U70 làm lao công… miễn phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ngày nào ông Nguyễn Văn Bun (thôn Đông Hà, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông) cũng ra quét rác, tưới nước cho những luống hoa ở các khu vực công cộng của thôn và trung tâm thị trấn. Với ông, đó chỉ là góp chút công sức nhỏ bé để làm đẹp quê hương và xây dựng đô thị văn minh.
Tôi biết thông tin trên về ông Bun khi vô tình lướt facebook và bắt gặp tài khoản Facebook của Đoàn Thanh niên thị trấn Chư Prông đăng tải hình ảnh ông đang nhặt rác và tưới nước cho các luống hoa. Tại tài khoản faceboook này, nhiều người đã dành cho ông những lời bình luận tốt đẹp: “Bác này sáng nào cũng thấy lên quảng trường nhặt rác”; “Đi hay gặp bác này đốt rác ở đường lắm, chỗ nào có rác là bác nhặt đốt cho sạch sẽ”; “Có bữa giữa trưa nắng, bác này đi qua nhà em xin hoa mười giờ để trồng vào các gốc cây ngoài đường cho đẹp. Tuổi cao nhưng bác có những sở thích thật hay…”. Từ những thông tin trên cộng với những lời khen ngợi của bà Trần Thị Diệu Lý-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn, tôi quyết định tìm gặp ông.
 Nhờ chăm sóc tốt, những luống hoa do ông Bun trồng đã bén rễ và ra hoa thơm ngát. Ảnh: H.T
Nhờ chăm sóc tốt, những luống hoa do ông Bun trồng đã bén rễ và ra hoa thơm ngát. Ảnh: H.T

Bà Vũ Thị Đoàn-Phó Bí thư chi bộ thôn Đông Hà: “Từ trước đến nay, gia đình ông Bun luôn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, đặc biệt bản thân ông Bun những năm gần đây đã tự nguyện quét rác, trồng hoa ở các khu vực công cộng. Riêng năm 2016, gia đình ông còn tự nguyện xin thoát nghèo và năm nào cũng đóng đầy đủ các khoản phí ở địa phương. Vì vậy, năm nào gia đình ông cũng được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Hiện gia đình ông đang được bình chọn là 1/12 gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2019 của thôn”.

Điều khiến chúng tôi khá ấn tượng là dọc các tuyến đường dẫn vào nhà ông Bun không hề có túi ni lông, chai nhựa hay là rác thải khó phân hủy nào vương vãi, ngoại trừ một ít lá cây rụng chưa kịp quét dọn do cơn mưa tối hôm trước kéo dài đến sáng hôm sau. Được biết, những con hẻm này trở nên sạch sẽ một phần là nhờ ông Bun thường xuyên lui tới quét dọn, thu gom. Thế nhưng, khi gặp chúng tôi, ông rất khiêm tốn: “Tôi già rồi, lại rảnh rỗi nên làm có chút việc này không vấn đề gì, chỉ mong con cháu nó học tập và làm theo nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường chung được trong lành…”.
Ông Bun làm công việc quét và nhặt rác không công này đã hơn 6 năm nay. Trước đó, ngoài quét dọn và thu gom rác thải tại Hội trường thôn và một số tuyến đường trong thôn, ông còn quét rác tại một số khu vực công cộng như trước cổng dẫn vào Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị của huyện và tại một số trường học; đồng thời, thu gom những bao rác do người dân vứt bừa bãi tại các kênh mương, khu vực thưa nhà ở rồi đem đốt. Sau này, khi có Đội vệ sinh môi trường của huyện thu gom, ông chỉ quét dọn khu vực dẫn vào Hội trường thôn và một số tuyến đường của thôn. Mỗi lần làm xong, ông không quên ghi thêm dòng chữ “Không vứt rác bừa bãi tại khu vực này” hoặc nhắc nhở các hộ dân nên bỏ rác đúng nơi quy định. Ngoài ra, mỗi lần vào thắp hương cho người thân tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, ông cũng dành thời gian làm cỏ cho các ngôi mộ. 
Thấy việc ông Bun làm đã giúp không gian sống sạch sẽ hơn, người dân nơi đây dần dần nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường. “Nhiều khi thấy ông quét rác vào cả buổi trưa nắng, chúng tôi cũng lo cho sức khỏe của ông ấy lắm. Chúng tôi hưởng ứng việc làm của ông bằng việc bỏ rác đúng nơi quy định; ngay cả lũ trẻ mỗi lần ăn bánh xong cũng không vứt bao bì bừa bãi nữa”-chị Đỗ Thị Thanh Hường (cùng thôn) bày tỏ.
Không chỉ dừng lại ở việc quét rác, thời gian gần đây, ông Bun còn phát quang bụi rậm ở những khu vực thưa nhà ở để tạo không gian thông thoáng, ngăn chặn muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ông cũng tự tay trồng các luống hoa trước sân nhà mình, hai bên một số đoạn đường dẫn vào Hội trường thôn, khu vực Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện hay tại các gốc cây cảnh ở quảng trường và một số khu vực công cộng khác. “Xem trên ti vi, tôi thấy nhiều mô hình con đường hoa ở các xã xây dựng nông thôn mới rất đẹp. Từ đó, tôi đi khắp các khu dân cư tìm xem nhà nào có hoa thì xin giống rồi sau đó phát cỏ, cuốc đất trồng hoa”-ông Bun vui vẻ nói.
Đặc biệt, sau khi trồng hoa, ông còn tự tay tưới nước cho các luống hoa này. Mùa nắng, cứ đều đặn ngày 2 lần vào buổi trưa và chiều tối, ông lại lóc cóc đạp xe chở nước từ nhà hoặc xin nước của các hộ gần đó để tưới. Nhờ công trồng, chăm sóc của ông mà các loài hoa như mào gà, hoa sam, mười giờ… đã bén rễ, bung hoa, góp phần tô điểm cho không gian nơi đây thêm sạch đẹp. Nói về việc làm của bố mình, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Sức khỏe của bố tôi không được tốt lắm nhưng nhiều hôm ông vẫn đi nhặt rác và tưới hoa quên cả giờ ăn. Một số người không hiểu lại cho rằng bố tôi là lão khùng nên nhiều lần tôi khuyên bố không làm nữa. Dù vậy, bố tôi vẫn kiên quyết duy trì việc làm của mình nên tôi và người thân trong gia đình cũng để ông làm theo tâm nguyện. Dù sao thì đây cũng là việc làm rất ý nghĩa”.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.