Trung Quốc từ chối cho WHO tiếp tục điều tra nguồn gốc Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính phủ Trung Quốc sẽ không tham gia giai đoạn hai cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành.

Trên đây là tuyên bố của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân (Zeng Yixin) tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh.

Đài CNN ngày 22-7 cho hay ông Tăng bày tỏ "sự ngạc nhiên" khi biết WHO đưa giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc vào giai đoạn hai cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19.

"Trong một số khía cạnh, kế hoạch điều tra tiếp theo của WHO không tôn trọng ý thức chung và chống lại khoa học. Chúng tôi không thể chấp nhận một kế hoạch như vậy" -  ông Tăng nói.

 

 Ông Tăng Ích Tân. Ảnh: China SCIO
Ông Tăng Ích Tân. Ảnh: China SCIO


Phản ứng này của ông Tăng cũng được cho là đáp trả việc Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố một số nhân viên tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ngã bệnh trước khi Trung Quốc công bố trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2019. Quan chức này khẳng định "không có nhân viên hoặc nhà nghiên cứu nào tại WIV bị nhiễm virus SARS-CoV-2".

Hồi tháng 3, WHO công bố báo cáo điều tra ban đầu về nguồn gốc dịch Covid-19, trong đó xác định virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ động vật trước khi lây lan sang con người vào khoảng tháng 12-2019.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia phương Tây đặt câu hỏi về tính chính xác của báo cáo ban đầu này. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ xem xét dịch Covid-19 bùng phát như thế nào. Ông lưu ý rằng các nhà quan sát phương Tây vẫn chưa được Trung Quốc cho phép tiếp cận các phòng thí nghiệm quan trọng.

Ngày 15-7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi Trung Quốc hợp tác đầy đủ hơn trong cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 mới. Ông phàn nàn báo cáo đầu tiên "thiếu dữ liệu thô về những ngày đầu dịch bùng phát".

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 16-7 nhấn mạnh Bắc Kinh "đã hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra ban đầu của WHO" cũng như bác bỏ cáo buộc nhóm điều tra của WHO không được phép tiếp cận bất kỳ địa điểm hoặc dữ liệu cần thiết nào.

Theo PHẠM NGHĨA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?