Virus SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo nghiên cứu của Nhật Bản, những người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn nhiều so với những người không bị nhiễm virus này.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: ANhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: ANhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy những người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn nhiều so với những người không bị nhiễm virus này.

Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Akimasa Hirata thuộc Viện Công nghệ Nagoya đã phân tích hóa đơn khám chữa bệnh của 1,25 triệu người, kết quả cho thấy trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Nhật Bản vào mùa Xuân năm 2021, có 0,1% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã phải chữa trị bệnh nhồi máu cơ tim trong vòng 2 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus này, tức là cao hơn 10,7 lần so với những người không nhiễm virus.

Trong đợt bùng phát thứ 5 vào mùa Hè năm 2021, tỷ lệ người nhiễm SARS-CoV-2 phải chữa trị bệnh nhồi máu cơ tim tăng lên mức 0,15, cao hơn 24,6 lần so với người không bị nhiễm.

Bên cạnh đó, nguy cơ suy tim trong số những người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng cao hơn 10,4 lần so với những người không nhiễm trong đợt bùng phát thứ 4 và 6,6 lần trong trong đợt bùng phát thứ 5.

Đối với huyết khối hoặc cục máu đông trong tĩnh mạch, con số này lần lượt là 53,1 lần và 43,4 lần.

Đối với bệnh tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh này trong số những người nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng cao hơn 8,4 lần so với những người không bị nhiễm trong đợt bùng phát thứ 4 và 6,3 lần trong đợt bùng phát thứ 5.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, có rất ít sự khác biệt giữa những người bị nhiễm và không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát thứ 6 vào đầu năm nay khi các dòng phụ của biến thể Omicron chiếm ưu thế.

Giáo sư Hirata cho biết các phát hiện trên phù hợp với các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy người nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn so với những người khác.

Liên quan bệnh COVID-19, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ xem xét đưa bệnh này vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng và hạn chế tác động của dịch bệnh này đối với các hoạt động kinh tế-xã hội.

Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola ở nhóm 1.

Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa.

Riêng dịch bệnh COVID-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên.

Đây là danh mục các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm tương đương các bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh truyền nhiễm trong nhóm 1.

Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, nhà nước sẽ không chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người mắc bệnh này.

Tuy nhiên, hiện nay một số thành viên trong nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) về ứng phó với dịch COVID-19 vẫn cho rằng còn quá sớm để đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5.

Theo Đào Thanh Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm