Vận động vào buổi sáng sau khi thức dậy là “liều thuốc” giúp cơ thể khỏe mạnh cả ngày. Tuy nhiên, vận động như thế nào để tốt cho sức khỏe?
Ở lứa tuổi thanh niên có thể chọn những bộ môn vận động mạnh để tăng cường thể lực |
Người tập phải hết sức lưu ý nên tập luyện ra sao trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Vì sao phải vận động buổi sáng?
Theo TS Nguyễn Đình Phú-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 TP. Hồ Chí Minh, cơ thể chúng ta đã ở trong trạng thái nghỉ ngơi sau một giấc ngủ dài 7-8 tiếng, việc vận động vào buổi sáng sẽ làm tăng sự tuần hoàn máu, kích thích hệ hô hấp và hệ cơ, tạo sảng khoái, tăng năng lượng cho một ngày mới.
TS Tăng Hà Nam Anh-Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho rằng tập thể dục vào buổi sáng là thói quen rất tốt cho sức khỏe và nên là lựa chọn ưu tiên của mọi người vì khí trời mát mẻ, vắng người, yên tĩnh.
Mọi người nên duy trì vận động đều đặn vào mỗi buổi sáng. Tùy theo độ tuổi và tính chất công việc mà có thời gian và cường độ tập luyện khác nhau.
Lưu ý thời gian và cường độ tập luyện
Khung giờ tập luyện thích hợp nhất từ 5-6 giờ hoặc trước 7 giờ. Tuy nhiên, người tập không được vận động quá sớm, khoảng 3-4 giờ vì thời điểm này dễ xảy ra đột quỵ, đặc biệt đối với người lớn tuổi. Người tập không nên kết thúc tập luyện quá muộn vì lúc này ánh nắng mặt trời gay gắt gây ảnh hưởng xấu đến làn da.
Bác sĩ Phú cho biết khi ra ngoài sáng sớm, môi trường quá lạnh, nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, điều này làm cơ thể càng dễ cảm lạnh. Vì vậy người tập luôn cần vận động nhẹ để nới lỏng cơ bắp, làm cho cơ thể đủ ấm trước khi bước ra ngoài đường.
Thời gian vận động đạt một tiếng đồng hồ khi người tập muốn đốt đi lượng mỡ thừa trên cơ thể. 15-20 phút chỉ là thời điểm cơ thể lấy lượng đường trong mỡ để tạo năng lượng trong khi tập. Trường hợp người tập vận động đều đặn mỗi ngày nhưng không giảm cân được vì thời gian tập chưa đến giai đoạn đốt mỡ.
Tập theo thể trạng
Bác sĩ Nam Anh phân tích: “Tùy thuộc vào thể trạng mỗi người mà có thời gian và cường độ vận động khác nhau. Vận động làm sao cho vừa đủ nhịp tim tăng lên khoảng gấp rưỡi là tốt cho sức khỏe, đừng để nhịp tim tăng quá nhiều”.
Ví dụ người tập muốn to cơ thì cần vận động với cường độ mạnh, thời gian ngắn và lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu người tập muốn tăng sức bền, sức đề kháng thì nên tập với cường độ nhẹ và trong khoảng thời gian dài, ít nhất là 30 phút.
Cùng ý kiến, bác sĩ Phú cho rằng tùy theo thể trạng sức khỏe, người tập nên chọn phương pháp, cường độ, thời gian vận động thích hợp. Riêng những người có bệnh lý về tim, hô hấp, xương khớp… cần có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý tập luyện.
Chú ý việc "làm nguội"
Trước khi vận động cần làm nóng cơ thể để các dây chằng, bao khớp được căng ra, vì trong dây chằng và bao khớp có những tín hiệu thần kinh, những thụ thể thần kinh. Khi người tập khởi động trước khi vào luyện tập sẽ giúp cơ thể sẵn sàng ứng phó với những chuyện xảy ra đột ngột như té, ngã…
Theo bác sĩ Phú, người tập nên thả lỏng cơ thể bằng cách đi bộ 10-15 phút. Không nên tắm ngay sau khi tập xong, bởi vì lúc này tuyến mồ hôi đang giãn nở để thoát nhiệt, tắm ngay rất dễ bị cảm lạnh. Vì vậy, cần thư giãn 10-15 phút, sau đó tắm nước nóng hay nước lạnh là tùy cơ thể mỗi người.
Bác sĩ Nam Anh nhấn mạnh: “Sau khi vận động xong không nên “làm nguội” cơ thể một cách chóng vánh, nên giảm cường độ tập bằng cách đi tới đi lui để dây chằng và bao cơ khớp co trở lại”.
Người tập luyện tuyệt đối không nên “làm nguội” cơ thể bằng cách tắm hay bơi sau khi vừa mới vận động xong. Khi cơ thể đang toát mồ hôi mà tắm thì nhiệt độ cơ thể sẽ bị hạ xuống một cách đột ngột, điều này làm co thắt mạch, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Vận động phù hợp với thể trạng để có một sức khỏe tốt |
Theo Tuoitre