Vòng quanh chân núi Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trung tuần tháng 6, chúng tôi có một chuyến thực tế vòng quanh chân núi Ngọc Linh. Mùa này mưa không dứt tạo nên sự thú vị riêng. Cảnh sắc núi rừng mờ ảo dưới làn mưa tầm tã. “Mưa rừng ơi mưa rừng...” (lời bài hát “Mưa rừng”) khiến lòng ta nhớ mãi một chuyến đi.

Thử thách đầu tiên cần chinh phục là đèo Măng Rơi. Đèo này chỉ dài 6 km nhưng là một địa chỉ khá ngoạn mục bởi độ cao chót vót, ngoằn ngoèo uốn lượn giữa vùng núi đồi hùng vĩ. Ngoạn mục hơn là nơi đây ta có thể bắt gặp những làng người dân tộc Xê Đăng treo lơ lửng giữa những sườn đồi bậc thấp bậc cao như những bức tranh thủy mặc, tạo nên sắc thái riêng của Bắc Tây Nguyên. Và không rõ tự bao giờ, dưới chân đèo mọc lên cái tên “Chợ Mười ngàn” rất ấn tượng. Với một dãy sạp liền nhau, bà con Xê Đăng mang những món hàng tự nuôi trồng về đây bán, từ quả bầu quả bí, rau rừng, măng le… đến đủ các loại từ lan rừng. Giá mỗi món hàng chỉ 10.000 đồng nên người mua cứ thế mà chọn, không có chuyện thách giá hay kỳ kèo như ở những nơi khác.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đèo Măng Rơi là một con đèo nằm trên tỉnh lộ 676 của tỉnh Kon Tum dẫn đến huyện Tu Mơ Rông. Theo truyền miệng, sở dĩ đèo có tên Măng Rơi (hay Mang Rơi) là bởi đèo quá cao, khi bà con dân tộc thiểu số vùng này xuống thung lũng bẻ măng rồi leo đèo trở về thì măng trong gùi bị trút ngược rơi trở lại. Cũng có cách lý giải khác, đó là ngày xưa bà con đi làm rẫy thường thấy con mang do bất cẩn rơi xuống đèo mà chết. Đỉnh đèo Măng Rơi như một vọng đài giúp ta nhìn thấy được phần lớn thung lũng Tu Mơ Rông từ 4 hướng. Nơi đây trở thành chỗ nương náu của mây trời với một không gian lãng đãng. Mây viền trên đỉnh núi, mây trải giữa sườn non. Thấp thoáng trong mây là những bản làng người Xê Đăng như những sợi chỉ mờ ảo treo trên lưng chừng núi. Thật ngoạn mục khi dõi mắt trông lô nhô những làng cao chạm mây trời.

Vượt Măng Rơi, chúng tôi đến huyện Tu Mơ Rông nằm phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, một huyện mới thành lập vào năm 2005, sau khi tách ra khỏi huyện Đak Tô. Sau 13 năm, cuộc sống của người dân nơi đây còn đơn sơ và mộc mạc. Toàn huyện có 11 đơn vị hành chính xã, dân số chủ yếu là người Xê Đăng, cuộc sống còn rất nghèo dù được tiếng là vùng đất của sâm Ngọc Linh. Hiện Tu Mơ Rông đang tập trung trồng cây dược liệu để góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến nay, cả huyện trồng được 320 ha sâm Ngọc Linh, 32 ha sâm dây (hồng đẳng sâm) và 30 ha sâm đương quy. Theo dự kiến, đến năm 2020, Tu Mơ Rông phấn đấu trồng được 500 ha sâm Ngọc Linh, một sản phẩm quý hiếm được thị trường ưa chuộng. Đây là hướng đi đúng đắn để người dân nơi đây hưởng cái lộc “trời cho” mà nhiều nơi không có được.

Vượt qua bao quãng đường ngoằn ngoèo uốn lượn, một bên là vực sâu, một bên là sườn núi với những thảm rừng trải dài ngút ngàn dưới chân đỉnh Ngọc Linh, mới hay, nơi đây rừng ôm trọn lấy người chẳng khác nào người mẹ ôm trọn những đứa con thơ vào lòng vỗ về bằng lời ru đậm chất lãng du. Một chuyến đi giúp chúng tôi cảm nhận được sự thú vị của miền đất Bắc Tây Nguyên hùng vĩ, tuy nhiên, lòng vẫn có chút băn khoăn: Vì sao Tu Mơ Rông nằm ngay trên vùng đất sâm nổi tiếng nhưng đời sống người dân vẫn còn nghèo khó? Trong khi đó, cũng nằm dưới chân đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức được nhiều phiên chợ sâm Ngọc Linh. Chỉ riêng từ ngày 1 đến ngày 3-3 vừa qua, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 6 do UBND huyện Nam Trà My tổ chức đã mang lại doanh thu 4,7 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được 53 kg, thu về gần 4,5 tỷ đồng.

May mà Tu Mơ Rông bước chậm hơn, nhưng cũng đang ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng đó để phát triển bền vững. Dưới chân núi Ngọc Linh là cả một tiềm năng đang được đánh thức, cả về du lịch và phát triển kinh tế.

Nguyễn Tấn Hỷ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.