Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2022: Sắc màu đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trở thành sự kiện tôn vinh di sản văn hóa, thiên nhiên và kích cầu du lịch được chờ đợi nhất trong năm, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) năm 2022 đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong những ngày vừa qua.
 



Nô nức chơi hội

Lễ hội năm nay diễn ra đúng thời điểm hoa dã quỳ đang độ viên mãn nhất. Hàng chục ngàn người đổ về núi lửa Chư Đang Ya để chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên vào mùa đẹp nhất trong năm, hòa mình vào không khí hội hè với những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.

Được cả gia đình đẩy xe lăn đi dọc con đường vàng rực sắc hoa dã quỳ dài gần 1 km đến chân núi lửa, đối với chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (huyện Krông Pa), đây là khoảnh khắc đáng nhớ. Chị chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến núi lửa Chư Đang Ya và hạnh phúc khi được ngắm khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ. Chuyến đi này giúp tôi thấy yêu cuộc sống hơn”.

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Hoàng Ngọc



Đối với nhiều du khách, lễ hội hoa dã quỳ còn hấp dẫn bởi phong vị văn hóa bản địa, ẩm thực truyền thống và những sản vật địa phương. Chị Bích Ngọc (du khách TP. Hồ Chí Minh) cùng người bạn đồng hành thuê trang phục truyền thống, hóa thân thành những thiếu nữ Jrai để lưu lại hình ảnh đẹp ở vùng đất nhiều thi vị. Chị chia sẻ: “Chúng tôi biết về lễ hội qua mạng xã hội, ấn tượng trước những hình ảnh mà mọi người chia sẻ. Khi đến đây, tôi thực sự ấn tượng bởi sự sống động của vô vàn bông dã quỳ cùng khoe sắc. Người dân ở đây làm du lịch rất thân thiện, dễ thương”.

Du khách không chỉ được ngắm một trong những ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới, thắng cảnh nổi bật của du lịch Gia Lai mà còn được hòa mình vào không khí lễ hội, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc, xem nghệ nhân trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm. Anh Nguyễn Văn Thắng (du khách Hà Nội) sau khi được nghệ nhân đan lát Hyeo (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) hướng dẫn trải nghiệm thì bày tỏ: “Người bản địa rất kiên trì và tỉ mỉ, sản phẩm họ làm ra vô cùng tinh tế. Nếu chúng ta muốn đi du lịch theo kiểu sống chậm lại, để tâm trí được nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống thì du lịch văn hóa ở Tây Nguyên rất thích hợp”.

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya là sự kiện tôn vinh di sản văn hóa, thiên nhiên và kích cầu du lịch. Ảnh: Nguyễn Tấn Kần
Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya là sự kiện tôn vinh di sản văn hóa, thiên nhiên và kích cầu du lịch. Ảnh: Nguyễn Tấn Kần



“Bay trên sắc màu đại ngàn”

Điểm nhấn của lễ hội năm nay chính là du khách được bay trải nghiệm dù lượn ngắm toàn cảnh bức tranh thiên nhiên Chư Đang Ya từ trên cao. 45 phi công của các câu lạc bộ dù lượn ở Sơn Trà (Công ty cổ phần Dù lượn Đà Nẵng), Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh đã có những màn bay biểu diễn mãn nhãn, đồng thời thực hiện bay đôi cùng du khách. Hạ cánh sau 11 phút bay trải nghiệm dù lượn, anh Nguyễn Quốc Linh (công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) chia sẻ: “Nhìn từ trên cao, miệng núi lửa hình lòng chảo đặc trưng, mang vẻ đẹp rất hùng vĩ với những thảm hoa vàng rực. Bên dưới là những ngôi nhà nhỏ nhấp nhô trong thung lũng, dòng suối nhỏ mềm mại như một dải lụa. Ngắm toàn cảnh núi lửa từ trên cao tôi mới hiểu vì sao Chư Đang Ya được bình chọn là 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới”.

Nhiều du khách sau khi “Bay trên sắc màu đại ngàn” không chỉ được tận hưởng cảm giác lơ lửng dưới bầu trời xanh trong của Tây Nguyên, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên hùng vĩ mà còn rất hài lòng với những hình ảnh chụp từ độ cao 500-700 m. Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh-thành viên Câu lạc bộ dù lượn TP. Hồ Chí Minh-cho biết, chị đã bay dù lượn ở nhiều điểm du lịch trong cả nước nhưng đây là lần đầu bay biểu diễn ở Chư Đang Ya. Nữ phi công đánh giá: “Điểm bay này rất thuận lợi và khung cảnh tuyệt đẹp, nhất là miệng núi lửa nhìn từ trên cao mang đặc trưng rất riêng của vùng đất này. Sau lễ hội, tôi sẽ giới thiệu thắng cảnh này cho bạn bè và các câu lạc bộ dù lượn cả nước biết đến”.

Bay trải nghiệm dù lượn là hoạt động điểm nhấn của lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bay trải nghiệm dù lượn là hoạt động điểm nhấn của lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc



Quảng bá di sản văn hóa, thiên nhiên

Anh Lê Phước Bình-Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dù lượn Đà Nẵng-cho hay: Trong 2 ngày 11 và 12-11, các phi công đã phục vụ gần 100 lượt du khách bay trải nghiệm. Nhiều du khách đăng ký những vẫn chưa được bay do một vài yếu tố khách quan. “Đây là điểm bay dù lượn rất đẹp của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tôi hy vọng hoạt động này sẽ trở thành thường xuyên trong lễ hội hoa dã quỳ các năm sau, không chỉ làm phong phú sự trải nghiệm cho du khách mà còn giúp quảng bá hình ảnh du lịch địa phương hiệu quả”-anh Bình nói.

 

Sự đáng yêu của các em bé ở Chư Đang Ya thu hút du khách chụp ảnh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sự đáng yêu của các em bé ở Chư Đang Ya thu hút du khách chụp ảnh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra từ ngày 11 đến 17-11, trong đó các hoạt động trọng điểm diễn ra trong 3 ngày (11 đến 13-11) gồm: trình diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc; tái hiện lễ “Mừng lúa mới” của người Jrai; thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố; hội thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya. Ngoài ra, lễ hội có 30 gian hàng bán và giới thiệu sản vật đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện.

Theo ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện: Không chỉ kỳ vọng đón trên 100 ngàn lượt khách tham quan, mà từ lễ hội này hy vọng sẽ tạo hiệu ứng tốt cho ngành du lịch của tỉnh khi hàng trăm ngàn hình ảnh đẹp về lễ hội đã lan tỏa trên mạng xã hội. Lễ hội còn tạo cơ hội cho người dân địa phương tiếp xúc với nhiều đối tượng du khách để hoàn thiện, nâng cao kỹ năng phục vụ và nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách để làm du lịch một cách bài bản, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương qua con đường du lịch-dịch vụ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-đánh giá: “Qua 5 lần tổ chức, lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya trở thành thương hiệu riêng của du lịch Chư Păh nói riêng và du lịch Gia Lai nói chung. Sự kiện góp phần thu hút hàng chục ngàn lượt du khách về cho ngành du lịch của tỉnh. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của huyện Chư Păh trong công tác tổ chức, quảng bá, tuyên truyền, đồng thời đưa thêm nhiều hoạt động mới mẻ, tạo điểm nhấn để thu hút người dân và du khách”. Còn nói như ông Trần Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội thì: “Hoa dã quỳ là một nét đặc trưng riêng ở Tây Nguyên. Đây là loài hoa có sức sống mãnh liệt, thường bắt gặp mọc ở ven đường, góc phố, triền đồi hay thung lũng, nhưng có thể khẳng định hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya mang nét đặc trưng nhất khi kết hợp với ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm. Chúng tôi hy vọng, tuần lễ sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Đây còn là cầu nối quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn huyện”.

 

HOÀNG NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.