Võ đường nổi tiếng ở Đak Pơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp xuất thân từ võ đường Lê Văn Hiệp (thôn An Định, xã Cư An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đầu quân cho các đơn vị trong cả nước và mang về những thành tích vang dội.

Vươn lên từ khó khăn, hoạn nạn

Giữa tháng 6, chúng tôi có dịp gặp gỡ võ sư Lê Văn Hiệp nhân dịp ông được phân công làm nhiệm vụ trọng tài ở Giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2023. Vị võ sư sinh năm 1973 lại khá khiêm tốn khi kể về cuộc đời và công việc của mình.

Sinh ra tại đất võ Bình Định, vì chiến tranh loạn lạc, gia đình võ sư Lê Văn Hiệp chuyển lên Gia Lai sinh sống từ những ngày chưa giải phóng. Lớn lên trong gia cảnh khó khăn, cha mẹ phải chạy ăn từng bữa nhưng dòng máu đam mê võ thuật vẫn âm thầm chảy trong người con của đất Phù Mỹ. Thuở thiếu niên, cậu học trò Lê Văn Hiệp đã lặn lội đi bộ gần 5 km tìm đến lão sư Trương Ngọc Thân (huyện Đak Pơ) để học võ. Học hành, tập luyện vất vả, một số võ sinh bỏ dở giữa chừng, song cậu bé Lê Văn Hiệp vẫn đều đặn đến võ đường miệt mài luyện tập. Thương đệ tử giàu nghị lực, võ sư Trương Ngọc Thân đã truyền hết tuyệt học của võ thuật cổ truyền mà mình nắm giữ để đưa Lê Văn Hiệp làm người “trợ giảng” ở võ đường.

Lò võ nhỏ của võ sư Lê Văn Hiệp ở quê nhà. Ảnh: Tiểu Đồng

Lò võ nhỏ của võ sư Lê Văn Hiệp ở quê nhà. Ảnh: Tiểu Đồng

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Lê Văn Hiệp được sư phụ cử đi thi đấu giao lưu ở nhiều võ đường trong và ngoài tỉnh. Đó là khoảng thời gian ông học hỏi được nhiều tinh hoa các môn phái võ thuật cổ truyền khác. Năm 1994, sau khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ông quyết định đăng ký tham gia Giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc. Song ước mơ ra “biển lớn” chưa thành, ông gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng làm gãy chân. Chấn thương khiến ông không thể trở thành VĐV chuyên nghiệp như hằng ao ước. Thậm chí, ông đã phải rời xa võ đường trong hơn 2 năm. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong nghiệp võ của ông.

“Tôi nuối tiếc vô cùng vì chưa từng được thi đấu đỉnh cao. Có thời điểm, tôi muốn bỏ hẳn võ thuật nhưng không dứt ra được. Ở quê tôi khi ấy, trẻ em rất nghèo, lại không có điều kiện đi học võ nên tôi quyết định trở lại võ đường với tư cách của một người thầy”-võ sư Lê Văn Hiệp trải lòng.

Nổi danh võ đường

Gác lại những khát khao tuổi trẻ, năm 1996, ông Hiệp xin phép sư phụ mở võ đường mang tên mình tại quê nhà. Thường ngày, ông vẫn làm việc đồng áng để nuôi sống gia đình. Tối đến, ông mới được thỏa mãn đam mê với những môn sinh ít ỏi, trong đó có 1 con gái và 1 con trai của ông.

Dẫu ít môn sinh, ông vẫn truyền dạy cho học trò những gì tinh túy nhất với tất cả tâm huyết. Học trò như cũng thấu hiểu sự nghiêm khắc, tận tình của thầy mà nỗ lực, tự khắc phục điểm yếu của bản thân và miệt mài học hỏi từng ngày. Để giúp võ sinh tiến bộ, ông thường xuyên tổ chức cho các em tham gia giải võ tại cái nôi võ thuật cổ truyền Bình Định. Đó cũng là cách mở ra con đường để võ đường Lê Văn Hiệp “xuất khẩu” VĐV đến các đơn vị.

Võ sư Lê Văn Hiệp cùng các học trò đạt thành tích cao tại Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ IX-2022. Ảnh: L.G

Võ sư Lê Văn Hiệp cùng các học trò đạt thành tích cao tại Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ IX-2022. Ảnh: L.G

Võ sư Lê Văn Hiệp chia sẻ: “Bình Định thường tổ chức các sự kiện thi đấu võ thuật cổ truyền nên tôi cho các em tham gia trong dịp lễ, Tết hoặc dịp hè. Được tham gia thi đấu, cọ xát với các VĐV của đất võ nên các em được trui rèn nhiều hơn. Một số huấn luyện viên khi tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển thể thao thành tích cao của đoàn Quân đội, Quảng Ngãi, Bình Định đều thấy được tài năng của các em, từ đó liên hệ, ký hợp đồng đào tạo VĐV chuyên nghiệp các môn Kickboxing, Muay…”.

Năm 2018, võ đường Lê Văn Hiệp có 3 VĐV thi đấu cho đoàn Quân đội tại Giải Vô địch trẻ Kickboxing Quốc gia và đã giành được 1 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB). Cũng tại giải này, 3 VĐV khác của võ đường đầu quân cho đơn vị Gia Lai đã giành được 1 HCV, 2 HCB. Năm 2019, trong lần Gia Lai đăng cai Giải Vô địch trẻ Kickboxing Quốc gia, võ sĩ Bùi Thị Hồng Vy đến từ võ đường Lê Văn Hiệp đã mang về tấm HCV cho đoàn Gia Lai. Hay tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022, VĐV Nguyễn Thị Yến Nhi khi thi đấu cho đoàn Quân đội đã mang về 1 huy chương đồng ở môn Kickboxing.

Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ IX-2022, các VĐV thuộc võ đường Lê Văn Hiệp đầu quân cho đoàn Đak Pơ ở môn Võ thuật cổ truyền đã xuất sắc giành 2 HCV, 2 HCB và 1 huy chương đồng. Gần đây nhất, VĐV Nguyễn Thành Thoan đã giành HCB ở Giải Vô địch các câu lạc bộ Muay Quốc gia 2023 cho đoàn Gia Lai. Hiện Nguyễn Thành Thoan là VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh.

Thoan chia sẻ: “Em học võ ở võ đường của thầy Hiệp từ nhỏ. Thầy rất nghiêm khắc khi tập luyện nhưng cũng rất tình cảm, thường xuyên động viên, tạo động lực cho em thi đấu. Ông chính là người thầy đầu tiên đưa em đến với võ thuật và mở cho em con đường đến với sàn đấu chuyên nghiệp giúp em trở thành VĐV như bây giờ”.

Hầu hết các môn sinh của võ sư Lê Văn Hiệp vốn xuất thân từ gia đình nghèo trong vùng. Việc nhiều môn sinh vươn ra “biển lớn” với định hướng rõ ràng, có thu nhập ổn định đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho thanh-thiếu niên ở địa phương.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Pơ-cho biết: “Anh Lê Văn Hiệp là người có tài, tâm huyết với võ thuật. Anh đã đào tạo nhiều lớp học trò tài năng, giúp đỡ nhiều thanh-thiếu niên ở địa phương tiếp cận võ thuật và vươn lên một tầm cao mới. Lò võ của anh Hiệp là “hạt nhân” võ thuật của Đak Pơ, đưa võ thuật cổ truyền trở thành thế mạnh của huyện khi giành không ít huy chương danh giá cho huyện nhà. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng anh Hiệp để đưa phong trào võ thuật cổ truyền ngày càng phát triển”.

Có thể bạn quan tâm