Về Tân Sơn thăm mô hình trồng nấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước vào trang trại trồng nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (thôn Tiên Sơn 3- xã Tân Sơn- Tp.Pleiku), chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi vô số các loại nấm bào ngư, linh chi, mộc nhĩ… Sau 4 năm gắn bó với nghề, đến nay, mô hình trồng nấm của gia đình chị Oanh đã có 8 giàn nấm với 120.000 bì và cho thu hoạch nhiều đợt trong năm.

Trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng chưa thể cải thiện được cuộc sống gia đình, năm 2014 vợ chồng chị Kiều Oanh đã mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm. Với trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Một lần tình cờ nghe về mô hình trồng nấm, vợ chồng chị đã rất thích thú, đam mê và nghĩ có thể làm giàu từ cây nấm. “ Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về cây nấm và bắt tay vào thử nghiệm. Sau khi tham khảo một số mô hình trồng nấm, mình quyết định dựng lên 8 giàn để trồng nhiều loại nấm khác nhau như nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi… Tưởng mọi việc sẽ thuận lợi theo ý mình, ai ngờ, tất cả đều đổ bể”- chị Nguyễn Thị Kiều Oanh trầm ngâm, nhớ lại.

Người trồng nấm phải kiên trì, chịu khó và chăm nấm như… chăm con. Ảnh: Trần Dung
Người trồng nấm phải kiên trì, chịu khó và chăm nấm như… chăm con. Ảnh: Trần Dung

Bước vào nghề trồng nấm, anh chị đã phải bán đi một căn nhà mặt phố trị giá nhiều tỷ đồng để lấy vốn đầu tư. Tuy nhiên, ngày từ những ngày mới lập trang trại, anh chị đã gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức như: chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ thuật trồng nấm… Vậy là hàng loạt những bịch nấm lần lượt chết yểu, thối rữa và không cho thu hoạch. Khi nấm gặp sự cố, anh chị chưa biết cách để ngăn chặn, xử lý. Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm niềm say mê làm giàu, tính ham học hỏi, anh chị đã bắt đầu lại từ đầu với việc tìm hiểu thêm về kĩ thuật trồng nấm tại nhiều mô hình ở các tỉnh thành khác. Ngoài ra, việc tìm thị trường đầu ra cho nấm cũng được anh chị đặc biệt chú trọng, để tránh những bỡ ngỡ, thiếu sót.

Nấm đang trong mùa thu hoạch. Ảnh: Trần Dung
Nấm đang trong mùa thu hoạch. Ảnh: Trần Dung

Chị Oanh chia sẻ: “Trồng nấm sò, mục nhĩ, nấm linh chi mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng đơn giản nhưng quan trọng nhất là người trồng nấm phải kiên trì, chịu khó và chăm nấm như… chăm con. Thức khuya, dậy sớm để theo dõi từng bước phát triển của nó. Tới lúc nấm cho thu hoạch mới thở phào nhẹ nhõm. Nhiều người nói trồng nấm dễ nhưng thực chất nếu muốn trồng được nấm chất lượng và đạt hiệu quả thì không đơn giản chút nào”.  Đến nay, sản phẩm nấm của trang trại chị Oanh được tiêu thụ tại nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ trên thị trường Gia Lai.  Nấm mộc nhĩ được bán cho thương lái với giá từ 95.000 - 100.000 đồng/kg; nấm bào ngư có giá 25.000/kg; nấm vân chi bán ra với giá 1 triệu đồng/kg…Với số lượng 120.000 bịch nấm các loại, mỗi năm trang trại của anh chị cho thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng.

Trên đà thuận lợi, vợ chồng chị Oanh tiếp tục đầu tư vốn mở rộng trang trại, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động chính và hàng chục lao động thời vụ. Bên cạnh đó, với mong muốn giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên địa phương, chị Oanh đã hướng dẫn, giúp đỡ họ học nghề trồng nấm để cùng nhân rộng và phát triển mô hình phát triển kinh tế hiệu quả này.

Tham quan mô hình trồng nấm của chị Oanh. Ảnh: Trần Dung
Tham quan mô hình trồng nấm của chị Oanh. Ảnh: Trần Dung

“Mô hình trồng nấm của gia đình chị Oanh đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, giải quyết, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương,  góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Sơn (TP.Pleiku) Nguyễn Đình Khánh, nhận xét.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.