"Vua voi" Tây Nguyên đưa voi về với rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Đàn Năng Long ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, người được mệnh danh là “vua voi” cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng. Vì vậy, từ đầu tháng 5 đến nay, ông đã đưa bảy con voi của gia đình về khu rừng bên kia sông Krông Ana để chăn thả, hòa mình với tự nhiên. 

Đàn voi nhà ở huyện Lắk đưa ra rừng chăn thả.
Đàn voi nhà ở huyện Lắk đưa ra rừng chăn thả.
“Để chăn thả bảy con voi này, tôi đã thuê bảy lao động là người địa phương, với tiền công là 35 triệu đồng một tháng để chăm sóc đàn voi. Ngoài ra, từ 15 giờ đến 18 giờ hàng ngày, tôi và con tôi đều chạy xe máy băng rừng ra chăm sóc đàn voi. Hơn bốn tháng nay, đàn voi không phải làm việc phục vụ du lịch và được thả về với rừng, sinh sống trong môi trường tự nhiên, ăn uống đầy đủ nên con voi nào cũng mập ra trông thấy”, ông Đàn Năng Long chia sẻ.
Ông Đàn Năng Long cho biết thêm: Trên địa bàn huyện Lắk hiện còn 17 con voi nhà, trong đó gia đình ông sở hữu bảy con, 10 con còn lại thuộc sở hữu của người dân địa phương. Trong nhiều năm qua, đàn voi nhà trên địa bàn tham gia phục vụ du lịch, vừa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương, chủ voi vừa có nguồn thu nhập để mua thức ăn hàng ngày cho voi. Theo tính toán của ông Long thì một ngày, chủ voi phải bỏ ra ít nhất 300 nghìn đồng để mua thức ăn cho voi gồm cỏ, chuối, mía…
Tuy nhiên, hơn bốn tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ sở du lịch ở địa phương đều ngừng hoạt động để chung tay cùng với chính quyền địa phương phòng, chống dịch.
Trong khi đó, các gia đình sở hữu voi còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện mua thức ăn cho voi nên phải đưa voi ra rừng chăn thả. Gia đình nào có điều kiện thì thuê người, còn gia đình nào không có điều kiện thuê thì tự đi chăn thả voi.

Ông Đàn Năng Long nói về việc đưa đàn voi về rừng chăn thả.
Ông Đàn Năng Long nói về việc đưa đàn voi về rừng chăn thả.
Theo giới thiệu của ông Đàn Năng Long, chúng tôi tới khu vực buôn Lê, buôn Jun, nằm bên bờ hồ Lắk thơ mộng. Nơi đây, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hằng ngày, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, đặc biệt là hoạt động cưỡi voi. Nhưng hơn bốn tháng nay tất cả các cơ sở hoạt động du lịch ở đây đều đóng cửa, voi đều được đưa ra rừng chăn thả, không còn con voi nào bị xiềng xích ở nhà.
Theo ông Đàn Năng Long, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì không biết bao giờ hoạt động du lịch mới trở lại bình thường. Đồng thời, để đàn voi nhà không phụ vụ du lịch cưỡi voi như lâu nay nữa, thì chính quyền địa phương cần quy hoạch, bố trí một khu vực đất rừng để đưa tất cả đàn voi nhà trên địa bàn huyện vào đó sinh sống, chăm sóc.
“Tôi sẽ tình nguyện là người đi chăm sóc đàn voi không cần trả công. Bởi gia đình tôi đã hai ba thế hệ gắn bó với đàn voi nên coi voi như người thân trong gia đình.
Hơn nữa, khi thả voi về với tự nhiên, vừa để phục vụ du lịch ngắm voi, vừa bảo tồn tốt đàn voi vì khi trở về với thiên nhiên thì đàn voi còn có cơ hội để sinh đẻ, mới bảo tồn được đàn voi, còn cứ nuôi như lâu nay đàn voi vừa phục vụ du lịch, không có điều kiện chăm sóc tốt, vừa không có cơ hội sinh đẻ để bảo tồn đàn voi. Bởi lâu nay mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên, điều đầu tiên người ta nhắc đến là đàn voi, còn nếu không bảo tồn được đàn voi thì không còn là Tây Nguyên nữa”, ông Long bày tỏ.

 Ông Đàn Năng Long bên đàn voi của mình.
Ông Đàn Năng Long bên đàn voi của mình.
CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.