Vườn hoa đồng nội của những nông dân trẻ Nam Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vườn hoa mang tên “Hạnh phúc” này đang trở thành địa điểm check in ưa thích cho những người yêu hoa tại Gia Lai.

Những ngày này, chàng nông dân trẻ Trần Ngọc Quý (SN 1994, thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cùng các “cộng sự” đang tất bật hoàn thiện vườn hoa để du khách thưởng ngoạn ngày Tết. Không khí rôm rả cả một góc cánh đồng. Người chặt tre làm xích đu, người làm hàng rào, quây bãi giữ xe… Vườn hoa có tên “Hạnh phúc” này là "dự án" mà anh Quý cùng những người bạn của mình ấp ủ triển khai từ năm 2020. Theo anh Quý, hàng năm vào dịp Tết, nhận thấy mọi người đều băn khoăn không biết sẽ đi chơi ở đâu để có không khí xuân và có những bức ảnh đẹp, anh đã quyết định trồng một vườn hoa quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu này.

Vườn hoa rộng 7 sào đang nở rực rỡ. Ảnh: Văn Ngọc

Vườn hoa rộng 7 sào đang nở rực rỡ. Ảnh: Văn Ngọc

Nghĩ là làm, chàng trai trẻ đã cùng những người bạn của mình “khai hoang” khoảng 7 sào đất bên cầu Ia Krom (xã Nam Yang), nằm trên tuyến đường từ thị trấn Đak Đoa đi trung tâm xã Nam Yang. Khu vực này vốn là vùng bán ngập, mỗi khi mưa lũ, nước ở dòng suối Ia Krom thường dâng cao khiến người dân không thể trồng trọt được. Khi nước rút, vùng này đã bị loài cây mai dương xâm lấn trở thành bãi hoang.

Cánh đồng hoa lung linh, mờ ảo trong sương sớm. Ảnh: Văn Ngọc

Cánh đồng hoa lung linh, mờ ảo trong sương sớm. Ảnh: Văn Ngọc

Bởi vậy, anh Quý cùng nhóm bạn đã mất rất nhiều công sức để phá bỏ loài cây ngoại lai này nhằm dọn đất sạch sẽ. “Phải mất hơn 10 công, làm từ sáng tới tối mịt, chúng tôi mới dọn dẹp sạch sẽ đám đất này. Sau đó, dùng máy cày xới cho tơi đất rồi bắt đầu xuống giống hoa”-anh Quý chia sẻ.

Vốn quen với việc canh tác rau màu, cà phê, hồ tiêu, chưa có nhiều kinh nghiệm trồng hoa nên ban đầu họ chỉ trồng hoa sao nhái. Đây là loại hoa gieo từ hạt, dễ chăm sóc, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương nên đã lên hoa rực rỡ.

Tuy vậy, vạn sự khởi đầu nan, lần đầu với mô hình mới của những chàng nông dân Nam Yang đã không mấy thành công do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vườn hoa không thể mở cửa rộng rãi để đón khách khiến bao công sức, tiền bạc của họ “đổ sông, đổ biển”. Nhưng không nản chí, năm nay, họ tiếp tục làm đất xuống giống nhiều loại hoa sao nhái khác nhau và đặc biệt là hoa tam giác mạch-loài hoa biểu tượng của vùng Tây Bắc. Anh Quý cho hay: “Tôi rất thích hình ảnh những đồi hoa tam giác mạch ở Tây Bắc qua màn ảnh nên quyết định mua giống về trồng thử. Không ngờ cây cũng phát triển tốt, sau 45 ngày đã ra hoa rất đẹp. Tôi hy vọng sẽ mang một chút hương vị của cao nguyên Hà Giang về tại Gia Lai”.

Cánh đồng hoa sao nhái đang đua sắc trong dịp Tết. Ảnh: Văn Ngọc

Cánh đồng hoa sao nhái đang đua sắc trong dịp Tết. Ảnh: Văn Ngọc

Thời điểm cận Tết này, Cánh đồng hoa rộng 7 sào đang rực rỡ các loại hoa sao nhái và tam giác mạch. Ai nấy đi trên cầu Ia Krom qua khu vực này đều bị mê hoặc bởi những vạt hoa lung linh trong gió. Để bù lại chi phí giống, phân bón và nước tưới cũng như các tiểu cảnh để chụp ảnh, vườn hoa đã mở cửa cho du khách đến tham quan, chụp ảnh từ ngày 26 tháng Chạp với giá vé 20 ngàn đồng/người. Anh Quý tiết lộ: “Đợt hoa có lẽ sẽ duy trì đến qua rằm tháng Giêng, sau đó chúng tôi dự định tiếp tục xuống giống các loại hoa khác như hướng dương để chuẩn bị cho các đợt lễ 8-3 hay 30-4, 1-5… nhằm tạo địa điểm chụp ảnh thường xuyên cho mọi người”.

Vườn hoa hiện đang là điểm tham quan lý tưởng cho những người yêu hoa tại Phố núi. Chị Phạm Thị Nhung (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) bộc bạch: “Vườn hoa chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 20 km, giá vé cũng phải chăng vì để có được vườn hoa rộng, đẹp như thế này chắc chắn các bạn đã phải bỏ rất nhiều công sức. Tôi rất thích hoa cũng như các cảnh đẹp của Gia Lai nên khi nghe ở đâu có gì mới là tôi đi ngay. Rất cảm ơn các chàng trai đã mang không khí của Tây Bắc về cao nguyên Gia Lai, giúp quê hương thêm phần đẹp đẽ. Tết đến, khi mọi người sum vầy, tôi sẽ cùng với gia đình trở lại vườn hoa để chụp những tấm ảnh kỷ niệm với cánh đồng hoa”.

Vườn hoa trở thành địa điểm check in hot của nhiều người. Ảnh: Văn Ngọc

Vườn hoa trở thành địa điểm check in hot của nhiều người. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Công-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang-cho biết: “Mô hình này của các bạn trẻ trong xã khá mới và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Vườn hoa không chỉ mang lại thu nhập cho các nông dân, tận dụng diện tích đất hoang hóa mà hơn cả là tạo địa điểm du lịch cho địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Các sản phẩm đặc trưng địa phương hút khách tại Tuần lễ Hoa Dã Quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya đang tổ chức tại khu vực nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đây không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa dã quỳ, mà còn là cơ hội để thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Đa dạng các sản phẩm cây nhà lá vườn đã được những người nông dân chất phác ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đưa ra chợ phiên từ sáng thứ 7.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.