Việt Nam, nhất là tại TPHCM, các gia đình nghèo, thành phần yếu thế đang tiếp tục hứng chịu những cú sốc từ tác động của hậu đại dịch Covid-19 và những hệ lụy đã được báo trước của các tác động bên ngoài.
Chỉ riêng khái niệm “hộ nghèo” cũng cần có cách tiếp cận ở nhiều mức độ như nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo thì tái nghèo, sắp nghèo (chưa nghèo nhưng có khả năng cao rơi xuống nghèo). Hoặc ngay ở những địa bàn, trong giai đoạn nhất định không còn hộ nghèo nhưng vẫn tồn tại nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nếu không được bảo vệ, hỗ trợ họ rất dễ rơi vào tình trạng nghèo.
Cụ thể với nhóm người lao động phi chính thức, khi bài toán chính thức hóa lao động phi chính thức chưa được giải cộng với mạng lưới an sinh chưa thể bao phủ hết lên họ thì lại càng đẩy nhanh nhóm người này xuống “đáy” nghèo. Chưa kể, giải pháp căn cơ nhất để thoát nghèo là giải quyết việc làm thì một mặt là nhiệm vụ đào tạo, tái đào tạo (trong đó có kỹ năng nghề); mặt khác thị trường lao động phải đảm bảo có đơn hàng, duy trì thị phần. Mà điều này lại là thử thách nặng nề nhất trong tình hình hiện nay.
Do đó, hơn bao giờ hết thành phố cần thiết lập và vận hành một mô hình quỹ an sinh xã hội vừa có tính đặc thù cho một địa phương có biên độ mở, sức chứa người nhập cư, lao động phi chính thức lớn nhất cả nước; vừa gắn với mục tiêu của một thành phố nhân văn, nghĩa tình mà người đứng đầu Đảng bộ thành phố - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tiếp nối, giữ gìn và phát huy; tiếp tục khai thác mạnh mẽ các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh”.
Rõ ràng, thành phố cần có dòng tài chính dự phòng cả trong ngân sách lẫn nguồn quỹ xã hội để ứng phó các cú sốc nêu trên, quy định khung về loại cú sốc cần hỗ trợ, mức hỗ trợ, điều kiện hưởng, thông số mở rộng, yếu tố kích hoạt, phương thức triển khai; cho phép khoản dự phòng ngân sách chưa sử dụng được tích lũy qua các năm nhằm ứng phó với các cú sốc trên quy mô lớn. Sử dụng công nghệ để theo dõi, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh hoặc cú sốc lớn và số hóa các cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội (trợ giúp xã hội, nghèo, cận nghèo, lao động…).
Trên cơ sở Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì Quỹ An sinh xã hội TPHCM có những đặc tính phù hợp. Một điểm đáng lưu ý trong việc huy động nguồn lực trong giai đoạn đầu của quỹ là nên chăng xin phép chuyển nguồn kinh phí hiện còn tồn của Trung tâm tiếp nhận, phân phối và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 sang để triển khai ngay một số trợ cấp cấp thiết. Ngoài ra, cần xác lập vai trò và trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa hệ thống an sinh xã hội và quản lý rủi ro thiên tai với các ban ngành khác liên quan.
Về nguồn lực, chúng ta vừa khơi dậy truyền thống nhân ái, tương trợ của đồng bào vừa trích lập ngân sách dự phòng. Về cách thức vận hành, chúng ta đảm bảo quy trình khoa học, chặt chẽ và quan trọng là công khai, minh bạch, hiệu quả. Để cuối cùng, Quỹ An sinh xã hội TPHCM sẽ là nơi khơi mạch “sức mạnh nội sinh” của đất - và - người - thành - phố, không chỉ các chính sách chăm lo, trợ cấp trước mắt mà còn lo đường dài là việc làm, nơi ăn chốn ở…