Báo cáo UPR được thông qua cho thấy tinh thần đối thoại thẳng thắn cởi mở, chân thành và nghiêm túc của Việt Nam.
Chiều 7-2 (theo giờ Việt Nam), phiên họp của Nhóm làm việc về Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneve đã thông qua Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam. Theo đánh giá chung, Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã thể hiện rõ sự nghiêm túc, cởi mở, hợp tác tích cực trên lĩnh vực nhân quyền.
Đoàn Việt Nam gặp gỡ các đại biểu tham dự phiên họp lần thứ 18 về UPR tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. |
Trước hết, việc thông qua Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Việt Nam tại Geneve (Thụy sĩ), đã cho thấy sự tin tưởng, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đối với Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Sự tin tưởng ấy dựa trên những thành tựu về quyền con người tại Việt Nam; dựa trên sự tiếp thu, thực hiện những ý kiến đóng góp của cộng đồng quốc tế từ những khuyến nghị mà Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ I (Hội đồng Nhân quyền LHQ) đưa ra năm 2009. Đó là việc thực hiện nghiêm túc, tích cực 96/123 khuyến nghị mà cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát đưa ra. Trong đó phải kể tới việc hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, xây dựng và thực hiện các chính sách về quyền con người; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân, đặc biệt chú ý tới các nhóm dễ bị tổn thương…
Đó là việc thông qua bản Hiến pháp năm 2013, trong đó lĩnh vực quyền con người đã được hiến định một cách đầy đủ và toàn diện hơn, tạo tiền đề cho những chính sách và biện pháp nhằm thực hiện tốt hơn quyền con người trên thực tế. Việc bổ sung và ban hành mới các văn bản luật rất quan trọng như Luật Đất đai, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Người khuyết tật, Luật Luật sư… đã giúp hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về quyền con người ở Việt Nam.
Về việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, các chỉ số về kinh tế, văn hóa-xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo Việt Nam tiến hành trong nhiều năm qua đã thu được kết quả tích cực. Điều đó cho thấy việc phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội đi liền với việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Sự tin tưởng ấy cũng đã được thể hiện qua những nhận xét của cộng đồng quốc tế từ trước đến nay. Không phải ngẫu nhiên mà các nước ASEAN đã hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam chính thức được bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 ngày 13-11-2013 với số phiếu cao nhất. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền văn hóa, bà Farrida Sha-heed, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12-2013, đã phát biểu rằng: “Tôi ấn tượng đặc biệt trước những tiến bộ về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm, phát huy quyền văn hoá cho tất cả mọi người dân”.
Cộng đồng quốc tế có sự nhìn nhận nghiêm túc, thẳng thắn, biện chứng và đấy tính phản biện về việc thực thi quyền con người của Việt Nam. Tuy vậy, đây đó vẫn còn có những tiếng nói thiếu thiện cảm về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Họ vì những mục đích khác nhau, những động cơ khác nhau tìm cách chỉ trích Việt Nam mà không tính đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, quyền tự do của người dân. Đó là một sự tính toán có chủ ý và không công bằng. Nhận xét, đánh giá về quyền con người ở Việt Nam nên cần có cái nhìn khách quan hơn, thực tế hơn và đặt trong bối cảnh mỗi quốc gia cụ thể chứ không nên áp đặt và định kiến chủ quan.
Việc thông qua Báo cáo quốc gia theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Việt Nam một lần nữa minh chứng cho sự minh bạch, tinh thần đối thoại thẳng thắn cởi mở, chân thành và nghiêm túc của Việt Nam.
Chính bà Pratibha Mehta-Điều phối viên Thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam, đã phát biểu rằng: “Tôi rất vui vì chính phủ Việt Nam đang sử dụng Cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát mà Hội đồng Nhân quyền LHQ đề ra theo đúng ý nghĩa khởi thủy của nó. Tức là dùng cơ chế đối thoại giữa mọi đối tượng trong xã hội để thảo luận các vấn đề và thách thức về quyền con người”.
Đó là một thực tế.
Theo VOV