Về Yang Bắc nghe chuyện góp gạo nuôi bộ đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong chuyến công tác tại xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai), chúng tôi được nghe các bậc cao niên kể chuyện về những năm tháng dân làng tăng gia sản xuất phục vụ cách mạng.

Với họ, đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để thế hệ cháu con tiếp nối truyền thống cách mạng, chung sức xây dựng quê hương.

Sau hơn 10 phút đi xe máy từ ngã ba Đồng Chè (xã Tân An), chúng tôi đến trung tâm xã Yang Bắc khi trời đã ngả về chiều. Đứng nhìn những ruộng mía xanh mướt cùng khói lam chiều vấn vít trên những nếp nhà sàn, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn cuộc sống yên bình của người Bahnar dưới chân núi Kruối Chai này.

Được Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Hvư dẫn đường, chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Khai (SN 1930, làng Klăh Môn)-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Khai tự hào kể: Yang Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong những năm kháng chiến, người Bahnar ở Yang Bắc luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Gia đình ông cũng vậy. Không chỉ vận động con em tham gia cầm súng chiến đấu, người dân còn tham gia bảo vệ chính quyền, tăng gia sản xuất để tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Theo ông Khai, phong trào toàn dân tăng gia sản xuất để phục vụ cách mạng diễn ra mạnh mẽ nhất là từ năm 1961 đến 1975. Giai đoạn này, địch ra sức dồn dân lập ấp, bắt giết cán bộ cách mạng, phá hủy ruộng vườn, ngăn người dân tiếp tế cho bộ đội. Từ giữa năm 1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh cùng các tổ chức đoàn thể quần chúng lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hăng hái tham gia phong trào chống dồn dân, phá ấp chiến lược của đế quốc Mỹ và tăng gia sản xuất để có lương thực phục vụ cuộc sống, đóng góp cho cách mạng.

33-6624.jpg
Ông Đinh Văn Khai (bìa phải, làng Klăh Môn) tự hào kể về những đóng góp của người dân cho cách mạng trong những năm kháng chiến. Ảnh: H.T

“Để đảm bảo an toàn trước sự càn quét của địch, nhiều làng trước đây định cư dọc sông Ba phải nhiều lần di dời tới nơi ở mới. Đi đến đâu, người dân khai hoang sản xuất đến đó. Các hộ chia thành từng tổ đổi công để hỗ trợ nhau sản xuất. Mỗi đợt thu hoạch, cứ thu được 10 gùi thóc, người dân lại đóng góp 6 gùi cho cách mạng; ngoài ra còn góp gia súc, gia cầm và các sản phẩm lâm sản. Nếu tính cả giai đoạn 1961-1975, người dân trong xã đã tham gia hơn 40.000 ngày công phục vụ chiến đấu, đóng góp hơn 2.300 tấn lương thực, 400 con trâu, bò, heo, hàng trăm chiếc khố và chăn đắp cho cách mạng”-ông Khai hồi nhớ.

Sống cùng làng với ông Khai, ông Đinh Cư (SN 1949)-nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đak Pơ vẫn còn nhớ như in những đóng góp của dân làng cho cách mạng. Ông chia sẻ: “Hồi đó, tôi đã thoát ly đi bộ đội nhưng thỉnh thoảng vẫn được đơn vị cho về thăm gia đình. Những lúc đó, tôi tranh thủ tham gia cùng dân làng lên núi chặt cây làm kho, đêm đến thì gùi gạo đổ vào kho cho bộ đội. Cả làng ai cũng tham gia. Bố mẹ tôi khi ấy có 3 ha lúa rẫy, mỗi năm chỉ thu được hơn 1 tấn thóc nhưng vẫn sẵn sàng đóng hơn một nửa cho cách mạng, số còn lại gia đình độn với mì ăn hàng ngày để phòng thiếu đói lúc giáp hạt. Ngoài ra, mẹ tôi và phụ nữ trong làng còn dệt chăn, khố cung cấp cho bộ đội”.

Dù đã hẹn trước nhưng mãi đến khi mặt trời khuất sau rặng núi, bà Đinh Thị Khio (SN 1937, làng Jro Ktu Đak Yang) mới từ rẫy trở về. Trò chuyện với chúng tôi, bà Khio tâm sự: “Nhờ có cây lúa rẫy, dân làng đã nuôi bộ đội no cái bụng để đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, với tôi, cây lúa rẫy như là người bạn tâm giao, hôm nào không lên rẫy, tôi thấy nhớ lắm”.

22-2047.jpg
Bà Đinh Thị Khio (làng Jro Ktu Đak Yang) bên con cháu. Ảnh: H.T

88 tuổi, lưng đã còng, bước chân đã chậm nhưng bà Khio vẫn còn rất minh mẫn. Bà nhớ lại: Làng Jro Ktu Đak Yang thường xuyên bị địch bắn phá. Ngày ấy, lúa rẫy chỉ đạt năng suất 5-7 tạ/ha/năm. Năm nào bị địch bắn phá liên tục thì chỉ thu được vài gùi. Vậy nhưng, mỗi lần huyện, xã huy động góp thóc ủng hộ cách mạng, bà con dân làng đều sẵn sàng đóng góp và chỉ giữ lại số ít để gia đình nấu độn với củ mì ăn qua ngày, đói giáp hạt thì đào thêm củ mài về ăn.

“Giai đoạn 1961-1975, người dân làng Jro Ktu Đak Yang được chia thành từng nhóm nhỏ. Nhóm của chúng tôi có gia đình tôi, gia đình bà Đinh Thị Chắt và Đinh Thị Chei. Mỗi vụ, 3 hộ đóng góp được gần 1 tấn thóc. Ban đầu, mọi người tập trung tại nhà tôi để giã gạo, sau đó đổi sang nhà khác để tránh bị địch phát hiện. Đêm đến, chúng tôi mang gạo đến cho bộ đội”-bà Khio cho hay.

Còn bà Đinh Thị Chei (SN 1958) cũng nhắc nhớ: “Năm lên 10 tuổi, tôi đã tham gia cùng các bà, các chị trong làng lên rẫy trỉa lúa, thu hoạch và giã gạo để đóng góp cho bộ đội. Khi giã gạo, chúng tôi thường thay nhau đứng canh ở đầu làng, nếu phát hiện địch đi vào thì báo hiệu để mọi người xuống hầm trú ẩn”.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Var-chị gái của bà Chei-chia sẻ: “Tôi là con gái cả trong nhà nên ngoài trồng lúa, giã gạo còn đảm nhận việc gùi gạo lên kho cho bộ đội. Nhiều lần, tôi chạm mặt với quân địch nhưng nhờ nhanh trí giấu gùi gạo vào bụi cây nên địch không nghi ngờ gì”.

11-6759.jpg
Trong kháng chiến, bà Đinh Thị Chei (làng Jro Ktu Đak Yang) tham gia sản xuất để có lương thực đóng góp cho cách mạng. Ảnh: H.T

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Phạm Thị Thúy-Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc-cho biết: Trong những năm kháng chiến, người Bahnar ở xã Yang Bắc đã có nhiều đóng góp cho cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại, bà con vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Xã Yang Bắc được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Thành đồng hạng ba (năm 1963); được tuyên dương là xã chiến đấu xuất sắc toàn diện (năm 1966); danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998).

“Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cán bộ và người dân trong xã nỗ lực phấn đấu để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đến nay, diện tích sản xuất của xã đã mở rộng lên hơn 2.700 ha, đàn gia súc trên 6.100 con, đàn gia cầm trên 23.000 con. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với gia đình có công và tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế”-Bí thư Đảng ủy xã khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

(GLO)- “Gia Lai cho chúng em cảm giác thân thuộc như ở quê nhà. Người dân nơi đây luôn yêu thương, giúp đỡ lưu học sinh Lào. Nếu lựa chọn lại, em vẫn sẽ chọn sang đây du học”-Sidavong Sinnakhone-Sinh viên năm thứ 2 thuộc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-vui vẻ nói.

Tuổi trẻ Báo Gia Lai và BIDV ôn lại lịch sử qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

Tuổi trẻ Báo Gia Lai và BIDV ôn lại lịch sử qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

(GLO)- Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 27-4, tại Touch Cinema (TP. Pleiku), Chi đoàn Báo Gia Lai và Đoàn Thanh niên BIDV Gia Lai đã cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Đăk Djrăng: Điểm sáng trong công tác Hội và phong trào nông dân

Điểm sáng trong công tác Hội và phong trào nông dân

(GLO)- Góp phần thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Hội Nông dân xã Đăk Djrăng (huyện Mang Yang) đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng địa phương phát triển.

Công an phường Diên Hồng: Nỗ lực phục vụ người dân làm căn cước và định danh điện tử

Công an phường Diên Hồng nỗ lực phục vụ người dân làm căn cước và định danh điện tử

(GLO)- Sau khi Công an TP. Pleiku giải thể, Công an phường Diên Hồng được bố trí làm điểm tiếp nhận thủ tục cấp căn cước và định danh điện tử cho người dân trên địa bàn thành phố. Dù chưa có cán bộ chuyên trách nhưng Công an phường đang nỗ lực hỗ trợ người dân, đảm bảo không gián đoạn, ngắt quãng.

Gia Lai lấy ý kiến thay đổi số lượng bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu năm 2024

Gia Lai lấy ý kiến thay đổi số lượng bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu năm 2024

(GLO)- Nhằm đảm bảo số lượng theo quy định, Tỉnh Đoàn vừa có Công văn gửi đại diện lãnh đạo thuộc Hội đồng xét, bình chọn Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Gia Lai về việc xin ý kiến thay đổi số lượng và danh sách đề nghị xét, khen thưởng Công dân trẻ tiêu biểu năm 2024.

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

Gắn kết sinh viên Việt-Lào

(GLO)- Nhờ sự quan tâm, đồng hành của các thầy-cô giáo cùng sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, các lưu học sinh Lào đã hòa nhập với môi trường mới, tự tin giao tiếp và học tập tốt.