Văn Công Hùng: Đi hoài không hết một cơn mơ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tập thơ “Trong cơn mơ có thực” là đầu sách thứ 13 trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Văn Công Hùng. Tập sách dày dặn gồm gần 70 bài thơ, được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, phát hành vào đầu năm 2020.
“Trong cơn mơ có thực” tập hợp những sáng tác của Văn Công Hùng từ lúc ông chuẩn bị nghỉ hưu đến nay, sau khi ông đã tạm khép lại những bộn bề của những tháng ngày công sở. Có lẽ vì thế nên thơ ông cũng tung tẩy, phóng khoáng, “thoát xác” khỏi những gò bó ràng buộc khuôn thước.
Văn Công Hùng có gần 40 năm vui buồn, nhọc nhằn, sướng khổ với Tây Nguyên. Bởi thế, miền đất ấy như định vị sẵn trong tâm trí, tình cảm của ông, để rồi nó cứ ghim chặt ở một khoảng nào đó trong ngồn ngộn, trập trùng câu chữ.
Tây Nguyên trong thơ Văn Công Hùng không chỉ là tên gọi của địa danh cụ thể nào đó, mà nó gắn chặt với đất, với người, với những cánh rừng, con suối, thác nước, dốc đèo… Rồi mịt mùng, thăm thẳm, bày ma trận trong câu, trong chữ: “Thôi thì tháng giêng cứ cơn cớ vu vơ mà gieo vào thương nhớ/người ở tận đâu rồi sao vẫn tiếc chỗ ngồi quen/vỉa hè rét ly cà phê bốc khói/mầm vênh vao ngoằng ngoẵng phía thông già” (Thôi thì tháng giêng).
Văn Công Hùng gửi gắm rất nhiều suy nghĩ về thơ, về sứ mạng của nhà thơ và thơ ca qua chính những sáng tác của mình. Ở vào độ sâu sắc của trải nghiệm đời người, hơn nữa, lại nhạy cảm và có trách nhiệm với thời cuộc, ông luôn bộc bạch những ưu tư về cuộc sống: “những ngày này lò đốt lên rừng rực/củi khô củi tươi cháy tuốt thành than/…/bạn bè tôi ơi mỗi người mỗi phận/cuối đời gặp nhau giản dị là cười” (Những ngày này…).
Tập thơ “Trong cơn mơ có thực”. Ảnh: Đào An Duyên
Tập thơ “Trong cơn mơ có thực”. Ảnh: Đào An Duyên
Không chỉ ưu tư nỗi niềm thế sự, đọc thơ, ta còn bắt gặp một Văn Công Hùng nhân văn trong từng nếp nghĩ. Thơ ông chan chứa tình yêu thương. Thương một “Người lính già khóc trên ti vi” vì “năm anh em giờ nhõn một mình”. Thương những phận người như lá tre dập dềnh trên biển nước: “miền Trung lại một lần tan hoang/những phận người lá tre trong gió/… /miền Trung lụt thành thương hiệu/hỏi nhau nhà mày nước rút chưa?” (Miền Trung cả đời thương khó mãi sao?).
Một điều người đọc có thể nhận thấy trong tập thơ này, Văn Công Hùng nhiều lần nhắc đến tuổi tác. Chúng ta cũng có thể đọc được sự tiếc nuối trong ông, đó là nỗi nuối tiếc tuổi xuân trai trẻ đã trôi qua. Từ xa xôi ẩn dụ bày tỏ: “anh rất lấy làm tiếc/khi chiều qua mất rồi/tiếc những tia nắng muộn/rụng đầy trên mặt sông”, đến minh triết hiển ngôn hốt hoảng tiếc: “anh rất lấy làm tiếc/tuổi vừa trôi qua đầu/mắt môi còn ngọt thế/làm sao mà bể dâu/anh rất lấy làm tiếc/mùa thu trôi vèo vèo/bàn tay đương lơ đãng/túm vào một vết xanh” (Tiếc).
Vậy nhưng, tình yêu trong thơ Văn Công Hùng lại không hề có tuổi. Nhân vật trữ tình “em” như một mạch ngầm chảy tràn trong thơ ông, bí ẩn, trẻ trung, trong trẻo mà bừng thức: “em lướt qua khu vườn ngợp tưởng tượng của anh/quầng sáng mong manh cháy bùng mùa thu cũ/…/chợt rùng mình buốt một nỗi không tên” (Nghĩ về một nơi rất xa). Và: “em từ miền không tưởng/đậu xuống ngày hồng hoang/chiều run như động đất/núm lên khe đồi nghiêng” (Trong cơn mơ có thực).
Với Văn Công Hùng, từ hành trình cuộc sống, ông đã đến với thi ca như một mối duyên nợ tự nhiên và mang nặng những đam mê cháy bỏng. Dẫu thơ ông thực sự không hoàn toàn có sự cách tân bứt phá về mặt hình thức, đôi khi ông còn lặp lại mình ở nội dung.
Thế nhưng, yêu thơ và dấn thân với đam mê đã là một điều đặc biệt đáng trân trọng ở Văn Công Hùng. Với thơ ca, ông như đi trong một cơn mơ bảng lảng của xúc cảm. Đúng như ông đã bộc bạch: “có những chân trời rất xa/đời người đi hoài không hết/thương người miên du mải miết/sông trôi như lễ hiến mình” (Sương em). Và tôi dựa vào ý thơ đó mà “lẩy” ra rằng, ông đi hoài không hết một cơn mơ.
Nhà thơ Văn Công Hùng quan niệm: “Viết không bao giờ là trò chơi, mà là cuộc vật lộn khổ sở, là nghiệp đeo đẳng suốt đời. Chữ không làm cho người no, nhưng cho ta cảm giác bình an, và như thế là hạnh phúc. Nhiều hay ít là do tài năng từng người, nhưng được một câu thơ, một bài báo có ích là mong mỏi của tôi, người viết”.
Với cả một quá trình tích lũy dày dặn, chưng cất và khẳng định mình, có thể thấy rằng, những tác phẩm của ông có những giá trị thẩm mỹ nhất định, khẳng định một phong cách thơ với ngôn ngữ và giọng điệu riêng. Con đường thơ của ông là một cuộc hành trình bền bỉ, vượt lên trên hoàn cảnh để tự viết nên tên tuổi của chính mình. Hành trình đó còn là sự tìm tòi, khám phá vẻ đẹp của con người, thiên nhiên và cuộc sống; những trăn trở, suy tư, hoài niệm, những triết lý, chiêm nghiệm trước cuộc đời… Tất cả hòa quyện để tạo nên một hồn thơ, một thế giới thơ phong phú và đa dạng.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.