Vạch trần kỹ nghệ tạo... "Thần y" (*): Người cười, kẻ khóc ở Ba Vì

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong vòng xoáy của kỹ nghệ tạo "thần y", có những sự thật ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội, khiến nhóm phóng viên Báo Người Lao Động không khỏi ngỡ ngàng
Từ đoạn video quảng cáo trên Youtube, Facebook, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại thì được giới thiệu đây là trang web chính thức của "thần y" Triệu Thị Thanh, địa chỉ ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. "Nếu các anh muốn ra Hà Nội gặp cô Thanh thì liên hệ với tôi gấp. Ra đến UBND huyện Ba Vì, tôi sẽ hướng dẫn các anh đến tận nhà cô Thanh" - người phụ nữ nhắn nhủ trước khi chúng tôi lên đường từ TP HCM ra Hà Nội.
Lương y Triệu Thị Thanh cầu cứu
Ra đến Hà Nội, theo chỉ dẫn của người phụ nữ trên, chúng tôi đến UBND huyện Ba Vì để đến nhà lương y Triệu Thị Thanh nhưng tìm kiếm 3 giờ vẫn không thấy. Chúng tôi gọi điện lại hỏi người phụ nữ thì nhận được câu trả lời: "Cô Thanh nay đi họp gấp ở TP Hà Nội, không có ở nhà. Các anh bị bệnh gì, tôi bốc thuốc rồi mang ra gần trụ sở UBND huyện Ba Vì cho luôn. Chúng tôi giao dịch online là chính, ít người đến nhà lắm".
Quyết tìm cho ra chân tướng sự việc, chúng tôi tiếp tục liên hệ vào nhiều số điện thoại quảng cáo trên YouTube xưng là "thần y" Triệu Thị Thanh, kết quả vẫn không tìm ra địa chỉ mà chỉ được hướng dẫn mua thuốc qua online. Đến chiều tối, thông qua mối quan hệ của các đồng nghiệp, chúng tôi cũng tìm ra căn nhà cấp 4 đơn sơ của lương y Triệu Thị Thanh, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì.
Khi chúng tôi đến, lương y Triệu Thị Thanh vẫn đang miệt mài kê thuốc cho người bệnh, trên bàn còn có cuốn sổ ghi chép về người bệnh rất tỉ mỉ. Vừa mở đầu câu chuyện về hình ảnh bà xuất hiện trên mạng với những cam kết chữa bệnh này nọ dứt điểm trong 1 thang thuốc, lương y Triệu Thị Thanh bức xúc nói: Họ đã cắt ghép và giả mạo, bịa đặt hoàn toàn. "Bản thân tôi đã từ chối hơn chục lời đề nghị của các công ty truyền thông, công ty dược có trụ sở tại trung tâm TP Hà Nội. Họ sẵn sàng bỏ số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng nếu tôi đồng ý ghi hình và nói theo những kịch bản soạn sẵn nhưng tôi từ chối thẳng thừng" - lương y Triệu Thị Thanh khẳng định.
Theo lương y Triệu Thị Thanh, duy chỉ có một lần là vào năm 2018, có một nhóm người giới thiệu làm ở đài truyền hình đến gặp bà để xin quay phim giới thiệu về một số cây thảo dược có khả năng chữa các bệnh về gan, thận… Tin là người của cơ quan nhà nước nên bà đồng ý. Để rồi không hiểu tại sao hình ảnh đó lại được nhiều YouTuber sử dụng để cắt ghép với nhiều nội dung không đúng sự thật.

Lương y Triệu Thị Thanh - Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội - bức xúc vì hình ảnh bị cắt ghép để lừa bán thuốc. Ảnh: LÊ NGUYỄN
Lương y Triệu Thị Thanh - Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội - bức xúc vì hình ảnh bị cắt ghép để lừa bán thuốc. Ảnh: LÊ NGUYỄN
Khi biết được kẻ giả mạo mình để trục lợi, gia đình bà Thanh đã liên hệ các số điện thoại quảng cáo trong video để cảnh báo và yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh nhưng lại nhận được những lời thách thức, thóa mạ. Thậm chí, nhóm người này còn nhắn địa chỉ, thách đố gia đình bà Thanh tố cáo đến cơ quan chức năng. Vì sợ phiền phức nên bà Thanh chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt".
"Thời gian gần đây, nhiều YouTuber còn táo tợn hơn khi lấy hình ảnh của tôi rồi lồng ghép giọng nói: "Nhà tôi 3 đời chữa bệnh…" khiến tôi rất khổ sở, xấu hổ với người quen, người thân" - lương y Triệu Thị Thanh nói. "Tôi chỉ bốc thuốc chữa bệnh, cứu người, chưa bao giờ lên mạng quảng cáo và hứa hẹn chữa khỏi bệnh 100% cho bệnh nhân. Họ lấy hình ảnh của tôi để lừa đảo và trục lợi. Tôi mong Báo Người Lao Động lên tiếng giúp, bởi bản thân tôi không làm gì được họ. Tôi mệt mỏi lắm rồi" - lương y Triệu Thị Thanh cầu cứu.
Theo bà, vì tin theo lời quảng cáo trên mạng xã hội, không ít người bị bệnh đã mua thuốc về uống nhưng bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn nên tìm đến nhà bà chửi bới, lăng mạ.
"Thần y" trên mạng phất lên bất ngờ
Theo lương y Triệu Thị Thanh, bà làm thuốc hàng chục năm nhưng vẫn không thể khấm khá được dù việc hái thuốc, bào chế đều do con, cháu trong nhà đảm trách. "Mỗi thang thuốc, tôi lãi từ 20.000-40.000 đồng và nếu gặp người khó khăn thường tôi tặng miễn phí. Vì vậy, bao năm làm thuốc vẫn không khá nổi nói gì đến việc làm giàu nhờ nghề bốc thuốc chữa bệnh" - lương y Triệu Thị Thanh tâm sự. Bà thông tin hiện Hội Đông y xã Ba Vì có 131 hội viên và chỉ vài người được cấp giấy chứng chỉ hành nghề và được phép treo bảng kinh doanh. Thế nhưng, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người dân và kể cả hội viên Hội Đông y xã Ba Vì gật đầu trước những bản hợp đồng béo bở để trở thành "thần y" trên mạng.
Trái ngược với căn nhà cấp 4 đơn sơ của lương y Triệu Thị Thanh, ở xã Ba Vì có đến hàng chục căn biệt thự bề thế mọc lên. Chủ nhân của những căn biệt thự này là những người gần đây được gắn mác "thần y" trên mạng, thậm chí có gia đình mới bán thuốc chưa được 2 năm đã xây căn nhà trị giá 4 tỉ đồng. Bất ngờ hơn là những loại thuốc được các "thần y" cho là vô cùng quý hiếm lại được cắt lát nhỏ, phơi đầy ngoài sân, thậm chí ngoài đường bụi bặm, không bảo đảm vệ sinh. Một người đàn ông tên T. chỉ cho chúng tôi căn nhà cao tầng, rộng lớn cách nhà bà Thanh không xa, nói chủ nhân căn nhà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh được khoảng chục năm, chủ yếu chữa bệnh ung thư. "Không biết bài thuốc quảng cáo thế nào mà hằng ngày có nhiều người đến mua thuốc gửi đi hoặc khám bệnh và bốc thuốc trực tiếp. Trong khi đó, xã có nhiều người bị bệnh ung thư thì các "thần y" có chữa hết được đâu" - ông T. chua chát nói. Theo ông T., nhẩm sơ cũng thấy vị "thần y" trên kiếm cả vài chục triệu đồng mỗi ngày nên xây nhà cao tầng, mua xe hơi là điều dễ thấy, dễ hiểu.

Căn nhà vừa được xây dựng sau khi bà Thúy trở thành “thần y” trên mạng. Ảnh: LÊ NGUYỄN
Căn nhà vừa được xây dựng sau khi bà Thúy trở thành “thần y” trên mạng. Ảnh: LÊ NGUYỄN
Qua quan sát của chúng tôi, sự ăn nên làm ra của các "thần y" trên mạng ở xã Ba Vì còn thể hiện qua việc họ thuê người trong xóm làm nhiệm vụ ra các tuyến đường chính đón khách vào nhà, mỗi lần như vậy sẽ được trả số tiền 30.000-60.000 đồng. Thu nhập của những người dẫn dắt bệnh nhân vào nhà có ngày lên đến 300.000-400.000 đồng. Thậm chí, có những "thần y" trên mạng thuê hẳn bãi đất nhà hàng xóm để cho bệnh nhân, khách hàng có chỗ đậu ôtô mỗi khi đến khám hoặc mua thuốc.
Trở lại nhà bà Thúy (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) vào chiều hôm sau, phóng viên Báo Người Lao Động không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến kho thuốc đông y chừng 30 m2 nhà bà vơi đi gần nửa. "Chiều qua, có người vào lấy gần tấn và hẹn 2 hôm nữa sẽ lấy 1 tấn" - bà Thúy nói và hỏi: "Giờ các chú đã tin chưa?".
Theo nhẩm tính với sức bán như vậy, mỗi ngày bà Thúy kiếm được hàng chục triệu đồng. Chẳng thế mà khi hỏi thăm về gia đình bà Thúy, gần như người dân đều chỉ dẫn đến ngã ba dốc núi thấy căn nhà nào to nhất. Quả thật, đứng cách nhà bà Thúy hơn 300 m nhưng chúng tôi dễ dàng nhìn thấy cánh cổng to và căn nhà 3 tầng hiện ra. Sân nhà được lát gạch men rộng tương đương sân bóng đá dành cho 6 người. Bên hông căn nhà 3 tầng là nhà kho khoảng 30 m2 chứa thảo dược và thuốc đã được bào chế. Cửa vào nhà làm bằng gỗ khối cao hơn 2 m. Bên trong nhà "thần y" này mọi vật dụng đều làm bằng gỗ.
Tuy bán ra lượng lớn thuốc đông y nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình bà Thúy không có ai là lương y chứ đừng nói đến 2 chữ "thần y" như những video quảng cáo rầm rộ trên mạng trước đó. 
"Tôi khẳng định có những người nắm trong tay các bài thuốc y học cổ truyền quý nhưng chưa ai tài giỏi đến mức chữa bệnh vài ngày là khỏi như lời quảng cáo trên mạng xã hội".
Lương y TRIỆU THỊ THANH, Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Hàng loạt video quảng cáo biến mất
Sau khi Báo Người Lao Động đăng tải loạt bài "Vạch trần kỹ nghệ tạo... "thần y", ngay lập tức hơn 25 video quảng cáo về các bài thuốc có khả năng trị bá bệnh đã không còn xuất hiện trên nền tảng YouTube.
Theo thống kê, tổng các video tính đến tối 25-4 đã có hơn 18 triệu lượt xem. Theo thông tin của phóng viên Báo Người Lao Động thì Trọng (nhân vật chuyên lên kịch bản video có nội dung về "thần y" nhằm kinh doanh các loại thuốc đông y) chính là người đã chủ động nhắn cho các YouTuber với nội dung tạm khóa video và khuyên: "Hiện các cơ quan chức năng đã kiểm tra, tạm thời ẩn một thời gian và xem xét tình hình sẽ đăng tải trở lại" (!?).
Kỳ tới: Hồi chuông cảnh tỉnh
NHÓM PHÓNG VIÊN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.