Truyền đam mê đi cà kheo cho thanh-thiếu niên làng Brang Đak Kliết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Nhiều năm nay, ông Đinh Văn Nhin (SN 1978 ở làng Brang Đak Kliết, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các con và thanh-thiếu niên trong làng đi cà kheo.

Ông Đinh Văn Nhin (bìa trái) tự hào kể về những thành tích gia đình đạt được trong môn thi chạy cà kheo với ông Lý Văn Thắng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đinh Văn Nhin (bìa trái) tự hào kể về những thành tích gia đình đạt được trong môn thi chạy cà kheo với ông Lý Văn Thắng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Kể về người Bahnar ở Ya Hội gắn bó với cà kheo, ông Nhin cho biết: Trước đây, mỗi mùa mưa đến, đường làng ngõ xóm lầy lội, trơn trượt đi lại khó khăn. Để di chuyển thuận lợi, giữ cho đôi chân không bị dính đất cát khi vào nhà, bà con thường đi cà kheo. Dân làng xem cà kheo như đôi chân thứ 2 đi lên nương, lên rẫy nhanh hơn và hạn chế bị rắn, rết, kiến cắn. Lâu dần, đi cà kheo trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở xã. Sau này, vào dịp lễ hội, làng, xã đã đưa cà kheo vào thi đấu hoặc giao lưu.

“Để không bị mai một, người nhiều kinh nghiệm huấn luyện, truyền dạy cho thế hệ sau kỹ năng đi, đứng, giữ thăng bằng trên đôi cà kheo. Nhờ vậy, cà kheo được gìn giữ và phát huy”-ông Nhin nói.

Ông Đinh Văn Nhin biểu diễn đi cà kheo để lớp trẻ học làm theo. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Đinh Văn Nhin biểu diễn đi cà kheo để lớp trẻ học làm theo. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nhin nói khi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy bố mẹ, cô chú, anh chị di chuyển dễ dàng trên đôi cà kheo cao lênh khênh, ông ước mình cũng có thể làm được như vậy. Lên 10 tuổi, sẵn có những đoạn tre, lồ ô của gia đình, ông và nhóm bạn trong xóm tự làm thành đôi cà kheo, rồi cùng nhau tập đi. Nhờ đam mê và chịu khó luyện tập, lại được bố mẹ chỉ bảo, khoảng 1 tháng sau, ông Nhin không những biết điều khiển cà kheo thành thạo mà còn đi được trên những địa hình khó, thậm chí leo cầu thang bước vào nhà một cách dễ dàng.

Năm 1990, ông Nhin đăng ký tham gia chạy cà kheo cự ly 200 m tại hội thi thể dục thể thao do huyện An Khê (nay là thị xã An Khê) tổ chức và giành giải nhất. Sau thành tích này, ông Nhin tiếp tục tham gia nhiều hội thi do xã, huyện, tỉnh tổ chức và đạt được nhiều kết quả cao.

Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông Đinh Văn Nhin lại dạy thiếu niên trong làng cách giữ thăng bằng trên cà kheo. Ảnh: Ngọc Minh

Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông Đinh Văn Nhin lại dạy thiếu niên trong làng cách giữ thăng bằng trên cà kheo. Ảnh: Ngọc Minh

“Từ năm 2008 đến nay, vì bận việc gia đình nên tôi không tham gia thi chạy cà kheo mà tập trung hướng dẫn 2 con của tôi là Đinh Thị Thoan (SN 2001), Đinh Văn Thuật (SN 2008) cách giữ thăng bằng đứng trên cà kheo và chia sẻ kinh nghiệm chạy trên đôi cà kheo cho một số thanh-thiếu niên trong làng để tham gia thi thố tại lễ hội do làng, xã, huyện tổ chức”-ông Nhin cho hay.

Kể về thành tích của 2 con, ông Nhin chia sẻ: Được chỉ bảo từ nhỏ nên Thoan và Thuật sớm biết đi cà kheo. Năm 2017, Thoan lấy chồng về làng Leng Tô (thị trấn Đak Pơ). Từ đó đến nay, Thoan luôn là thành viên tích cực của đội thi chạy cà kheo của làng, của thị trấn tham gia thi đấu tại các lễ hội, đại hội thể dục thể thao, ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Còn Thuật cũng trở thành “chân chạy cà kheo” giỏi của xã. “Tại Đại hội Thể dục thể thao xã Ya Hội lần thứ VI năm 2022, Thuật đã vượt qua nhiều chân chạy cà kheo đến từ các thôn, làng trên địa bàn để giành giải nhất cự ly 200m nam môn cà kheo. Tại Ngày hội văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đak Pơ lần thứ IV năm 2023, Thuật đạt giải nhì cự ly 200m môn cà kheo nam”-ông Nhin dẫn chứng.

Đinh Văn Thuật chia sẻ: Khi bắt đầu tập đi cà kheo nên đặt 2 cây gậy chéo nhau, tạo thế vững chắc rồi lấy đà lần lượt bước từng chân lên giá đỡ hay có thể đứng trên bệ cao ngang bằng với giá đỡ rồi bước sang cà kheo. Kế đến giữ cho vững, sau đó bước từng bước nhỏ. Luyện tập 2 hoặc 3 ngày biết cách giữ thăng bằng, bắt đầu bước nhanh về phía trước. “Em sẽ chăm chỉ luyện tập để đi cà kheo giỏi như bố và đạt nhiều thành tích cao trong thời gian tới”-Thuật nêu quyết tâm.

Nhờ ông Đinh Văn Nhin truyền dạy, nhiều thanh-thiếu niên làng Brang Đak Kliếtbiết đi cà kheo, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh

Nhờ ông Đinh Văn Nhin truyền dạy, nhiều thanh-thiếu niên làng Brang Đak Kliếtbiết đi cà kheo, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh

Còn em Đinh Văn Lượng (SN 2009, làng Brang Đak Kliết) hồ hởi nói: “Mỗi lần dạy anh Thuật đi cà kheo, ông Nhin thường gọi em và các bạn trong xóm sang học cùng. Ông Nhin còn vận động nhiều thanh-thiếu niên trong làng tham gia thi chạy cà kheo, biểu diễn cùng đội cồng chiêng tại lễ hội do làng, xã tổ chức. Qua đó, giúp chúng em có sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe và đóng góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cha ông”.

Theo ông Nhin, để đi được trên cà kheo, người sử dụng phải nắm vững kỹ thuật, điều chỉnh thăng bằng cộng thêm chút khéo léo. Với những vận động viên thi chạy cà kheo thì đòi hỏi có năng khiếu, thể lực, lòng đam mê, sự kiên trì và khổ công luyện tập. Bên cạnh đó cũng cần có đôi cà kheo chắc chắn, phù hợp mới thu được kết quả cao.

Lấy bộ cà kheo mới làm xong, ông Nhin giới thiệu: Cà kheo thường được làm từ cây tre, trúc hoặc lồ ô già, thân thẳng có đường kính 4-4,5cm. Cây tre, lồ ô chặt về được róc sạch các mắt mấu và chọn một đoạn có chiều dài 1,5-2m để làm cà kheo. Phần đầu trụ cà kheo tiếp xúc với đất để nguyên mắt tre nhằm tăng độ bền chắc, khi di chuyển đầu cây cà kheo không bị nứt vỡ, gây nguy hiểm cho người đi.

Tiếp đến, đo từ dưới trụ cà kheo lên trên khoảng 40-50cm đánh dấu điểm cột giá đỡ. Lấy dây mây phơi dẻo hoặc dây thun đen bản lớn cột đoạn tre dài khoảng 20cm làm giá đỡ chân vào điểm đánh dấu trước đó. Ưu tiên cột giá đỡ chân tại vị trí có mắt mấu nhằm tăng độ bám gắn giữa giá đỡ và trụ cà kheo, khi đứng lên tạo cảm giác chắc chắn, an toàn.

“Làm cà kheo phải phù hợp cân nặng, chiều cao của từng người nhằm làm tăng tuổi thọ cũng như di chuyển trên đôi cà kheo dễ dàng, thuận lợi hơn”-ông Nhin lưu ý.

Cùng với truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật đi cà kheo, ông Nhin còn chia sẻ cách làm cà kheo để di chuyển thuận lợi, an toàn. Ảnh: Ngọc Minh

Cùng với truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật đi cà kheo, ông Nhin còn chia sẻ cách làm cà kheo để di chuyển thuận lợi, an toàn. Ảnh: Ngọc Minh

Trao đổi với P.V, ông Lý Văn Thắng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Hội cho biết: “Những năm qua, dù bận rộn với việc nương rẫy, nhưng xuất phát từ niềm đam mê nên ông Đinh Văn Nhin thường xuyên hướng dẫn, truyền dạy những kỹ năng đi cà kheo cho thế hệ trẻ. Việc làm này đã truyền cảm hứng, thúc đẩy người dân, thanh-thiếu niên tham gia phong trào văn hóa, thể dục thể thao của địa phương; góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc và làm dày thêm thành tích về văn hóa, thể dục thể thao cho xã”.

Có thể bạn quan tâm

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Chức vô địch AFF Cup 2024 không chỉ giúp hàng chục triệu người hâm mộ VN có được niềm vui sau nhiều năm bóng đá VN 'khát' danh hiệu, mà còn là bước khởi đầu mới đầy thuận lợi cho thầy trò HLV Kim Sang-sik hướng đến những mục tiêu quan trọng trong tương lai.