Vì sao du khách Trung Quốc ngày càng rời bỏ điểm đến Mỹ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Du khách Trung Quốc đến Mỹ sụt giảm mạnh khiến du lịch nước này mất hàng chục tỉ đô trong năm nay.

Mất 20 tỉ USD vì vắng khách Trung Quốc

Giữa tháng 8, Trung Quốc mở cửa cho du lịch theo đoàn đến Mỹ và một số quốc gia khác, động thái mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ca ngợi là "chiến thắng đáng kể cho ngành du lịch và lữ hành Mỹ". Sau đó, bà đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề: Các quan chức du lịch Mỹ đang mong đợi sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc, cho đến nay là những người chi tiêu nhiều nhất trong số du khách toàn cầu, theo Forbes.

Du khách Trung Quốc chụp ảnh tượng Nữ thần Tự do. THE NEW YORK TIMES
Du khách Trung Quốc chụp ảnh tượng Nữ thần Tự do. THE NEW YORK TIMES

Trước Covid-19, có tới 3 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ hàng năm, đóng góp hơn 30 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ. Năm 2019, 2,8 triệu du khách Trung Quốc chỉ chiếm 4% tổng số du khách nước ngoài đến Mỹ, nhưng lại chiếm tới 13% chi tiêu. Theo Văn phòng Du lịch và Lữ hành Quốc gia (NTTO), cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, năm nay sẽ có ít hơn 850.000 người Trung Quốc du lịch tới nước này. Lượng khách du lịch giảm 68% tương đương với hơn 20 tỉ USD mà du khách Trung Quốc sẽ không chi tiêu ở Mỹ trong năm nay.

Ba tháng sau khi đại dịch chính thức kết thúc, ngành du lịch Mỹ vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Trước Covid-19, 79,4 triệu du khách quốc tế đến Mỹ đã bơm khoảng 239 tỉ USD vào nền kinh tế quốc gia, chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ của Mỹ. Năm 2023, Mỹ dự kiến sẽ đón 62,8 triệu du khách nước ngoài - tăng 21% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn 21% so với con số trước Covid-19. Lượng khách du lịch đến Mỹ dự kiến sẽ không đạt mức trước đại dịch cho đến năm 2025.

Sự sụt giảm lượng du khách quốc tế diễn ra không đồng đều ở các thị trường nguồn. Hai thị trường khách đến Mỹ lớn nhất là Canada và Mexico giảm lần lượt 19% và 8% so với năm 2019. Trong khi đó, khách từ Vương quốc Anh, nguồn khách số 3 trước đại dịch, đang giảm 11%. Còn khách nguồn lớn thứ 4 và thứ 5 trong năm 2019 đến từ Nhật Bản và Trung Quốc lần lượt giảm 61% và 70%. Geoff Freeman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Mỹ nói: "Chắc chắn có một động lực khiến du lịch châu Á, ít nhất là đến Mỹ, không còn như xưa nữa".

Bộ Thương mại Mỹ đặt mục tiêu quốc gia đón 90 triệu du khách quốc tế vào năm 2027. Những khách du lịch được đánh giá cao nhất là những người ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn tại các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng và điểm tham quan. Theo dữ liệu do NTTO thu thập, một khách du lịch Trung Quốc trung bình đi du lịch một mình chi 10.445 USD cho chuyến đến Mỹ. Để so sánh, một du khách điển hình đến từ Vương quốc Anh hoặc Brazil chi tiêu lần lượt là 2.576 USD và 3.269 USD, trong khi khách du lịch Nhật Bản trung bình chi 3.783 USD. Nói cách khác, phải mất khoảng 3 khách du lịch Brazil hoặc 4 khách du lịch Anh để bù đắp cho một khách du lịch Trung Quốc.

Khách Trung Quốc chụp ảnh trước trung tâm đầu não của Facebook. THE NEW YORK TIMES
Khách Trung Quốc chụp ảnh trước trung tâm đầu não của Facebook. THE NEW YORK TIMES

Sự sụt giảm khách Trung Quốc đã gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các thành phố Bờ Tây như San Francisco, nơi 518.000 du khách Trung Quốc đã bơm hơn 1,2 tỉ USD vào nền kinh tế địa phương trong năm trước đại dịch. Hubertus Funke, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc Hiệp hội Du lịch San Francisco cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi có khoảng 48.000 du khách và số tiền chi tiêu chỉ khoảng 286 triệu USD. Vì vậy, rõ ràng là không thể so sánh được với năm 2019".

Thị trường du lịch và lữ hành toàn cầu trị giá 855 tỉ USD. "Chiếc bánh" dự kiến sẽ vượt 1.000 tỉ USD vào năm 2027. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu cao, các quan chức du lịch thừa nhận sự phục hồi của Mỹ - về mặt du lịch và chi tiêu - đã chậm hơn dự kiến. Freeman nói: "Rõ ràng du khách đang đưa ra quyết định và có quá nhiều người quyết định không đến Mỹ".

Lý do khiến khách sụt giảm

Trước khi du lịch từ Trung Quốc có thể phục hồi hoàn toàn, số lượng chuyến bay giữa hai nước - một con số do hai chính phủ cùng quyết định - phải tăng đáng kể. Hiện tại, các hãng hàng không Trung Quốc chỉ khai thác 12 chuyến bay chở khách theo lịch trình mỗi tuần đến Mỹ trong khi 3 hãng hàng không Mỹ - American, Delta và United - chỉ khai thác tổng cộng chục chuyến bay đến Trung Quốc. Đến cuối tháng 10, những con số đó sẽ tăng gấp đôi theo mỗi hướng - nhưng vẫn là một phần nhỏ trong số 366 chuyến bay giữa Trung Quốc và Mỹ vào tháng 8.2019.

Trên bình diện chung, Mỹ vẫn là quốc gia được mong muốn ghé thăm số một trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu cho thấy lợi thế cạnh tranh của Mỹ có thể đang bị suy giảm.

Erin Francis-Cummings, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu Destination Analysts, cho biết: "Kế hoạch đến thăm Mỹ trên toàn cầu đã giảm 16,3% trong năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ và kém 3 điểm so với mức trước đại dịch". Bà cũng lưu ý rằng, bạo lực súng đạn ở Mỹ là hành vi gây lo ngại số 1 đối với du khách Trung Quốc, Úc và Canada, tương đương với chi phí.

Tháng 9 năm ngoái, một cuộc khảo sát của Morning Consult đối với du khách Trung Quốc cho thấy việc truyền thông đưa tin về các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ là yếu tố không thể thiếu trong việc thúc đẩy những nỗi sợ hãi này. Lindsay Roeschke, trưởng bộ phận du lịch của Morning Consult, cho biết: "93% du khách Trung Quốc nói rằng tội phạm bạo lực là lý do khiến họ tránh đi du lịch đến Mỹ".

Khách Trung Quốc đến Mỹ sụt giảm kéo dài từ trước đại dịch. REUTERS

Khách Trung Quốc đến Mỹ sụt giảm kéo dài từ trước đại dịch. REUTERS

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng khác đối với du lịch Mỹ là thị thực. Canada vào tháng 6 vừa qua miễn thị thực đối với 13 quốc gia khác nhau mà Mỹ vẫn yêu cầu. Đề nghị hàng đầu của Freeman là Bộ Ngoại giao Mỹ cần giảm đáng kể thời gian chờ cấp thị thực, vì thời gian chờ quá lâu tạo ra những trở ngại không cần thiết cho du khách. Các cuộc hẹn phỏng vấn xin thị thực cho chuyến du lịch đến Mỹ thường mất hơn một năm và đôi khi hơn hai năm.

Ví dụ, vào mùa thu năm ngoái, Vương quốc Anh đã bỏ yêu cầu về thị thực dành cho du khách Colombia, thị trường nhập cảnh hàng đầu vào Mỹ, nơi du khách hiện phải đối mặt với thời gian chờ đợi trung bình gần 800 ngày. Và du khách đến từ Philippines, những người gần đây đã được miễn thị thực vào Canada, đang chờ đợi thời gian trung bình 183 ngày cho một cuộc phỏng vấn xin thị thực vào Mỹ.

Erin Francis-Cummings cho biết: "Thời gian chờ cấp thị thực và quy trình cấp thị thực là yếu tố cản trở hàng đầu đối với việc đến thăm Mỹ tại các thị trường này - trên cả mức độ an toàn và thậm chí cả chi phí".

Nhiều người đổ lỗi cho sự sụt giảm lượng khách du lịch Trung Quốc là do đại dịch, nhưng sự suy thoái thực sự đã bắt đầu trước Covid-19. Trong những năm 2000, lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ đã tăng gấp 3 lần lên hơn 800.000 người và sau đó lại tăng gấp 3 lần trong 5 năm từ 2010 đến 2015. Nhưng vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng của du khách Trung Quốc đến Mỹ đã chậm lại chỉ còn 4%. Đến 2018, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị liên quan đến cuộc chiến thương mại, lượng khách du lịch Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 15 năm.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.