những gì chúng ta ăn vào. Ngay cả khi con người hướng đến bữa ăn thuần chay thì cũng nơm nớp lo sợ vì rau, củ, quả trong bối cảnh hiện nay chưa chắc đã an toàn. Không thể phủ nhận, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều hộ làm vườn chủ ý “trồng để bán, không phải để ăn” nên mặc sức dùng hóa chất. Gần đây, các khái niệm “nông nghiệp tự nhiên”, “nông nghiệp hữu cơ”, “nông nghiệp sạch” bỗng trở thành niềm cảm hứng của những nhà nông có tư duy tích cực. Tuy nhiên, con đường này vẫn vấp phải khá nhiều rào cản.

Người làm nông đã bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi thói quen trong trồng trọt: không cày xới, không làm cỏ hoặc dùng thuốc diệt cỏ, không dùng phân bón hóa học để thiết lập lại trạng thái cân bằng của đất đai và hạn chế phụ thuộc vào máy móc, kỹ thuật canh tác. Như cách mà Fukuoka đã chia sẻ trong cuốn “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” rằng, mục đích là trồng được các loại cây cứng cáp trong môi trường lành mạnh. Có vẻ, chuyện làm nông theo hướng “không làm gì cả” trước mắt vẫn nan giải vô cùng. Cây trồng bị sâu bệnh tấn công, dần tàn lụi hoặc cho ra sản phẩm không đẹp mắt, ảnh hưởng đến nguồn thu. Trong khi người tiêu dùng, theo thói quen, vẫn thích chọn mặt hàng rau củ xanh tốt, bóng bẩy hơn.

Anh Thắng dành 1 ha đất đẹp và bằng phẳng nhất của nông trại để trồng thông. Nguồn ảnh: Green Beli Farm cung cấp

Anh Thắng dành 1 ha đất đẹp và bằng phẳng nhất của nông trại để trồng thông. Nguồn ảnh: Green Beli Farm cung cấp

Làm nông tự nhiên không phải con đường êm ái. Hơn nữa, chừng nào nhận thức của người tiêu dùng chưa được thay đổi theo hướng tích cực thì mọi nỗ lực khác đều trở nên vô nghĩa. Chúng ta tiếp nhận nguồn thực phẩm ô nhiễm rồi tìm mua thuốc men để chữa bệnh chẳng khác nào xả rác bừa bãi rồi cặm cụi đi dọn. Tất cả như một vòng luẩn quẩn. Vậy, cái gốc của vấn đề là làm sao để cư dân thành phố được sống một cuộc sống trọn vẹn và “tươm tất” ngay trên vùng đất của mình, từ việc đầu tiên là được tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn.

Không có bất kỳ sự tồn tại và phát triển nào là riêng lẻ. Nghĩa là, sẽ không thể có một đô thị Pleiku “xanh” nếu như vùng phụ cận là một dải đất “trắng”. Hơn nữa, trong xu thế hiện nay, liên kết vùng, nội vùng có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương. Thành phố Pleiku nằm ở trung tâm tỉnh Gia Lai, giáp với các huyện Đak Đoa ở phía Đông, Ia Grai ở phía Tây và Chư Prông ở phía Nam. Để bổ trợ cho hành trình phát triển Pleiku thành “cao nguyên xanh vì sức khỏe”, rất cần định hướng xây dựng các vùng phụ cận này thành những “vệ tinh xanh”. Rõ ràng, nội thành Pleiku đã có nhiều mảng xanh ở các mô hình làm nông nghiệp tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ; đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng hệ sinh thái ngay trong một số khu lưu trú trung tâm nhưng nếu chỉ một mực trông chờ vào những nỗ lực tự thân ấy mà quên đi sự kết nối thống nhất với vùng giáp ranh thì sẽ thật đáng tiếc.

Dự án trong mơ

“Muốn nghe tiếng chim hót mỗi sáng thì nên trồng một vườn cây thay vì mua chiếc lồng nhốt những chú chim”. Slogan này giống hệt với con đường mà Trương Đức Thắng-chủ trang trại Green Beli tại Gia Lai-đã chọn. Hoạt động trong lĩnh vực tài chính và từng thành công với dự án công nghệ về môi trường khi đang làm việc tại Đà Nẵng, chàng thanh niên 35 tuổi quyết định trở về Tây Nguyên lập nghiệp khi đã hiểu rõ giá trị của bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Dự án nông nghiệp theo mô hình vườn rừng được anh ấp ủ từ lâu nhưng mãi đến đầu năm 2022 mới thành hiện thực khi tìm mua được 4 ha đất đồi tự nhiên ở xã Hải Yang (huyện Đak Đoa), cách TP. Pleiku chưa đầy 50 km. Sự hợp tác với kỹ sư nông nghiệp Trần Thái Bình, đồng sáng lập dự án, cũng một người trẻ khá nổi bật ở Gia Lai, càng tiếp cho anh niềm cảm hứng. Đây được coi là cuộc gặp gỡ giữa những người có chung chí hướng làm nông nghiệp bền vững tại quê hương.

Cho đến khi thức dậy trên một ngọn đồi, ngắm những cây thông non đẫm sương đang vươn mình đón mặt trời, phía bên kia đồi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, các bạn trẻ ở Green Beli Farm mới hiểu ước mơ của mình không còn viển vông nữa. Đón những vị khách ở Pleiku đến chơi, anh Thắng chia sẻ: “Chúng tôi dành 1 ha đất đẹp và bằng phẳng nhất của nông trại để trồng thông trước sự ngạc nhiên của bà con quanh vùng. Gần 1.000 cây thông được trồng trên đất đồi với mục đích đầu tiên là góp phần trả lại màu xanh cho cao nguyên”. Anh quan niệm, khai thác và tận dụng thiên nhiên để phát triển kinh tế không có nghĩa là phải phá bỏ cây rừng. Trồng rừng ngay giữa phố là điều khó khăn. Vì lẽ đó, “phủ xanh” những vùng phụ cận cũng là giải pháp hữu hiệu giúp hấp thu bớt nhiệt phát sinh từ các hoạt động của đô thị Pleiku. Hơn nữa, việc trồng thông còn giúp tạo lớp cây mái che (lớp cây cao) cùng với thảm cây ăn trái, cây bụi, thân thảo… sẽ giúp tạo dựng hệ sinh thái nhỏ nhưng hoàn chỉnh với nhiều tầng tán. Ở đó, hình thành được mối quan hệ nâng đỡ hài hòa, tự nhiên giữa các thành tố. Phải chăng, do thói quen khai khẩn và canh tác quá đà nên con người mới nghĩ rằng cần đầu tư thật nhiều để đảm bảo sự sinh trưởng tốt cho cây trồng? Trong khi việc quan trọng là phải hướng tới đa dạng và cân bằng sinh học.

Green Beli Farm định hướng giữ đất trong từng hành động nhỏ. Trao đổi về chuyên môn, kỹ sư Trần Thái Bình cho biết: “Thay đổi đầu tiên là chúng tôi bỏ việc phun thuốc diệt cỏ, trong khi những nông hộ bên cạnh đều khuyên nên diệt đi để ưu tiên chất dinh dưỡng từ đất cho loại cây trồng chính. Nhưng với địa hình dốc của đồi núi thì rất cần hệ rễ sâu từ các loài thực vật như cỏ tranh để giữ đất khỏi sạt lở và xói mòn về lâu dài. Dẫu biết làm nông thì phải chăm cây nhưng muốn cây khỏe thì trước tiên phải chăm sóc đất. Một khi đất tốt thì mọi vấn đề khác bỗng nhiên được giải quyết. Tất nhiên, cũng phải tùy thuộc vào tình trạng đất và từng giai đoạn của khu vườn mà linh hoạt hình thức canh tác. Nhưng cái chính là chúng tôi muốn thay đổi mình trước rồi mới nghĩ đến việc tác động đến các hộ lân cận sau”.

Được biết, nhiều bạn trẻ hiện nay chọn nông nghiệp vườn rừng không chỉ vì mục tiêu khôi phục lại những cánh rừng đã bị lấn chiếm, cải tạo đất và bảo tồn đa dạng sinh học mà còn vì đây là mô hình mang lại nguồn thực phẩm hữu cơ lành mạnh cho cộng đồng. Vườn rừng sử dụng nguồn đất sạch, nước sạch để canh tác. Chính vì vậy, sự sinh trưởng và phát triển của thực phẩm vườn rừng là thuận theo quy trình, không bị kích thích, thúc ép bởi hóa chất nên giữ được hương vị tự nhiên và nhiều chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người làm vườn có thể thu hoạch quanh năm các loại thực phẩm đa dạng như rau củ quả, trái cây, dược liệu… để bán tươi hoặc cất trữ chế biến.

Qua tìm hiểu, anh Thắng nhận thấy bà con làm nông quanh vùng cũng có vườn cây ăn quả sạch mang giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng nhưng nông sản từ vườn hữu cơ lại được thương lái mua đồng giá với sản phẩm từ vườn cây vốn phụ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân bón nên lâu dần họ chùn bước. Áp lực về kinh tế cũng khiến nhiều nông hộ không đủ trường lực để tiếp tục con đường làm nông nghiệp sạch. Tiếc cho thực trạng ấy, gần đây, không chỉ gầy dựng trang trại của mình, những người trẻ ở Green Beli Farm còn tìm cách giúp các chủ vườn gần bên tiếp cận với người tiêu dùng ở khắp nơi mà không cần qua thương lái để đầu ra của nông sản đạt giá thành cao và ổn định. Khi được hỏi liệu có ngại bị cạnh tranh, anh Thắng quả quyết: “Đã hướng đến sự phát triển bền vững thì cần xem “đối thủ” là đồng đội. Hơn nữa, mặc dù không phải là người trẻ tiên phong nhưng tôi hy vọng dự án của mình sẽ là một minh chứng cho hướng đi “nông nghiệp bền vững”, góp một phần nhỏ trong việc tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương từ việc tạo thu nhập ổn định cho nông dân canh tác nông nghiệp hữu cơ quanh vùng. Nhất là khi bà con tận mắt thấy rừng gắn với vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao thì sẽ tự khắc duy trì và nhân rộng”. Cũng theo dự đoán của anh, thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn ngày càng tăng của người dân, TP. Pleiku sẽ đẩy mạnh kết nối với các vùng phụ cận để phát triển chuỗi cung cấp rau củ quả an toàn. Đó vừa là cơ hội để xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Pleiku và Đak Đoa, vừa là động lực để nhiều hộ nông dân ở đây tiếp tục hành trình làm nông nghiệp bền vững.

Dự án vườn rừng đề cao việc tự chăm sóc và bảo vệ môi trường sống qua việc trồng cây để cung cấp ô-xi, bảo vệ đất và lấy sinh khối. Nguồn ảnh: Green Beli Farm cung cấp

Dự án vườn rừng đề cao việc tự chăm sóc và bảo vệ môi trường sống qua việc trồng cây để cung cấp ô-xi, bảo vệ đất và lấy sinh khối. Nguồn ảnh: Green Beli Farm cung cấp

May mắn không phải chịu sự áp lực quá lớn về kinh tế, lại có nhiều phương án “lấy ngắn nuôi dài” nên những người trẻ ở Green Beli Farm khá thong dong. Kỹ sư Trần Thái Bình nhen nhóm tinh thần của triết lý “kinh tế vừa đủ” cho dự án vườn rừng này, trong đó đề cao việc tự chăm sóc và bảo vệ môi trường sống qua việc trồng cây để cung cấp ô-xi, bảo vệ đất và lấy sinh khối. Khi có sản phẩm từ vườn thì có thể cất trữ hoặc chia sẻ thông qua hình thức trao đổi, mua bán. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được một cộng đồng hưởng ứng lối sống và phương pháp canh tác này để hưởng một cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh hơn. Sự sống nuôi dưỡng sự sống là vậy.

Kiến tạo giấc mơ xanh

Cải tạo khu vườn đã khó, kiến tạo giấc mơ còn khó hơn. Một mô hình vườn rừng “như ý” cần rất nhiều năm để hoàn thiện. Green Beli Farm đã hiện thực hóa được mục tiêu ban đầu nhưng có những ấp ủ vẫn còn “trong mơ”. Anh Thắng và các cộng sự của mình luôn hình dung đến một ngày, Green Beli trở thành một không gian giáo dục thiên nhiên cho trẻ em và trị liệu cho người trưởng thành. Các bạn nhỏ khi đến đây không chỉ có được những trải nghiệm thông thường như thăm thú thiên nhiên, thu hoạch hoa quả mà còn được lưu trú ngắn hạn, học tập và thực hành chăm sóc vườn thuận tự nhiên như một nhà nông tí hon. Học ở vườn bao giờ cũng thích thú hơn. Các em sẽ được sống, được tận hưởng mọi âm thanh, mùi vị của rừng, của ánh sáng, của côn trùng… để thấm thía niềm hạnh phúc của một cuộc sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên, từ đó nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên qua từng giác quan. Song song đó, những người trưởng thành có thể tìm đến nông trại để có những “kỳ nghỉ làm việc” lý tưởng, kết hợp giữa du lịch và làm việc, nhất là đối với những người tự do về thời gian. Việc thay đổi môi trường và không khí làm việc thật sự cần thiết khi con người ngày càng phải đối mặt với quá nhiều áp lực từ guồng quay cuộc sống. Đô thị Pleiku phát triển về cơ sở hạ tầng không tránh khỏi việc bị thiếu hụt các không gian xanh. Vì vậy, trong tương lai, nếu những dự án như thế này thành công thì cư dân trong thành phố sẽ có thêm nhiều lựa chọn để sống chậm và tái sinh nguồn năng lượng tích cực mà không phải mất thời giờ di chuyển đến một nơi quá xa.

Khi được hỏi về những mong mỏi trên hành trình sắp đến, các bạn trẻ của Green Beli Farm chia sẻ: “Dẫu biết ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng cũng đang có một số bạn trẻ khác làm nông nghiệp vườn rừng nhưng sự kết nối giữa chúng tôi chưa thật sự mạnh mẽ. Chúng tôi ao ước quê hương sẽ có một cộng đồng làm nông nghiệp bền vững. Ở đó, các bạn trẻ với sự đồng điệu về tư duy sẽ hỗ trợ nhau từ những hành động nhỏ nhất là sẵn lòng làm tình nguyện viên cho nông trại của nhau. Và biết đâu, chính những cộng đồng như thế sẽ bổ khuyết phần nào cho Nhà nước và thị trường trong phát triển nông nghiệp. Ngoài ra và quan trọng hơn hết, những nỗ lực góp phần làm giàu cho quê hương của lớp người trẻ chúng tôi, dù nhỏ, vẫn rất cần được hiểu và ghi nhận. Chúng tôi tin người trẻ Gia Lai giàu nội lực nhưng nội lực ấy có được kích hoạt hay không thì trông cậy phần nhiều vào sự quan tâm của các sở, ban, ngành có liên quan”.

Khi rễ cây đã nối được vào lòng đất thì dự án trong mơ nào cũng sẽ có cơ hội thành hiện thực. Rừng luôn được cho là một trong những hệ sinh thái ổn định nhất trên trái đất. Mô hình vườn rừng vừa giúp giữ trọn “ân tình cây và đất”, vừa tạo ra được nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho con người. Một cánh én cũng góp phần tạo nên mùa xuân, thật đáng mừng nếu mô hình canh tác này đang dần được nhân rộng và phát triển khắp Tây Nguyên. Thực tế ở nhiều nơi, đất đai đang bị hoang hóa, cằn cỗi đi nhiều bởi lối làm nông nghiệp chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên những giá trị nền tảng, lâu dài. Ông bà xưa khuyên con người nên tránh “ăn xổi ở thì” là vậy. Như Pleiku hiện nay, đất muốn xanh, người muốn khỏe thì phải thật sự chú tâm đến việc nâng cao chất lượng môi trường và nguồn thực phẩm. Nhưng câu chuyện này muốn thành tựu thì ngoài việc chú trọng hơn nữa các mô hình nông nghiệp bền vững ngay trong phố thì chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố tương hỗ từ các vùng phụ cận.

Có thể bạn quan tâm

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

Ra mắt mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường tại làng Đê Kôp-Doul

(GLO)-Ngày 20-12, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mang Yang phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Kon Dơng tổ chức phát động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và ra mắt mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Đê Kôp-Doul.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

Đức Cơ gặp khó trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo

(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay huyện Đức Cơ vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện chỉ có 2/9 xã đạt tiêu chí hộ nghèo đa chiều.